Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia sẽ phải hứng chịu bão lốc xoáy nhiệt đới nhiều nhất

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/5/2022 | 3:58:58 Chiều

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Scientific Advances, biến đổi khí hậu do con người gây ra sẽ khiến các cơn bão lốc xoáy nhiệt đới mạnh gấp đôi vào giữa thế kỷ này (năm 2050), nhiều vùng trên thế giới sẽ gặp nguy hiểm.

Trong đó, tốc độ gió tối đa của những cơn bão này dự đoán có thể tăng lên đến khoảng 20%.

Đặc biệt, một số khu vực hiện không trải qua bão lốc xoáy nhiệt đới sẽ có khả năng hứng chịu các cơn bão trong tương lai gần do biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu từ một nhóm nhà khoa học quốc tế, do TS Nadia Bloemendaal, Viện Nghiên cứu môi trường, Đại học Amsterdam (Hà Lan) đứng đầu.

Phân tích nghiên cứu cho thấy, tần suất các cơn bão cường độ từ cấp 3 trở lên sẽ gia tăng trên toàn cầu do biến đổi khí hậu.

 

Các cơn bão lốc xoáy nhiệt đới và bão nhiệt đới yếu hơn sẽ ít xảy ra ở hầu hết các khu vực trên thế giới, ngoại trừ ở Vịnh Bengal.

Đa số các địa điểm chịu rủi ro về bão cao nhất sẽ nằm ở các nước có thu nhập thấp.

Các quốc gia mà bão xoáy nhiệt đới từng tương đối ít xảy ra sẽ có nguy cơ hứng chịu bão cao hơn trong những năm tới, bao gồm: Campuchia, Lào, Mozambiquea và nhiều Quốc đảo Thái Bình Dương như Quần đảo Solomon và Tonga.

 
Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia sẽ phải hứng chịu bão lốc xoáy nhiệt đới nhiều nhất
Tần suất các cơn bão cường độ từ cấp 3 trở lên sẽ gia tăng trên toàn cầu do biến đổi khí hậu. Ảnh tư liệu minh hoạ: Reuters

Trên toàn cầu, số lượng người ở châu Á sẽ phải chịu tác động của bão lốc xoáy nhiệt đới gia tăng nhiều nhất, với hàng triệu người sẽ phải chịu ảnh hưởng ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.

Bão lốc xoáy nhiệt đới là một trong số các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt có sức hủy diệt lớn nhất thế giới, trước nay xảy ra tương đối ít. Trong một năm nhất định, chỉ có khoảng 80 - 100 cơn bão lốc xoáy nhiệt đới hình thành trên toàn cầu, hầu hết không bao giờ đổ bộ vào đất liền.

Ngoài ra, các ghi chép chính xác trong quá khứ trên toàn cầu rất khan hiếm, chỉ được lưu lại trong 30 - 100 năm qua. Việc thiếu dữ liệu này khiến cho việc lập mô hình bão lốc xoáy nhiệt đới trở nên khó khăn, các đánh giá rủi ro ở quy mô địa phương trở nên phức tạp.

 

Nghiên cứu nói trên đã sử dụng một phương pháp luận mới để khắc phục hạn chế, bằng kết hợp dữ liệu trong quá khứ với các mô hình khí hậu toàn cầu để tạo ra hàng trăm nghìn "cơn bão lốc xoáy nhiệt đới giả lập" có các đặc điểm tương tự như các cơn bão tự nhiên.

"Các kết quả của chúng tôi có thể giúp xác định những vị trí có nguy cơ gia tăng bão lốc xoáy nhiệt đới lớn nhất. Chính quyền địa phương sau đó có thể thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro trong khu vực của họ, để có thể giảm thiểu thiệt hại và thương vong.”

"Với bộ dữ liệu công khai sẵn có của chúng tôi, giờ đây chúng tôi có thể phân tích rủi ro của bão lốc xoáy nhiệt đới chính xác hơn cho từng thành phố hoặc khu vực ven biển.”, TS Nadia Bloemendaal, cho biết.

Theo TS Ivan Haigh, Đại học Southampton, Vương quốc Anh, thành viên nhóm nghiên cứu, bộ dữ liệu về bão lốc xoáy nhiệt đới mới mà nhóm nghiên cứu đã tạo ra sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc lập bản đồ về rủi ro lũ lụt đang thay đổi ở các vùng xảy ra bão lốc xoáy nhiệt đới.


Nguồn nguoidothi.net.vn

  •  
Các tin khác

Trong cuộc sống hối hả và đầy áp lực hiện nay, việc đổ rác có thể là một công việc dễ gây khó chịu vì những âm thanh inh ỏi của tiếng kẻng, tiếng còi báo.

10 giờ khẩn trương phối hợp với công an huyện Đa-Krông (Quảng Trị) để cứu hộ và phục hồi sức khỏe một cá thể Hổ Bengal trong tình trạng nguy cấp.

Tác động môi trường lớn nhất của việc sản xuất giấy vệ sinh xuất phát từ lượng điện khổng lồ mà các cơ sở sản xuất cần để làm nóng bột giấy, nước và hóa chất, sau đó làm khô cuộn giấy.

Hơn 2.000 người đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tham dự Hội nghị và triển lãm Thành phố thông minh (SCSE) lần thứ 11 diễn ra tại Đài Loan.