Dự án Đê biển Vũng Tàu - Gò Công trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu ĐBSCL

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/4/2018 | 6:06:16 Chiều

Dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công là giải pháp tổng thể để giải quyết triệt để vấn đề ngập úng do tổ hợp tác động của lũ thượng nguồn, mưa lớn và triều cường, chống xâm nhập mặn, đồng thời cũng là công trình chống nước biển dâng, chống biến đổi khí hậu ở thế chủ động.

Ngày 6/4/ 2018 tại TP. HCM, Viện Địa chất Nước và Môi trường thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật VN phối hợp với Công ty CP Nước và Môi trường Hoàng Gia đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học "Dự án Đê biển Vũng Tàu - Gò Công trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long”.
 
Hội thảo diễn ra với sự chủ trì của GS.TSKH Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật VN và GS.TS Đào Xuân Học - Chủ tịch Hội Thủy lợi VN.

Tham dự hội thảo còn có ông Nguyễn Hồng Quân -Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Đình Toàn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Đào Quang Tuynh - Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, ông Đỗ Văn Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN & PTNT), ông Vũ Viết Hưng - Phó Cục trưởng Cục quản lý xây dựng công trình (Bộ NN & PTNT), ông Lê Quang Thành - Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên (Bộ Khoa học và Công nghệ) 

Theo báo cáo chính tại Hội thảo, Dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công là Dự án đa mục tiêu cho khu vực TP.HCM và vùng đô thị mới với diện tích ảnh hưởng 1.100.000 ha được đề xuất bởi Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT vào năm 2009. Ngay từ năm 2011, một tập thể các nhà khoa học thuộc nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học khác nhau của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành công trình khoa học "Quy hoạch đê biển Vũng Tàu - Gò Công”. Tuy là công trình mang tên Quy hoạch, nhưng kết quả thực hiện đã đạt mức nghiên cứu tiền khả thi của một Dự án đáp ứng tất cả các yêu cầu trên của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông ĐBSCL. Tiếp theo, để "Xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng Tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công” Bộ Khoa học và Công nghệ đã cho triển khai thực hiện 6 Đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp Nhà nước do 6 Tổ chức KH&CN thuộc 4 Bộ ngành khác nhau chủ trì thực hiện trong 3 năm 2011-2014, gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội Cảng - Đường thủy - Thềm lục địa thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
 

Dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công là giải pháp tổng thể để giải quyết triệt để vấn đề ngập úng do tổ hợp tác động của lũ thượng nguồn, mưa lớn và triều cường, chống xâm nhập mặn, đồng thời cũng là công trình chống nước biển dâng, chống biến đổi khí hậu ở thế chủ động cho 1.100.000 ha. Ngoài ra còn tạo quỹ đất 43.000 ha, tạo động lực phát triển cho vùng. Dự án không chỉ là một Dự án thủy lợi thuần túy, mà còn là một Dự án phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Kế hoạch đầu tư dự án được đề nghị chia làm 3 giai đoạn với tổng vốn đầu tư là 74.000 tỷ đồng. 

Tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công nếu được xây dựng với chiều dài đê chính khoảng 28km, đê phụ dài 13 km, đê chống tràn ở rừng Cần Giờ 60km, với cống trên đê Vũng Tàu - Gò Công rộng 2000m, âu thuyền trên đê Vũng Tàu - Gò Công rộng 33m, cống và âu thuyền trên sông Lòng Tàu rộng 200m, sẽ tạo ra một hồ chứa nước rộng 43.000ha, với dung tích hữu ích 1,5tỷ m3. Nếu sử dụng hệ thống cống trên đê và cống trên sông Lòng Tàu để điều tiết lũ, công trình có thể chống lại tổ hợp lũ 200 năm xuất hiện một lần (P=0,5%), mà mực nước cao nhất ở Phú An chỉ là +0,64m, giảm 0,97m so với trước khi có công trình là 1,61m. Công trình có thể chống ngập do triều, do lũ, tạo mực nước thấp để tiêu thoát nước mưa cho toàn bộ khu vực TP.HCM, chống ngập lũ cùng với triều cường cho TP. Tân An cho đến khi nước biển dâng thêm 100-130cm. 

Khi xây dựng đê biển Vũng Tàu - Gò Công với cống kiểm soát triều rộng 2000m, nhưng bỏ ngỏ sông Lòng Tàu (giao thông thủy đi vào khu vực TP. HCM gần như không bị ảnh hưởng), thì Dự án vẫn đảm bảo tiêu chuẩn chống ngập lụt cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh ứng với tổ hợp lũ 200 năm xuất hiện một lần, cho đến khi mực nước biển dâng thêm 50cm (khoảng 70 năm sau theo kịch bản nước biển dâng).

