Hiến kế TP.HCM nâng tầm quốc tế: Nhà vệ sinh công cộng và tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/8/2021 | 9:58:09 Sáng

Nhà vệ sinh công cộng cần cung cấp nhu cầu cho người dân ở mọi giới tính, lứa tuổi... Sức khỏe, trình độ dân trí, bộ mặt thành phố và của dân cư hiện hữu được thể hiện ngay từ những nhu cầu cơ bản này.

hien-ke-tp-hcm-nang-tam-quoc-te-nha-ve-sinh-cong-cong-va-tieng-lanh-don-xa-tieng-du-don-xa-1
Nhà vệ sinh công cộng tại góc đường Tôn Thất Tùng - Nguyễn Trãi, quận 1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Một thành phố có tầm vóc quốc tế thì người dân và khách du lịch cần những điều tối thiểu nhưng vô cùng quan trọng, đó là có những nhà vệ sinh xanh, sạch, đẹp. Mọi "niềm vui, nỗi buồn" đều có cách giải quyết, riêng ở TP.HCM của chúng ta thì chuyện vệ sinh công cộng luôn thu hút người dân.
Nhu cầu đi tiêu, đi tiểu của con người ở bất cứ quốc gia, vùng lãnh thổ hay màu da nào cũng như nhau nhưng lại không giống nhau vì phụ thuộc vào điều kiện thực tế nơi họ sống, nơi họ đến du lịch.
Hiện nay TP.HCM đẩy mạnh kinh tế du lịch "xanh", khách du lịch đến và đi có đủ khắp nơi, việc nâng tầm thành phố phải bắt đầu từ những điều tuy nhỏ mà vô cùng cấp thiết này, vì tiếng lành đồn xa một thì tiếng dữ đồn xa 10.
Tôi đã nhiều lần được bạn bè phản ảnh chuyện thiếu nhà vệ sinh công cộng; nhiều nhà vệ sinh bố trí không hợp lý, bị chiếm dụng làm nơi buôn bán hoặc có nơi để dơ bẩn, xuống cấp rất nhếch nhác, thậm chí là không sử dụng được. Do vậy, là một bác sĩ lớn lên và trưởng thành và làm nghề trong lòng thành phố mang tên Bác, xin được đóng góp một số ý kiến:
- Nhà vệ sinh cần làm đồng bộ, có sự nhận diện chuẩn mực với bảng hướng dẫn đầy đủ bằng ba thứ tiếng Việt, Anh và Trung Hoa.
- Vị trí xây dựng là những nơi có lượng người tham gia hoạt động công cộng cao là công viên, sân vận động, các bến tàu thuyền, các khu phức hợp, khu vui chơi, chuỗi đô thị, cao ốc thương mại, nhà ga, trạm xăng, rạp chiếu phim, các phương tiện giao thông công cộng đường dài như tàu lửa, máy bay.
Vị trí nhà vệ sinh dễ tiếp cận, không quá xa khỏi khu vực giao thông chính, tránh phải di chuyển khoảng cách dài. Biển chỉ dẫn nhà vệ sinh công cộng đáp ứng các yêu cầu được quy định trong Luật xây dựng môi trường.
- Nhà vệ sinh công cộng được chia thành khu vực riêng cho nam - nữ hoặc dùng chung cho cả nam lẫn nữ với khu vực dành riêng cho người khuyết tật - đối tượng này vốn dĩ thiệt thòi, vì vậy không được "quên hay bỏ sót" được. Đặc biệt nên có bản đồ nhà vệ sinh, cơ sở dữ liệu nhà vệ sinh sẽ giúp việc quản lý, sử dụng đạt hiệu suất cao, tránh lãng phí.
- Tham gia đấu thầu, xây dựng, quản lý và bảo trì có thể mở rộng không chỉ bó hẹp việc cung cấp chỉ là chính quyền địa phương mà có thể là các doanh nghiệp thương mại, xã hội hóa theo hướng dịch vụ có tính trả phí.
- Việc bảo trì, bảo dưỡng nhà vệ sinh là điều chúng ta hay bị phàn nàn. Xây được nhà vệ sinh sạch, đẹp, đúng tiêu chuẩn nhưng sau thời gian ngắn sử dụng lại bị xuống cấp, không bảo dưỡng, gây khó khăn cho người dân.
- Có thể áp dụng song song nhà vệ sinh miễn phí và thu phí như nhiều nước. Thực tế tôi và nhiều khách du lịch sẵn sàng chi thêm phí để sử dụng dịch vụ tốt hơn, cao cấp hơn và việc đóng phí sẽ giúp chúng tôi thấy "đáng đồng tiền bát gạo".
- Thời đại 4.0 hãy dùng máy móc, phần mềm, áp dụng cả trí tuệ nhân tạo vào nghiên cứu văn hóa, thói quen, lối sống cùng kết hợp với tuyên truyền, giáo dục người dân, khách du lịch là điều nên làm, tạo nên hiệu quả cao mà các nước như Singapore, Nhật, Hàn, Mỹ hay châu Âu áp dụng rất thành công.
Nhà vệ sinh công cộng cần cung cấp nhu cầu cho người dân ở mọi giới tính, lứa tuổi, bao gồm người khuyết tật, người cần chăm sóc y tế đặc biệt. Sức khỏe, trình độ dân trí, bộ mặt thành phố và của dân cư hiện hữu được thể hiện ngay từ những nhu cầu cơ bản này.
Nâng tầm TP.HCM là việc làm không của riêng ai. Là cư dân của thành phố, tôi rất mong việc cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh công cộng xanh sạch đẹp được chú ý, hỗ trợ tối đa của các ban ngành, cùng sự nâng cao ý thức của người dân để thành phố mình có một bộ mặt khang trang, sạch đẹp và ghi dấu ấn trong mắt bạn bè quốc tế.

Bác sĩ Lê Ngọc Phú (Bệnh viện An Bình, TP.HCM)
Nguồn Tuổi Trẻ
  •  
Các tin khác

Sử dụng cốt liệu tái chế từ chất thải phá dỡ công trình xây dựng có thể bảo tồn tài nguyên cốt liệu tự nhiên, giảm nhu cầu chôn lấp và góp phần xây dựng môi trường xây dựng bền vững.

Ngày nay, việc tuần hoàn và tái sử dụng nước thải công nghiệp ở Việt Nam đã trở thành ưu tiên được quan tâm và triển khai rộng rãi, hướng đến mục tiêu vào năm 2035, ngành công nghiệp của Việt Nam sẽ phát triển theo hướng thân thiện với môi trường.

Ban biên tập Chuyên trang Quản lý Môi trường, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 13-2024.

Ban biên tập Chuyên trang Quản lý Môi trường, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 11-2024.