Hệ sinh thái đất ngập nước: Nâng cao giá trị sử dụng gián tiếp

  • Cập nhật: Thứ bảy, 30/7/2022 | 8:31:52 Sáng

Các vùng đất ngập nước cần có tính toán về sự biến đổi giá trị trực tiếp và gián tiếp chi tiết theo thời gian nhằm đảm bảo cân bằng giữa công tác bảo tồn và phát triển kinh tế.

Là nơi gắn liền với sinh kế của 60-70% dân số thế giới, ngoài giá trị về kinh tế, các vùng đất ngập nước còn đóng vai trò điều tiết khí hậu, thiên tai và là một hệ sinh thái quan trọng với mức độ đa dạng sinh học rất cao. Song, nếu như hệ sinh thái rừng đã có những quy định "làm tương đối tốt” về việc chi trả dịch vụ môi trường từ những năm 2010, thì ‘cái thiếu’ vẫn đang tồn tại”, TS. Đặng Kinh Bắc (Khoa Địa lý, trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN) nhận xét: "Cái thiếu ấy chính là: con người nhận được lợi ích từ nhiều loại hình hệ sinh thái khác nhau, với giá trị đa dạng - ví dụ như đất ngập nước - chứ không chỉ từ hệ sinh thái rừng. Chúng ta đang chưa có những quy định chi trả hay hoàn trả hợp lý cho tự nhiên, giúp cân bằng giữa việc phát triển kinh tế và việc tái tạo lại chu trình sinh thái tự nhiên”.
Lượng hóa giá trị của vùng đất ngập nước
Theo định nghĩa trong Nghị định số 66/2019/NĐ-CP năm 2019 của Chính phủ, Quyết định số 1093/QĐ-TCMT của Tổng cục Môi trường và Công ước Ramsar, đất ngập nước là "những vùng đầm lầy, sình lầy, vùng than bùn hoặc vùng nước dù là tự nhiên hay nhân tạo, thường xuyên hay tạm thời, với nước đọng hay nước chảy, nước ngọt, nước lợ hay nước mặn, bao gồm cả các vùng nước biển có độ sâu không quá 6 mét khi thủy triều thấp”.