Nếu xây dựng đê biển Vũng Tàu - Gò Công với cống kiểm soát triều rộng 1000m, nhưng bỏ ngỏ sông Lòng Tàu, thì Dự án vẫn đảm bảo tiêu chuẩn chống ngập lụt cho khu vực TP. HCM ứng với tổ hợp lũ 200 năm xuất hiện một lần, cho đến khi mực nước biển dâng thêm 35cm (khoảng gần 50 năm sau theo kịch bản nước biển dâng).
 

Đê biển làm tăng khả năng tiêu thoát cho vùng đô thi mới, rút ngắn thời gian ngập gần một tháng Do vậy không cần bơm vợi nếu gieo cấy 2 vụ. Nếu kết hợp với công trình kiểm soát lũ vùng đô thị mới (phương án chủ động sống chung với lũ), thì chủ động hoàn toàn việc quản lý tiêu thoát nước.

Giải quyết vấn đề xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ và khu vực Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang một cách chủ động. Là nơi dự trữ nước ngọt trong tương lai: chúng ta có một hồ chứa, dự trữ nước ngọt 2,5-3 tỷ m3. Để xây dựng một hồ chứa 3 tỷ m3 ở trên núi chúng ta mất diện tích đất rừng và đất ruộng khoảng 20.000 ha và kinh phí xây dựng khoảng 80.000 tỷ đồng. Vấn đề này sẽ được thực hiện sau khi việc xử lý môi trường bên trong khu vực được giải quyết và khi thiếu hụt nguồn nước ngọt do tác động từ thượng nguồn theo kịch bản cực đoan (có công tình khống chế Biển Hồ).

Do gần như không cần giải phóng mặt bằng, mặt bằng thi công rộng, hạng mục công trình ít nên công trình có thể rút ngắn thời gian thi công. Thời gian xây dựng đê có thể thực hiện từ 2-3 năm, thời gian xây dựng cống có thể thực hiện từ 3-4 năm (Dự án Neworlean thực hiện xây dựng trong 2 năm). Do bỏ ngỏ Lòng Tàu, nên việc giao thông thủy gần như không bị ảnh hưởng trong khoảng 70 năm tới.

Giao thông thủy trong khu vực TP.HCM và từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây rất thuận lợi, không phải qua nhiều âu thuyền ở các hệ thống sông và kênh.

Công trình không ảnh hưởng đến rừng Cần Giờ, không ảnh hưởng đến giao thông vào cảng nước sâu Cái Mép, Thị Vải. Trong 70 năm tới không ảnh hưởng đến giao thông thủy vào TP.HCM. Theo tính toán mô hình về tác động môi trường, thì công trình không gây tác động xói lở khu vực bãi tắm của Vũng Tàu và các khu vực lân cận thuộc đồng bằng sông Cửu Long.

Tác động tới sinh kế của một số người dân nuôi nghêu, sò ở cửa sông và bên ngoài vùng rừng Cần giờ, có thể khắc phục được thông qua tính toán đầy đủ chí phí thiệt hại đến nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi sang làm du lịch, dịch vụ và sẽ được tính toán chi tiết trong giai đoạn tiếp theo của Dự án.

Xét về mặt môi trường, các tác động tiêu cực của Dự án thấp hơn so với các tác động của các phương án thay thế và có thể giảm thiểu được các tác động xấu; đồng thời có tác động môi trường có xu thế tốt hơn như có khả năng tiêu thoát nhanh, tăng thêm nguồn nước ngọt dự trữ, tạo được một khu sinh thái mới cho vùng... 
 
Nguyễn Vinh - Dương Diễm
  •  
Các tin khác

Biến đổi khí hậu hiện nay đang làm gia tăng các áp lực tới các hệ sinh thái của đất ngập nước. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu cấp thiết là phục hồi đất ngập nước để tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu sinh Nguyễn Ngọc Mỹ và giáo sư Minha Choi tại Trường Kỹ thuật dân dụng, kiến trúc và Hệ thống môi trường, Đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc) đã tìm ra mối tương quan giữa hạn chớp nhoáng và El Niño tại Việt Nam.

Các nhà khoa học từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN, Viện Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã hợp tác nghiên cứu và tìm ra phương pháp mới để thăm dò và dự báo tiềm năng nước ngầm.

Thông qua việc thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bể sinh học có giá thể di động (MBBR) trong xử lý sinh học kỵ khí nước thải nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp”, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô (Bộ Công Thương) đã xây dựng được quy trình công nghệ xử lý sinh học kỵ khí nước thải nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp, có ứng dụng công nghệ MBBR, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý sinh học kỵ khí tại nhà máy giấy.