Dòng sông màu ngọc lam đánh lừa các nhà khoa học

  • Cập nhật: Thứ bảy, 8/7/2017 | 10:19:37 Sáng

(Capthoatnuocvietnam.vn)- Sông Rio Celeste ở Costa Rica khiến các nhà khoa học suốt nhiều năm nhầm tưởng màu ngọc lam tuyệt đẹp của nước do phản ứng hóa học tạo nên.

Màu xanh ngọc lam của sông Rio Celeste. Nguồn: Youtube

Các nhà khoa học Costa Rica chỉ tìm ra nguyên nhân thực sự khiến nước sông Rio Celeste, con sông dài 14 km ở tỉnh Alajuela, có màu xanh ngọc lam bất thường cách đây 4 năm nhờ so sánh và phân tích mẫu nước, theo Oddity Central.

Trước đó, các giả thuyết về màu xanh ngọc lam của Rio Celeste lần lượt được cộng đồng nghiên cứu đưa ra trong nhiều năm, nhưng không ai có thể đưa bằng chứng thuyết phục để giải thích hiện tượng tự nhiên này.

Một số học giả cho rằng màu sắc khác thường của sông do nồng độ đồng cao, nhưng kết quả kiểm tra chỉ ra không có đồng trong nước. Giả thuyết khác kết luận màu nước sông là kết quả của những hóa chất như canxi carbonate và lưu huỳnh. Mọi người đều bị thuyết phục bởi giả thuyết phản ứng hóa học đến mức chưa ai từng nghĩ tới khả năng nước sông có màu ngọc lam do ảo ảnh thị giác.

Một nhóm nhà khoa học ở Đại học Costa Rica và Đại học Quốc gia, lấy mẫu nước từ cả sông Rio Celeste và hai phụ lưu Sour Creek (Quebrada Agria) và Good View River (Río Buena Vista). Điều đầu tiên thu hút sự chú ý của các nhà khoa học là trong khi nước sông Rio Celeste có màu ngọc lam bắt mắt, mẫu nước thu được trong ống nghiệm lại hoàn toàn trong suốt.

Sour Creek và Río Buena Vista, hai con sông hợp lại tạo thành sông Rio Celeste, cũng có nước trong suốt và các phân tích chỉ ra không có phản ứng hóa học lạ thường. Một điểm đặc biệt khác là Rio Celeste chỉ có màu xanh ngọc ở khúc sông 14 km, sau đó nước sông lại trở nên trong suốt. Vì lý do này, khúc sông màu sắc hút mắt kia còn có tên là "Khúc sông nhuộm" (El Teñidero).

Các nhà nghiên cứu bắt đầu cân nhắc khả năng ảo ảnh thị giác. Họ để ý lớp hợp chất màu trắng bao phủ toàn bộ những tảng đá ở đáy sông Río Celeste, đồng thời kiểm tra ở cả hai phụ lưu. Sour Creek có lượng hợp chất màu trắng rất nhỏ, hầu như không đáng kể, trong khi nước sông Río Buena Vista lại rất dồi dào.

Phân tích hợp chất bằng kính hiển vi điện tử trong phòng thí nghiệm UCR, nhóm nghiên cứu xác định đây là một loại khoáng chất chứa nhôm, silicon và oxy, gọi là aluminosilicate. Khi lơ lửng trong nước, hợp chất phản chiếu ánh sáng Mặt Trời, đánh lừa mắt khiến người xem trông thấy nước màu xanh ngọc.

Ánh sáng Mặt Trời chứa toàn bộ phổ ánh sáng, tương tự cách chúng ta nhìn thấy tất cả màu sắc chúng ta trông thấy ở cầu vồng. Ở bất cứ dòng sông nào khác, ánh sáng xuyên qua một độ sâu nhất định và không có màu sắc cụ thể nào được làm chệch hướng hoặc phản chiếu ngược trở lại bề mặt, khiến nước nhìn trong suốt. Ngược lại, nước sông Rio Celeste cho phép một số ánh sáng Mặt Trời truyền qua và phản chiếu dải sáng màu xanh. Do đó, nước sông có vẻ mang màu xanh ngọc lam trước mắt người.

Tuy nhiên, một điểm khó hiểu khác là sông Rio Buena Vista cũng có lượng aluminosilicate dồi dào nhưng nước sông vẫn trong suốt. Các nhà khoa học cho rằng vấn đề nằm ở kích thước hạt aluminosilicate. Sau khi phân tích mẫu nước ở cả hai con sông, nhóm nghiên cứu nhận thấy kích thước hạt aluminosilicate ở sông Rio Buena Vista là 184 nanomet, trong khi ở sông Rio Celeste lên tới 566 nm.

"Kích thước lớn gây ra hiện tượng tán xạ ánh sáng Mặt Trời, phần lớn quá trình xảy ra ở vùng màu xanh của quang phổ khả kiến. Đó là lý do nước sông Rio Celeste có màu ngọc lam. Đây là một trong những điều kỳ lạ của tự nhiên, một con sông cung cấp khoáng chất với một kích cỡ và con sông khác cung cấp môi trường giàu axit khiến những hạt đó lớn lên", tiến sĩ Max Chavarría Vargas, cho biết. 
 
 
Theo VnExpress/Youtube
  •  
Các tin khác

Thông tin ngày 15/4 từ Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết một đoàn thám hiểm quốc tế đã phát hiện 22 hang động mới cùng 3 hang động được khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.

Phái đoàn EU tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp AFD vừa phối hợp với UBND huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội thảo khởi động chương trình tăng cường năng lực chống chịu biến đổi khí hậu của 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ.

Để đối phó với nguy cơ lũ và ngập lụt tại các khu vực tập trung đông dân cư ở vùng miền núi Bắc Bộ, TS Lê Viết Sơn cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Quy hoạch thủy lợi đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá rủi ro lũ, ngập lụt và đề xuất các giải pháp phòng tránh, thích ứng cho các khu vực tập trung đông dân cư, đô thị vùng miền núi Bắc Bộ”.

Ban biên tập Chuyên trang Quản lý Môi trường, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 14-2024.