Rừng ngập mặn ở Đồng Rui, Tiên Yên, Quảng Ninh. Ảnh: quangninh.gov.vn
Không chỉ ở Việt Nam, một số nghiên cứu trước đây trên thế giới cũng đã chỉ ra, phần lớn các giá trị môi trường mà vùng đất ngập nước đem lại không được trao đổi trên thị trường kinh tế. Do đó tầm quan trọng của hệ sinh thái này dễ bị cả các nhà quản lý và người dân xem nhẹ, dù cho giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước chiếm đến 47% tổng giá trị của hệ sinh thái toàn cầu. Việc thu hẹp diện tích đất ngập nước sẽ gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế. Thực tế này đã đặt ra một bài toán cấp bách: lượng hóa giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái. "Việc định giá các dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước rất hữu ích cho các nhà quản lý để theo dõi các biến đổi sinh thái, từ đó lựa chọn chính sách và quản lý vùng ven biển phù hợp cho các hệ sinh thái đất ngập nước của địa phương”, TS. Bắc cho biết.
Để thử trả lời các câu hỏi "việc lượng giá những giá trị mà các hệ sinh thái đất ngập nước mang lại cho con người có khả thi không? Giá trị này gồm những gì? Các giá trị đó đã thay đổi như thế nào trong 20 năm qua và trong tương lai có thể thay đổi ra sao?”, nhóm nghiên cứu của TS. Bắc đã lựa chọn vùng Đông Bắc Việt Nam (ven biển Hải Phòng và Quảng Ninh), bao gồm bảy vùng là Móng Cái – Đầm Hà, cửa sông Tiên Yên, huyện đảo Vân Đồn, vịnh Cửa Lục, Cẩm Phả, Quảng Yên và Văn Úc để tiến hành nghiên cứu. Đây là khu vực tiêu biểu có sự đa dạng cao về cảnh quan và động thực vật với 400 loài cá, 160 loài san hô, 140 loài tảo biển; và chỉ tính riêng Quảng Ninh, tỉnh này đã có hơn 40.000 ha bãi triều, 20.000 ha vịnh và hơn 100.000 ha đầm phá ven biển nông ở Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long.
Thực tế, đã từng có các nghiên cứu lượng giá giá trị hệ sinh thái đất ngập nước trước đây, tuy nhiên, "các kết quả này tương đối chung chung và chỉ tập trung vào một vài giá trị theo thống kê địa phương”, TS. Bắc cho biết. Vì vai trò của các hệ sinh thái ngập nước với môi trường tự nhiên và đời sống kinh tế xã hội rất đa dạng nên thay vì sử dụng cách tiếp cận kinh tế thuần túy, nhóm đã kết hợp với Viện Địa lý (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và ĐH Công nghệ Sydney để sử dụng cách tiếp cận "dịch vụ hệ sinh thái và đánh đổi”, cũng như phân tích những tương quan theo không gian và thời gian mà các dịch vụ do vùng đất ngập nước có thể mang lại thông qua phương pháp phỏng vấn, công nghệ viễn thám, thống kê và phân tích lợi ích chi phí.
Các giá trị dịch vụ sinh thái mà nhóm đánh giá bao gồm cả giá trị theo hướng trực tiếp và gián tiếp, trong đó: trực tiếp là (1) cá biển, (2) nuôi trồng hải sản, (3) nuôi chim biển, (4) lúa gạo, (5) nuôi ong, (6) du lịch và giải trí; gián tiếp là (7) bảo vệ khỏi thảm họa thiên nhiên, (8) lưu trữ carbon, (9) giá trị tùy chọn (đo đạc mức sẵn sàng chi trả cho bảo tồn, phục hồi, phát triển nguồn lực tự nhiên), (10) giá trị tồn tại, và (11) giá trị lưu truyền, và từ đó tính toán được tổng dịch vụ sinh thái toàn khu vực.
Với cách tiếp cận này, các giá trị của dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước dần hiện ra với những con số cụ thể. Theo kết quả công bố trong bài báo "Economic valuation of wetland ecosystem services in northeastern part of Vietnam” (Giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái vùng đất ngập nước ở vùng Đông Bắc Việt Nam), đăng trên tạp chí Knowledge and Management of Aquatic Ecosystems, tổng giá trị dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước của vùng đạt 392 triệu USD/năm, trong đó cao nhất là Quảng Yên 1880 USD/ha/năm, Cẩm Phả và Cửa Lục 1.440 USD/ha/năm. Thu nhập của người dân Quảng Yên và Cẩm Phả chủ yếu từ đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, du lịch nên mang giá trị dịch vụ cao nhất. 70% người dân được phỏng vấn cho biết, tuy hiệu quả kinh tế của lúa thấp nhưng vẫn cần duy trì canh tác, song song với chuyển đổi cấu trúc mùa vụ, chuyển sang trồng cây ăn quả, rau củ hữu cơ. Đáng chú ý, nghề mới nuôi ong trong rừng ngập mặn đem lại thu nhập cao từ 5.000 đến 7.000 USD/năm. Đối với giá trị gián tiếp, tổng giá trị bảo vệ thiên tai trong khu vực nghiên cứu trong năm năm là 141 triệu USD.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã kết hợp bản đồ phân bố hệ sinh thái các từ năm 2000 - 2019 và số liệu thống kê của tỉnh để tính toán sự thay đổi của tổng giá trị dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước trong 20 năm qua. Ngoài ra, "kịch bản quy hoạch” cũng được nhóm đưa vào phân tích dựa trên Quyết định 1588/QĐ-UBND (2014) của tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng để ước tính xu hướng phát triển của khu vực nghiên cứu trong mười năm tới. Theo quyết định này, diện tích đất nông nghiệp có thể bị thu hẹp xuống còn 29.000 ha, trong khi diện tích đất ngập mặn và đất nuôi trồng thủy sản có thể tăng tương ứng lên 34.000 ha và 33.700 ha vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu kinh tế và bảo vệ môi trường.
Trong 20 năm, tổng giá trị dịch vụ hệ sinh thái thu được từ các diện tích đất nông nghiệp gia tăng từ 25 triệu USD năm lên hơn 40 triệu USD nhưng các hệ sinh thái nông nghiệp suy giảm từ 73 triệu USD xuống 59 triệu USD.
Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển kinh tế
Không chỉ lần đầu tiên tổng hợp 11 loại giá trị dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước cho 7 vùng thuộc dải ven biển Đông Bắc Việt Nam, theo TS. Bắc, "các phương pháp và kết quả của nghiên cứu này có thể được áp dụng cho các vùng đất ngập nước khác ở Việt Nam cũng như các nước khác trong tương lai”, cụ thể như tại đồng bằng sông Cửu Long hay các đảo.

Người dân chăm sóc rừng ngập mặn trồng mới ở khu vực Rú Chá, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
Kết quả này có lẽ càng thêm ý nghĩa khi tháng 11/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1975/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ áp dụng "chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với vùng đất ngập nước quan trọng tại một số khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar”.
Trước mắt, để tránh làm suy giảm tổng giá trị dịch vụ hệ sinh thái trong tương lai, nhóm nghiên cứu cho rằng, việc phát triển kinh tế trong các khu vực đất ngập nước cần phải chú ý cải thiện các giá trị gián tiếp từ hệ sinh thái đất ngập nước, đặc biệt là tại các bãi triều, thềm biển, cửa sông và rừng ngập mặn, hướng tới sự cân bằng giữa bảo tồn môi trường và phát triển kinh tế.
Đây cũng là điều mà nhiều chuyên gia từng đề cập đối với việc chi trả dịch vụ môi trường rừng. "Giá trị rừng đáng lý phải được tính bằng giá trị sử dụng và giá trị phi sử dụng, bao gồm giá trị trực tiếp (giá trị nguyên liệu thô, gỗ, lâm sản,…), giá trị gián tiếp (giá trị kinh tế của các dịch vụ môi trường và chức năng hệ sinh thái như giữ đất, điều tiết nguồn nước, chống xói mòn, chống lũ), giá trị lựa chọn (các giá trị chưa được biếtđược tính đến khi các sản phẩm, dịch vụ hệ sinh thái rừng được đưa vào sử dụng trong tương lai). Chúng ta chỉ mới định giá được một phần giá trị sử dụng, và vẫn chưa định giá hết được những giá trị phi sử dụng – giá trị tiềm ẩn mà chúng ta có thể giữ gìn và truyền lại cho thế hệ tương lai, trong thời điểm hiện tại chưa thể nhìn thấy trực tiếp”, ông Trần Lê Trà (Tổ chức GIZ Việt Nam) phân tích trong một hội thảo về rừng năm 2020.
Vấn đề này cũng đòi hỏi phải có thêm những nghiên cứu sâu hơn. Chẳng han, theo TS. Bắc, một số khu vực đất ngập nước đang bị thu hẹp do mở rộng diện tích quai đê lấn biển để phát triển du lịch, có thể dẫn đến mất đi hệ sinh thái tự nhiên như san hô, cỏ biển hay rừng ngập mặn. Song, một số khu vực khác như Tiên Yên, Đồng Rui (Quảng Ninh) hiện đang có đề xuất để chuyển thành vùng lõi khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar.
Tuy nhiên, "khi trở thành khu bảo tồn như vậy thì có những quy định rất chặt chẽ và người dân không được phép mở rộng và phát triển kinh tế, trồng lúa hay xây nhà, dù cho khu vực có những làng nghề đánh cá đã sinh sống ổn định bằng nghề này từ lâu và không tác động nhiều đến thiên nhiên”, TS. Bắc cho biết, "như vậy sinh kế của người dân sống nhờ vào vùng đất ngập nước đó sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Đây là vấn đề đánh đổi cực kỳ lớn giữa phát triển kinh tế và bảo tồn, và nó xuất hiện không chỉ ở Đồng Rui mà còn tại nhiều vườn quốc gia khác”.
Mâu thuẫn muôn thuở này "là điều luôn xảy ra”, theo GS.TS Nguyễn Hoàng Trí (Chủ tịch UBQG Chương trình Con người và Sinh quyển thuộc UNESCO) trong một hội thảo hồi tháng năm về khoa học cơ bản và phát triển bền vững. Điều quan trọng là để các nhà quản lý có thể đưa ra được quyết định chính xác, "cần phải có sự tư vấn hợp lý của các nhà khoa học”, ông nói.
Do đó, TS. Bắc cho rằng cần có các nghiên cứu đánh giá đầy đủ về cung - cầu trong cung cấp các loại hình dịch vụ hệ sinh thái theo hướng phát triển bền vững, "xem giá trị nhà nước có thể thu hồi được từ hoạt động phát triển kinh tế, khu công nghiệp là bao nhiêu để giúp phục hồi hệ sinh thái tự nhiên phát triển ổn định, đồng thời đảm bảo sinh kế cho người dân bám biển, từ đó lựa chọn được phương phướng bảo tồn và phát triển kinh tế phù hợp”, TS. Bắc nói.


Nguồn KH&PT
  •  
Các tin khác

Ban biên tập Chuyên trang Quản lý Môi trường, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 11-2024.

Các quy định đối với việc triển khai chi trả DVHST tự nhiên tại Việt Nam cũng được nêu cụ thể tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.

Các rủi ro trong quá trình phát triển dự án metro không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ mà còn ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư và chi phí của dự án...

Biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn, nghiêm trọng hơn, trở thành một trong những vấn đề cấp bách toàn cầu. Các quốc gia trên thế giới đều coi trọng hội nhập, hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu.