Giải pháp giảm thiểu ngập úng đô thị - góc nhìn từ quản lý cao độ nền và thoát nước mặt

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/7/2022 | 10:52:08 Sáng

Đô thị hóa và phát triển đô thị đã và đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa cũng làm gia tăng những hệ lụy xấu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân như vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đặc biệt là vấn đề ngập úng trong đô thị.

1. Đặt vấn đề

Đô thị hóa và phát triển đô thị đã và đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Các đô thị hiện nay có tốc độ đô thị hóa đạt khoảng 40%. Nhiều đô thị được đầu tư hiện đại, đồng bộ về hạ tầng phục vụ nhu cầu về nhà ở và phát triển kinh tế, bộ mặt các đô thị đã có những thay đổi tích cực theo hướng văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa cũng làm gia tăng những hệ lụy xấu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân như vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đặc biệt là vấn đề ngập úng trong đô thị. Ngập úng không chỉ diễn ra ở các đô thị đồng bằng, duyên hải mà còn diễn biến phức tạp ở các đô thị vùng trung du và miền núi.

 

Trong phạm vi bài viết này, tác giả đưa ra những thực trạng về cao độ nền và ngập úng của các đô thị thuộc vùng đồng bằng những đô thị chịu ảnh hưởng nặng nề của ngập úng. Từ đó, đề xuất một số giải pháp về công tác quản lý cốt nền và thoát nước mặt, một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giải pháp giảm thiểu ngập úng tại các đô thị hiện nay.

2. Thực trạng cốt nền và ngập úng tại các đô thị hiện nay

2.1. Thực trạng cốt nền

 

Hiện nay, các đô thị chủ yếu phát triển theo hình thức lấn dần, có nghĩa phát triển từ các đô thị cũ. Trước đây tính toán xác định cốt nền các đô thị này khá thấp ứng với tần suất thiết kế (P%) tương ứng với cấp đô thị thấp (chủ yếu là thị xã hoặc thành phố loại III, loại II). Chính vì vậy, sau khi phát triển, các đô thị được nâng cấp, các khu đô thị mới được tính toán với tần suất cao hơn, điều này dẫn tới chênh lệch cốt nền giữa đô thị cũ và đô thị mới, gây khó khăn cho công tác tổ chức thoát nước mặt đồng thời gây ra ngập úng cục bộ.

Bên cạnh đó, các dự án xây mới, cải tạo nâng cấp các trục đường giao thông trong đô thị đã xảy ra tình trạng chênh lệch giữa cốt nền xây dựng công trình và cốt mặt đường gây ra ngập úng, ảnh hưởng tới an toàn công trình, sinh hoạt của người dân và cảnh quan đô thị.

Vấn đề này xảy ra hầu hết ở các đô thị, trong đó tại các đô thị đồng bằng xảy ra khá phổ biến. Điển hình tại TP.Hưng Yên, khu đô thị trung tâm có cao độ trung bình khoảng 2,50 m đến 3,00 m nhưng các khu đô thị mới có cao độ khoảng +3.50 m.

 

Tại Nam Định, hiện thành phố có các "điểm đen” về ngập úng gồm: Ngã tư đường Trần Hưng Đạo - Phan Đình Phùng, đường Trần Hưng Đạo (đoạn cổng chợ Mỹ Tho, đoạn kéo dài ven hồ Truyền thống), Hàn Thuyên - Hùng Vương và chùa Cả, Hàng Tiện, Hàng Cấp, chợ Diên Hồng, đầu đường Quang Trung (Trung tâm Đăng kiểm cũ), ngã 6 Năng Tĩnh - Văn Cao, đường Bến Thóc, Ngô Quyền, Máy Tơ. Đây là những vị trí bị thấp trũng do quá trình phát triển đô thị.

Tại TP.HCM, dự án nâng cốt nền tuyến đường Kinh Dương Vương, quận Tân Bình, có rất nhiều nền nhà của các hộ dân bỗng chốc thấp hơn mặt đường 1,0 m đến 1,2 m. Nhà biến thành "hầm” gây nóng bức về mùa hè và thành bể nước mùa mưa, rất bất tiện cho sinh hoạt.

Đặc biệt, tại Hà Nội, các khu đô thị phát triển mở rộng thuộc chuỗi đô thị phía Đông vành đai 4 có cao độ cao hơn nhiều so với khu dân cư hiện hữu gây nên tình trạng ngập úng trong khu dân cư mỗi khi mưa lớn. Điển hình khu đô thị mới An Khánh, khu vực làng xóm cao độ trung bình từ +5,50 m đến +7,00 m. Khu vực xây dựng đô thị mới có cốt nền +6,50 m đến +7,30 m. Tuyến đường cao tốc Láng Hòa Lạc - Đại lộ Thăng Long sau khi hoàn thành thành có cao độ mặt đường cao hơn cốt nền các khu đô thị 2 bên đường từ 1,20 m đến 1,50 m dẫn tới làm thay đổi hướng dốc nền và lưu vực thoát nước. Hiện tại, tình hình ngập úng cục bộ tại khu đô thị diễn ra rất phức tạp. Khu đô thị Bảo Sơn, khu vực trước cổng đô thị Nam An Khánh Sudico, đô thị Lê Trọng Tấn - Geleximco, đường gom Láng Hòa Lạc là những khu vực ngập úng nghiêm trọng. (Hình 1; Hình 2)

Như vậy có thể thấy rằng, tình trạng các dự án triển khai không đồng nhất về cốt nền xây dựng xảy ra khá phổ biến tại hầu hết các đô thị. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng cục bộ tại các đô thị hiện nay.

2.2. Thực trạng ngập úng

Các đô thị vùng Đồng bằng sông Hồng chịu ảnh hưởng lớn của chế độ thủy văn hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình đồng thời chịu ảnh hưởng của mực nước triều và nước dâng trong bão. Hiện nay, cốt nền của vùng Đồng bằng sông Hồng nhìn chung khá thấp, giao động từ 0,4 m đến 9,0 m (khu vực cốt nền 9 m chủ yếu các đô thị thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và một số đô thị thuộc tỉnh Quảng Ninh).

Trong đó có khoảng 58,4% diện tích Đồng bằng sông Hồng có cốt nền ở mức thấp hơn 2 m, hơn 72% diện tích đồng bằng ở cốt nền thấp hơn 3 m. Bốn tỉnh thành Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam và Ninh Bình có trên 80% diện tích đất đai có cốt nền thấp hơn 2 m. Đối với tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Hồng, nếu mực nước biển dâng 80 cm, khoảng 1,59% diện tích của tỉnh Quảng Ninh và 8,4% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng có nguy cơ bị ngập.

Trong đó, tỉnh Thái Bình (25,06%) và tỉnh Nam Định (29,29%) là 2 tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất. Nếu mực nước biển dâng 100 cm thì 1,94% diện tích của tỉnh Quảng Ninh có nguy cơ bị ngập. Nam Định là tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất khoảng 43,67%, trong khi đó toàn Đồng bằng sông Hồng là 13,20% (Hình 3).

Các đô thị vùng ĐBSCL cũng có tình trạng tương tự. Địa hình tự nhiên của TP Cần Thơ tương đối thấp (cao ở khu vực ven sông Hậu và thấp dần về phía nội đồng). Tại các khu vực đã xây dựng như trung tâm thành phố, trung tâm các quận hiện hữu đã được tôn nền vượt lũ với cao độ trung bình từ 1,8 m đến 3 m.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây khi gặp triều cường hoặc mưa lớn vẫn xảy ra tình trạng bị ngập trên các tuyến đường tại trung tâm thành phố với chiều sâu ngập trung bình khoảng 30 - 40 cm, thời gian ngập trung bình từ 2 - 3 giờ. Tại các khu vực vùng ven đô thị, các khu vực xây dựng với mật độ thấp bị ảnh hưởng ngập úng về mùa lũ.

Tại TP Vĩnh Long, địa hình tự nhiên trung bình từ 0,8 m - 1,2 m thường bị ngập khi lũ và triều cường. Khu vực đã phát triển chủ yếu tập trung tại khu vực trung tâm thành phố và ven sông được tôn nền từ 1,8 m - 2,5 m. Đối với TP.HCM, hiện có khoảng 50% diện tích đất thấp hơn mực nước biển khoảng 2,0 m, nhiều khu vực có địa hình thấp trũng nên khu vực này thường xuyên xảy ra ngập úng do triều cường và do mưa. (Hình 4).

Như vậy, cốt nền của các đô thị trong vùng hầu như thấp hơn mực nước lũ, mực nước triều tính toán và mực nước biển dâng. Điều này dẫn tới khó khăn cho việc tổ chức thoát nước mặt, chống ngập úng cho các đô thị. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, tác động của nó sẽ làm tình hình ngập úng tại các đô thị ngày một nghiêm trọng thêm.

2.3 Các nguyên nhân gây ra tình trạng chênh lệch cốt nền và ngập úng đô thị

Qua phân tích thực trạng cốt nền và thoát nước mặt các đô thị, có thể nhận thấy các nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng ngập úng tại các đô thị hiện nay:

Nguyên nhân khách quan: Hiện nay, cốt nền của các đô thị khá thấp so với mực nước tính toán của hệ thống sông ngòi ao hồ đô thị, ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của triều cường gây khó khăn cho công tác tổ chức thoát nước mặt.

Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng mạnh mẽ đến lượng mưa (lượng mưa ngày càng tăng và thời gian kéo dài), chế độ thủy văn của sông gây ra những thái cực trái ngược, mùa lũ nước dâng cao còn mùa hạn lại giảm sâu, điều này gây khó khăn cho công tác phòng chống ngập úng cho đô thị.

Nguyên nhân chủ quan:

Có nhiều nguyên nhân chủ quan gây ra tình chênh lệch cốt nền và ngập úng đô thị. Trong đó, có những nguyên nhân chủ yếu sau:

(1) Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh làm phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết trong công tác lập quy hoạch. Diện tích đất xây dựng đô thị, khu công nghiệp và các khu chức năng khác không ngừng gia tăng đã tác động trực tiếp vào điều kiện tự nhiên, làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến quá trình thoát nước của đô thị.

(2) Công tác quản lý xây dựng cốt nền đô thị cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Tình trạng các dự án triển khai không đồng nhất về cốt nền đô thị xảy ra khá phổ biến tại các đô thị hiện nay. Một số dự án có cốt nền đô thị sau khi hoàn thiện cao hơn cốt nền nền hiện trạng của đô thị hiện hữu khiến nước mặt của khu vực này không thể thoát ra bên ngoài gây nên tình trạng ngập úng.

Một số dự án mặc dù có cốt nền bằng hoặc thấp hơn các khu đô thị hiện hữu nhưng khi triển khai dự án đã thu hẹp hoặc xóa bỏ các nguồn tiếp nhận thoát nước của khu đô thị hiện hữu nhưng không có các giải pháp hoàn trả hoặc thay thế nên cũng nảy sinh tình trạng ngập úng.

Các dự án xây mới, cải tạo nâng cấp các trục đường giao thông trong đô thị đã xảy ra tình trạng chênh lệch giữa cốt nền xây dựng công trình và cốt mặt đường gây ra ngập úng, ảnh hưởng tới an toàn công trình, sinh hoạt của người dân và cảnh quan đô thị.

(3) Mạng lưới thoát nước mưa tại các đô thị đã xuống cấp, không được đầu tư đồng bộ. Công tác quy hoạch mạng lưới thoát nước mưa đang tồn tại nhiều bất cập. Hiện nay, các đô thị đang quy hoạch mạng lưới thoát nước mưa theo kiểu truyền thống với chỉ tiêu kỹ thuật là 100% đường phố nội thị có hệ thống thoát nước.

Hệ thống thoát nước mưa được thiết kế sao cho đảm bảo thoát nhanh, thoát triệt để ra các nguồn xả. Với phương pháp tính toán nước mưa theo cường độ giới hạn, số liệu để tính toán bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó biến đổi khí hậu tác động không nhỏ đến sai số của số liệu đầu vào như lượng mưa tăng, chế độ thủy văn đô thị trái với quy luật làm cho kết quả tính toán thường bị sai lệch.

Chính vì vậy, mạng lưới thoát nước mưa thiết kế theo kiểu truyền thống thường có chi phí cho xây dựng và vận hành, bảo dưỡng thường rất lớn, trong khi công suất của chúng lại chỉ có giới hạn và không dễ nâng cấp. Việc thoát nước truyền thống cũng mang lại nhiều bất cập, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường trong các đô thị.

Nước mưa là một trong những nguồn quan trọng bổ cập tại chỗ cho các tầng nước ngầm, giữ áp suất địa tĩnh nhằm hạn chế sụt lún nền đô thị, cung cấp lượng nước tưới cây, rửa đường, cứu hỏa hoặc thu gom và xử lý để phục vụ cho các hoạt động đô thị.

3. Một số giải pháp quy hoạch và quản lý xây dựng cốt nền đô thị và thoát nước mặt nhằm đảm bảo phát triển bền vững của đô thị.

Quá trình phát triển đô thị, ngoài việc phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đô thị còn phải đảm bảo chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, trong đó hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải được chú trọng ưu tiên, đặc biệt là hệ thống thoát nước mưa và cốt nền đóng góp vai trò không nhỏ trong quá trình hình thành, hoạt động và phát triển bền vững của đô thị.

Chính vì vậy, cần có những giải pháp quy hoạch và quản lý xây dựng cốt nền và thoát nước mặt nhằm đảm bảo phát triển bền vững của đô thị. Tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

• Quy định quản lý cốt nền theo mốc giới

Theo Điều 44 của Luật Xây dựng 2014, sau khi đồ án quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, UBND các cấp có trách nhiệm thực hiện tổ chức lập, phê duyệt hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt và tiến hành cắm mốc giới ngoài thực địa.

Tuy nhiên, hiện nay công tác thực hiện cắm mốc giới theo quy hoạch thực hiện chưa được đầy đủ. Mốc giới tim đường, mốc chỉ giới đường đỏ hầu như chưa được thực hiện gây khó khăn cho công tác quản lý xây dựng. Bên cạnh đó, việc chưa quy định cắm mốc phân định ranh giới tại các trục tiêu thoát nước, hồ điều hòa đã dẫn tới việc các trục tiêu bị san lấp, xóa bỏ hoặc bị lấn chiếm xảy ra rất nhiều nơi làm ảnh hưởng tới việc tiêu thoát nước, gây ngập úng tại nhiều nơi.

Triển khai cắm mốc chỉ giới ngoài thực địa sau khi quy hoạch được phê duyệt nhằm thực hiện mục tiêu quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch, hạn chế các tình trạng lấn chiếm, xây dựng không phép, sai phép. Bên cạnh đó, cắm mốc giới cũng là một hình thức công khai quy hoạch trực tiếp tại địa bàn.

Khi khu đất có mốc giới rõ ràng và thông tin quy hoạch đầy đủ người dân sẽ biết chính xác nhất mục đích sử dụng của khu vực, phạm vi đến đâu. Từ đó việc quản lý, giám sát các hoạt động xây dựng được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc hơn.

Giải pháp quản lý cao độ nền theo mốc giới gồm: (1) Bổ sung thông tin của mốc giới về cao độ nền quy hoạch đã được phê duyệt; (2) Bổ sung mốc giới tại các khu vực tiếp giáp khu đô thị với khu dân cư hiện hữu; (3) Bổ sung mốc giới xác định ranh giới khu đất mặt nước, hồ điều hòa, khu vực dự kiến ngập tạm thời khi có mưa lũ, các trục tiêu thoát nước chính của đô thị. Mốc giới phải đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin: Tên mốc, tim mốc (định vị bằng tọa độ x; y theo hệ tọa độ Quốc gia) và cao độ san nền thiết kế theo quy hoạch. (hình 5).

• Quy định khống chế diện tích san nền trong đồ án quy hoạch xây dựng đô thị:

Với đặc điểm địa hình của các đô thị vùng Đồng bằng sông Hồng thấp trũng, độ dốc nhỏ, rất khó khăn tổ chức thoát nước mặt chống ngập úng đô thị thì việc tính toán khống chế diện tích san nền trong đồ án quy hoạch cốt nền xây dựng thực sự cần thiết.

Thực trạng các dự án thường san nền đô thị gần như toàn bộ diện tích quy hoạch (trừ diện tích mặt nước) đã gây những tác động xấu đến môi trường tự nhiên, làm mất cân bằng hệ sinh thái, làm thay đổi hướng dòng chảy, gây nên tình trạng ngập úng. Nguyên tắc quy hoạch cốt nền xây dựng là phải triệt để lợi dụng điều kiện địa hình tự nhiên.

Phải cố gắng sử dụng đến mức tối đa những mặt tốt của điều kiện tự nhiên, tận dụng địa hình sẵn có, giữ lại những vùng cây xanh và các lớp đất màu để đạt hiệu quả cao về mặt kiến trúc cảnh quan và kinh tế. Nói cách khác là không nên thay đổi địa hình trong những trường hợp không cần thiết để tránh phá vỡ điều kiện tự nhiên.

Chỉ xem xét quy hoạch cốt nền tại các vị trí đặt công trình nhà cửa, công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Chính vì vậy cần tính toán diện tích cần san nền trên tổng diện tích của khu vực nghiên cứu nhằm hạn chế việc san gạt, tạo cân bằng cho các điều kiện tự nhiên. Diện tích san nền cần gắn liền với mật độ xây dựng công trình, chỉ san gạt tại các vị trí đặt công trình nhà cửa, công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Diện tích san nền tính toán theo mật độ xây dựng %. Diện tích san nền tối đa cho phép được xác định theo công thức:

tm-img-alt

Đối với đất cây xanh sử dụng công cộng bao gồm quảng trường, công viên, vườn hoa, vườn dạo, diện tích mặt nước không thường xuyên có nước, cần phải đề xuất chỉ tiêu diện tích san nền tối đa cho phép, diện diện tích cho phép ngập tạm thời (ngoài diện tích mặt nước cố định) để tăng khả năng điều tiết, lưu trữ nước trên lưu vực.

Với quy định khống chế diện tích san nền trong đồ án quy hoạch xây dựng đô thị thì diện tích san nền phục vụ xây dựng công trình sẽ được kiểm soát, tránh tình trạng san lấp mặt bằng trên diện rộng, phá vỡ điều kiện cân bằng của tự nhiên.

Bên cạnh đó, giới hạn diện tích san nền sẽ giảm tối đa diện tích bị bê tông hóa, tăng hệ số thấm của mặt phủ, giảm lưu lượng dòng chảy, giảm khả năng ngập úng ngập lụt cho đô thị, đảm bảo điều kiện đô thị phát triển bền vững.

• Kiểm soát mặt phủ không thấm của đô thị, lồng ghép quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan với thoát nước bền vững của đô thị

tm-img-alt

Cụ thể: Quá trình thiết kế quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan cần tôn trọng thiên nhiên, hòa quyện thiên nhiên vào đô thị để giúp đô thị được xanh hóa, giảm tỷ lệ bê tông hóa bằng cách giữ gìn, bảo tồn các vệt trũng, ao hồ, sông ngòi tự nhiên. Bổ sung diện tích trữ nước, các công viên lọc nước để điều tiết chống ngập úng cho đô thị đồng thời điều hòa vi khí hậu, phục vụ hoạt động giải trí và tạo vẻ đẹp cảnh quan của đô thị.

Đối với sân vườn công trình cần thay thế mặt phủ sân vườn (gạch nung, gạch men, đá…) bằng các loại vật liệu có khả năng thấm nước như gạch thấm nước, thảm cỏ, cây xanh. Thực hiện quản lý chặt chẽ ngay từ bước lập dự án đối với các dự án phát triển đô thị. Bổ sung các quy định về tỷ lệ mặt phủ của từng loại chức năng sử dụng đất hay từng loại công trình xây dựng vào trong quy định quản lý theo đồ án quy hoạch khi thẩm định và phê duyệt đồ án.

• Ứng dụng thông tin địa lý GIS trong quản lý cốt nền đô thị

Trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý cốt nền đô thị và thoát nước mặt, với tính chất chồng ghép nhiều bản đồ, nhiều số liệu về điều kiện tự nhiên hiện trạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, dữ liệu hồ sơ lớn thì việc áp dụng công nghệ vào lĩnh vực quản lý sẽ mang lại hiệu quả rất lớn.

Các đô thị Việt Nam đang nỗ lực xây dựng quản lý dữ liệu quy hoạch bằng hệ thống thông tin địa lý (GIS). Việc xây dựng cơ sở dữ liệu cần được thực hiện từ giai đoạn lập quy hoạch đến giai đoạn thực hiện đầu tư, quản lý vận hành. Có thể nhận thấy, GIS là một công cụ hữu ích trong quản lý và xử lý tích hợp các dữ liệu đô thị có tọa độ (bản đồ) với các dạng dữ liệu khác để biến chúng thành thông tin hữu ích trợ giúp các cơ quan chuyên môn quản lý, đồng thời công khai - minh bạch hóa thông tin cốt nền và thoát nước mặt đô thị cho doanh nghiệp và người dân.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu là bước đi mang tính đột phá mới trong công tác quản lý và sẽ từng bước thông tin đầy đủ hơn cho các cơ quan liên quan và người dân dễ dàng tiếp cận với số liệu cốt nền và thoát nước đô thị lúc cần thiết; đồng thời, dự báo những khu vực có nguy cơ ngập lụt có hệ thống để từ đó định vị quá trình phát triển đô thị phù hợp với địa hình và không gian cảnh quan chung. Việc áp dụng GIS trong công tác quản lý cốt nền đô thị mang lại hiệu quả và tính khả thi cao. (Hình 4)

4. Kết luận

Với tốc độ đô thị hóa cao thì việc quản lý quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị là hết sức cần thiết. Trong đó, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật nói chung và quy hoạch cốt nền và thoát nước mặt đô thị nói riêng cần được chú trọng từ giai đoạn lập quy hoạch đến giai đoạn triển khai xây dựng, khai thác duy tu bảo dưỡng.

Công tác quy hoạch cốt nền cần tính toán diện tích san nền phù hợp cho mục đích xây dựng nhằm giảm tối đa diện tích đô thị bị bê tông hóa, tăng hệ số thấm của mặt phủ, giảm lưu lượng dòng chảy, giảm khả năng ngập úng ngập lụt cho đô thị, đảm bảo điều kiện đô thị phát triển bền vững.

Công tác quản lý cốt nền cần có công cụ trực quan, cung cấp đầy đủ thông tin để cơ quan chức năng và người dân có thể kiểm tra giám sát, tránh tình trạng chênh lệch cốt nền giữa các khu vực trong đô thị. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước mưa cần được thiết kế, xây dựng đảm bảo giảm lưu lượng dòng chảy bề mặt, góp phần giảm úng ngập, đồng thời xử lý ô nhiễm, bổ cập cho nước ngầm, tạo cảnh quan và gắn kết chặt chẽ với hệ sinh thái tự nhiên.

Các giải pháp này phải tiến hành đồng bộ trên toàn lãnh thổ của đô thị, đồng thời cần kết hợp với các giải pháp không gian kiến trúc cảnh quan và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác nhằm hướng tới xây dựng và phát triển các đô thị bền vững trong tương lai.

Tài liệu tham khảo: 
1. Nguyễn Việt Anh. Thoát nước đô thị bền vững - Tạp chí Môi trường số tháng 9/2010; 
2. Đoàn Cảnh, NCVCC(2007), Ứng dụng kỹ thuật sinh thái (Ecological Engineering) xây dựng hệ thống tiêu thoát nước đô thị bền vững (SUDS), góp phần phòng chống ngập úng, lún sụt và ô nhiễm ở TP.HCM, Báo cáo nghiệm thu đề tài nghiên cứu, Viện Sinh học nhiệt đới, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; 
3. Trần Thị Hường (1995), Chuẩn bị Kỹ thuật cho khu đất xây dựng đô thị, NXB Xây dựng; 
4. Tổ chức GIZ - CHLB Đức. Hội thảo góp ý báo cáo "Giải pháp chính sách phát huy lợi thế vùng thúc đẩy cơ cấu lại các ngành kinh tế: Nghiên cứu trường hợp vùng Đồng bằng sông Hồng”. 
5. Quốc hội. Luật Xây dựng số 50/2014/QH 2013; 
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường. Kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020 
7. GS.TS Lê Kim Truyền. Tư liệu trình bày chi tiết về điều kiện tự nhiên, đặc điểm khí tượng thủy văn dòng chảy, đặc điểm khí hậu, hiện trạng kinh tế xã hội trong lưu vực sông. 
8. Các văn bản pháp lý liên quan. 
9. Các tư liệu khai thác từ nguồn Internet.


Nguồn tapchixaydung.vn

  •  
Các tin khác

Ban biên tập Chuyên trang Quản lý Môi trường, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 11-2024.

Các quy định đối với việc triển khai chi trả DVHST tự nhiên tại Việt Nam cũng được nêu cụ thể tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.

Các rủi ro trong quá trình phát triển dự án metro không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ mà còn ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư và chi phí của dự án...

Biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn, nghiêm trọng hơn, trở thành một trong những vấn đề cấp bách toàn cầu. Các quốc gia trên thế giới đều coi trọng hội nhập, hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu.