Cảnh báo khủng hoảng nước sạch trong đô thị

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/3/2022 | 4:23:19 Chiều

Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị, nếu không có hành động can thiệp để ngăn chặn các mối đe dọa với chất lượng nguồn nước, nền kinh tế Việt Nam có thể bị tổn thất khoảng 6% GDP mỗi năm từ năm 2035 so với kịch bản không có các mối đe dọa.

Những mối đe dọa thường trực

Theo cảnh báo của các nhà khoa học, thế giới có thể sẽ thiếu 40% nước sạch trong 20 năm tới. Trong 2 thập niên tới, 1/3 dân số toàn cầu sẽ chỉ có được một nửa lượng nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp sẽ thiếu nước trầm trọng.

Hiện tại, gần 90% nguồn nước sạch trên thế giới đang được dùng để sản xuất thực phẩm và năng lượng. Rất nhiều người không có ý niệm gì về những sản phẩm dùng hàng ngày khiến lượng nước sạch tiêu hao mau chóng. Cụ thể, cần 1,5 tấn nước để sản xuất một máy vi tính, 6 tấn nước để làm ra một cái quần jean. Lượng nước sạch được tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu hàng năm tương đương với 10 con sông Nile.

Cảnh báo khủng hoảng nước sạch trong đô thị

Nguồn cung cấp nước sạch được dự báo sẽ giống như tình trạng khan hiếm dầu hiện nay. Các biện pháp bổ sung nguồn nước thiếu hụt trên toàn cầu cần chi phí 124 tỷ euro hàng năm. Nhưng khoản chi phí này sẽ chỉ còn từ 31 - 37 tỷ euro nếu người dân các nước được giáo dục cách tiết kiệm nước. Giải pháp cấp bách là quản trị nguồn nước hiệu quả. Các chuyên gia về lĩnh vực này cũng đặc biệt lưu ý đến ý thức về sử dụng nguồn nước của các chủ hộ gia đình tại những đô thị lớn.

 

Đã có rất nhiều chương trình hành động, tuyên truyền nhằm tác động đến ý thức của đối tượng sử dụng này. Xong dường như hiệu quả thực tế chưa được như mong muốn. Nhiều nghiên cứu trực tiếp đã cho thấy, nếu biết tận dụng, dự trữ nguồn nước mưa cho để dội toalét, giặt quần áo và tưới cây thì nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt có thể giảm đến 70% khi người ta nhận ra vấn đề.

Các dự báo về tình hình cạn kiệt tài nguyên nước trên thế giới hàng năm vẫn liên tiếp được đưa ra. Có nhà khoa học còn dự báo, thảm họa tự nhiên kiểu như lũ lụt ở Pakistan, Úc, Việt Nam, Trung Quốc… được dự báo sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong những năm tới. Những trận lụt lịch sử 100 năm đang diễn ra với tần số dày hơn - mỗi 20 năm. Và tình trạng thiếu hụt nước sạch, những căn bệnh liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm sẽ càng thêm trầm trọng khi các thành phố lớn ngày càng một phình rộng.

Thực tế cho thấy, khi nguồn nước bị ô nhiễm - quá bẩn, sẽ trở thành mối đe dọa lớn nhất, trực tiếp đối với nền kinh tế. Mối đe dọa chính là tác động của nguồn nước ô nhiễm lên sức khỏe con người, theo WB, có thể làm giảm 3,5% GDP vào năm 2035.

 

Tác động nhỏ hơn khoảng 0,8% tới năng suất lúa là do ảnh hưởng của chất lượng nước kém. Mô hình này chưa tính đến hậu quả kinh tế do các hình thức ô nhiễm nước khác, bao gồm cả tình trạng xâm nhập mặn của nguồn nước mặt và nước dưới đất.

Do một thời gian dài phát triển thiếu sự đầu tư vào xử lý nguồn nước thải nên môi trường phải gánh chịu nhiều hệ lụy. Thống kê từ 3 năm trước (2019) đã cho thấy, do thiếu đầu tư vào thu gom và xử lý nước thải hệ thống xử lý nước thải tập trung ở các khu công nghiệp mới chỉ xử lý được khoảng 71% lượng nước thải phát sinh. Trong tổng số 587 cụm công nghiệp theo quy hoạch đã đi vào hoạt động, chỉ có 55 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải chung (chiếm 9,4%).

Phần lớn, nước thải từ các hộ sản xuất trong hơn 5.000 làng nghề chưa qua xử lý cùng nước thải sinh hoạt được xả vào hệ thống thoát nước mặt. Đó là chưa kể đến một số cơ sở công nghiệp lớn nằm ngoài các khu công nghiệp, các điểm khám chữa bệnh tư nhân nằm rải rác chưa có hệ thống xử lý nước thải.

 

Tài nguyên nước của Việt Nam dễ bị tổn thương

Một khó khăn nhìn thấy là hầu hết các con sông lớn của Việt Nam có nguồn gốc từ các nước lân cận, do vậy, tài nguyên nước của Việt Nam dễ bị tổn thương do những hoạt động khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn.

Tài nguyên nước Việt Nam phụ thuộc vào các con sông quốc tế với hơn 60% tổng dòng chảy nước mặt trung bình hàng năm chảy vào từ các quốc gia thượng nguồn. Hai trong số các con sông quan trọng nhất của nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới từ các nước láng giềng. Gần 95% lượng nước của sông Mê Công bắt nguồn từ ngoài biên giới, đến Việt Nam thông qua Campuchia và 40% của sông Hồng có nguồn gốc ở Trung Quốc. Việt Nam nằm ở thượng nguồn sông Sê San và Srê pốk, chảy vào Campuchia. Các quốc gia ven sông sử dụng nước cần có sự phối hợp về các vấn đề quan tâm chung, bao gồm các hoạt động khai thác nước, ô nhiễm và phát triển đập thủy điện.

Soi vào thực tiễn Việt Nam, tình trạng xâm mặn ở nhiều con sông ven biển cũng đang khiến việc cung cấp nước sạch cho các đô thị trở nên khó khăn.

Quá trình đô thị nhanh chóng là nguyên nhân gây gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Nước thải công nghiệp và đô thị là nguồn gây ô nhiễm nguồn nước lớn nhất. Chỉ có 46% hộ gia đình ở đô thị có đầu nối vào đường ống thoát nước và chỉ 12,5% nước thải đô thị được xử lý trước khi xả vào các nguồn nước (Bộ Xây dựng 2019). Trong 15 năm tới, nước thải đô thị dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất của nước thải (khoảng 60%). Nước thải công nghiệp sẽ chiếm 25 - 28% và nước thải nông thôn là 12 - 15%.

Nhiều nguồn nước thải công nghiệp không qua xử lý xả vào môi trường. Ngành nông nghiệp cũng đóng góp một lượng lớn chất thải từ phân bón, mầm bệnh và dược phẩm dùng trong chăn nuôi. 80% của tổng số 84,5 triệu tấn chất thải chăn nuôi tạo ra mỗi năm được thải vào môi trường không qua xử lý. Chất thải chăn nuôi mang chất dinh dưỡng, mầm bệnh và các hợp chất dễ bay hơi là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất.

Việc áp dụng kỹ thuật thâm canh càng khiến tình trạng ô nhiễm tăng mạnh do phân bón và thuốc trừ sâu. Mặc dù, chưa có nhiều kết quả quan trắc nhưng các bằng chứng trên phạm vi toàn cầu đề khẳng định về tác hại to lớn của ô nhiễm đôi với sức khỏe và năng suất. Nuôi trồng thủy sản - một ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam cũng là ngành gây ô nhiễm cao. Khung pháp lý cũng như các quy định về an toàn thực phẩm hiện có dường như chưa đủ để ngăn chặn các chất thải có hại xả ra từ các hồ/lồng bè nuôi cá.

Thiệt hại cao do ô nhiễm nước gây ra. Do các hoạt động kinh tế, không có lưu vực sông nào có nguồn nước mặt đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh của WHO dành cho nước uống. Các đoạn sông chảy qua các thành phố lớn, như sông Tô Lịch, sông Sét và sông Kim Ngưu chảy qua Hà Nội bị ô nhiễm nặng - gây lãng phí nguồn tài nguyên, rủi ro cho sức khỏe con người và các hệ sinh thái tự nhiên.

Mức độ ô nhiễm cao cũng hạn chế sự phát triển đô thị, sự phát triển bền vững và tương lai của ngành công nghiệp, nông nghiệp.

Cũng theo WB, mức độ ô nhiễm cao còn hạn chế sự phát triển bền vững và tương lai của các ngành công nghiệp, nông nghiệp. Việt Nam sẽ tiêu tốn khoảng 12,4 - 18,6 triệu USD mỗi ngày cho chi phí xử lý do ô nhiễm vào năm 2030 nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời.

Khung pháp lý về cơ bản là phù hợp, nhưng thực tại không đồng đều. Khung pháp lý đã được thiết lập, bao gồm các quy định về quản lý nước thải, nhưng việc triển khai thực hiện trên thực tế vẫn là một thách thức.

Rõ ràng, nước vô cùng quan trọng với con người. Con người sống không thể thiếu nước. Bởi thế, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước đang là vấn đề nóng bỏng của không riêng một quốc gia nào.

Nước thải phải được xử lý trước khi xả vào nguồn

Theo quy định tại Thông tư số 15/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung, từ 10/02/2022, nước thải phải được xử lý trước khi xả vào nguồn tiếp nhận, Theo đó, đô thị, khu dân cư tập trung mới phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa để tổ chức đấu nối, thu gom và vận chuyển nước thải, đáp ứng nhu cầu thoát nước trong khu vực trừ đặc thù do Chính phủ quy định. Bên cạnh đó, Thông tư cũng hướng dẫn đấu nối hệ thống thoát nước với nhiều nội dung quan trọng; xác định rõ trách nhiệm quản lý về công trình thu gom, thoát nước và đấu nối hệ thống thoát nước của đơn vị thoát nước, UBND các cấp.


Nguồn tapchixaydung.vn

  •  
Các tin khác

Sử dụng cốt liệu tái chế từ chất thải phá dỡ công trình xây dựng có thể bảo tồn tài nguyên cốt liệu tự nhiên, giảm nhu cầu chôn lấp và góp phần xây dựng môi trường xây dựng bền vững.

Ngày nay, việc tuần hoàn và tái sử dụng nước thải công nghiệp ở Việt Nam đã trở thành ưu tiên được quan tâm và triển khai rộng rãi, hướng đến mục tiêu vào năm 2035, ngành công nghiệp của Việt Nam sẽ phát triển theo hướng thân thiện với môi trường.

Ban biên tập Chuyên trang Quản lý Môi trường, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 13-2024.

Ban biên tập Chuyên trang Quản lý Môi trường, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 11-2024.