Ở nơi thùng rác cũng có mã QR

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/12/2021 | 11:37:31 Sáng

Ở thời điểm hiện tại, mọi doanh nghiệp có trụ sở tại TP Sao Paulo của Brazil đều phải đăng ký với hệ thống thu gom rác thải thông minh có tên Electronic Waste Transport Control (CTR-E) của thành phố.


Ở nơi thùng rác cũng có mã QR - Ảnh 1.
Một nữ công nhân đang phân loại rác tại Sao Paulo, Brazil - Ảnh: REUTERS

CTR-E là hệ thống thu gom rác hoạt động trên nền tảng công nghệ blockchain, được thiết kế để giám sát mọi công đoạn của quy trình thu gom, xử lý rác đô thị, từ đổ rác, vận chuyển, xử lý, tái chế rác thải rắn đến các khâu khác tại điểm xử lý cuối cùng.

Nhờ áp dụng công nghệ, rác của hơn 438.000 công ty được thường xuyên quản lý, hơn 25.000 thùng rác được giám sát để thu gom ngay khi đầy.

"Hệ sinh thái" rác

Hơn 2 tỉ tấn rác thải được thải ra trên thế giới mỗi năm và việc xử lý chúng là một thách thức lớn. Nói riêng tại Brazil, khoảng 41,3% trong tổng lượng rác nước này đã bị vứt bỏ không đúng cách, gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe cộng đồng và môi trường.

 

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WeForum), thành phố Sao Paulo của Brazil là một trong những đô thị lớn nhất thế giới với 12,5 triệu cư dân và hơn 300.000 doanh nghiệp có đăng ký hoạt động (ở thời điểm năm 2019). Nếu Sao Paulo là một đất nước, nó sẽ là quốc gia có dân số lớn thứ 55 trên thế giới.

Siêu đô thị này thải ra mỗi ngày khoảng 20.000 tấn rác, chiếm khoảng 8% tổng lượng rác thải hằng ngày trên cả nước. Kể từ tháng 4-2019, thành phố này chính thức áp dụng điều luật liên quan chính sách quản lý rác thải công và tư trên nền tảng ứng dụng công nghệ.

Cụ thể, các công ty tại Sao Paulo phải cung cấp thông tin vào một biểu mẫu điện tử trên hệ thống CTR-E, khai báo việc họ thải ra khoảng bao nhiêu rác và hợp tác thế nào với các đối tác vận chuyển và mang đổ số rác đó đi.

 

Họ cũng phải cung cấp dữ liệu về nước, năng lượng, diện tích kho bãi dùng cho quản lý rác thải, cũng như số nhân viên và các đơn vị hợp tác với họ. Toàn bộ dữ liệu đó sẽ được một startup công nghệ tại địa phương phân tích miễn phí và công khai bằng ứng dụng blockchain. Các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân (ngay cả các doanh nhân siêu nhỏ) cũng phải đăng ký vào hệ thống quản lý rác này.

Ở nơi thùng rác cũng có mã QR - Ảnh 2.
Để cải thiện hoạt động quản lý rác thải tại thành phố lớn nhất của Brazil, siêu đô thị Sao Paulo, chính quyền ở đây đã áp dụng mô hình xử lý công nghệ thúc đẩy hành xử có trách nhiệm của các cá nhân và doanh nghiệp - Ảnh: PLANET.VEOLIA

Lợi ích cho tất cả

Thành phố Sao Paulo sử dụng nhiều giải pháp công nghệ (các app trên smartphone, phần mềm chuyên dụng, các mã QR trên thùng rác và xe tải chở rác) để xác minh và giám sát các nguồn xả rác, khối lượng, theo dõi việc vận chuyển rác cũng như điểm đến cuối cùng của chất thải rắn.

 

Các dữ liệu theo dõi chi tiết được thu thập theo thời gian thực thông qua hệ thống quản lý rác thải điện tử giúp chính quyền Sao Paulo tinh gọn quy trình tổng thể, tối ưu hóa các giải pháp xử lý rác, tăng thêm tỉ lệ tái sử dụng và tái chế rác.

Các đơn vị vận tải rác tư nhân cũng được hưởng lợi từ hệ thống này. Công nghệ đã thúc đẩy việc quản lý rác hiệu quả của từng khách hàng cụ thể nhờ hệ thống này giúp các công ty theo dõi và kiểm soát tốt vị trí các thiết bị của họ.

Ngoài ra, mọi phương tiện vận chuyển rác công cộng cũng được cấp phép để di chuyển trên đường phố nên công việc của họ cũng thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, theo quy định của chính quyền Sao Paulo, tất cả những nguồn xả rác lớn lúc này buộc phải tự thu xếp việc vận chuyển, xử lý cũng như vứt bỏ rác nên số công ty tư nhân tham gia mảng quản lý rác thải đăng ký xin giấy phép hoạt động tại thành phố này cũng tăng vọt.

Để so sánh, trước khi hệ thống CTR-E được đưa vào triển khai, chỉ 16.000 công ty (trong số khoảng 300.000 doanh nghiệp toàn thành phố) báo cáo với chính quyền về cách thức họ xử lý rác thải, và chỉ 80 hãng vận tải được chính thức cấp phép thu gom rác trong thành phố.

Tuy nhiên khi CTR-E đi vào hoạt động, số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực vận tải, thu gom rác tăng rất nhanh. CTR-E đã xử lý hơn 438.000 đơn xin đăng ký liên quan tới các doanh nghiệp, thiết bị và thùng đựng rác, trong đó có 35.000 doanh nghiệp.

Hơn 25.000 thùng rác trong thành phố đã được đăng ký với CTR-E và được định vị chính xác trên hệ thống, từ đó ban quản lý điều hành hệ thống biết chính xác cần xử lý các vấn đề liên quan tới chúng lúc nào và ở đâu. Theo đó, rác được thu gom ngay khi đầy thùng và giảm hẳn tình trạng ùn ứ, vung vãi rác khi thùng chứa đầy tràn mà chưa kịp thu gom.

Nguồn TTO

  •  
Các tin khác

Trong cuộc sống hối hả và đầy áp lực hiện nay, việc đổ rác có thể là một công việc dễ gây khó chịu vì những âm thanh inh ỏi của tiếng kẻng, tiếng còi báo.

10 giờ khẩn trương phối hợp với công an huyện Đa-Krông (Quảng Trị) để cứu hộ và phục hồi sức khỏe một cá thể Hổ Bengal trong tình trạng nguy cấp.

Tác động môi trường lớn nhất của việc sản xuất giấy vệ sinh xuất phát từ lượng điện khổng lồ mà các cơ sở sản xuất cần để làm nóng bột giấy, nước và hóa chất, sau đó làm khô cuộn giấy.

Hơn 2.000 người đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tham dự Hội nghị và triển lãm Thành phố thông minh (SCSE) lần thứ 11 diễn ra tại Đài Loan.