Chế tạo thành công loại máy hiện đại điều tra tài nguyên và môi trường biển

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/8/2022 | 2:45:35 Chiều

Một trong những dấu ấn ghi nhận về lĩnh vực KH&CN của Bộ TN&MT trong thời gian qua đó là cụm công trình “chế tạo máy từ biển và máy phổ gamma đa kênh đáy biển điều tra tài nguyên môi trường biển”.

Cụm Công trình đã đạt giải A giải thưởng KH&CN lần thứ nhất do Bộ TN&MT xét tặng.

Đây là Giải thưởng có ý nghĩa to lớn, động lực khuyến khích các nhà khoa học, các tổ chức trong ngành TN&MT tích cực tham gia hoạt động khoa học và công nghệ nhằm góp phần đưa nhanh kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn quản lý, sản xuất của ngành.

Với sự phát triển của công nghệ, trên thế giới hiện nay hầu như các máy phổ đơn kênh đã được thay bằng các máy phổ đa kênh kỹ thuật số với những detector công nghệ mới, có độ nhạy cao. Tuy nhiên, việc nhập ngoại các loại máy này để sử dụng trong điều tra địa chất khoáng sản biển là không khả thi do giá thành của một máy phổ gamma nhập ngoại vẫn còn rất cao, mỗi khi gặp sự cố phải gửi ra nước ngoài để khắc phục nên rất mất thời gian và tốn kém.

Giải pháp tốt hơn là phát huy nội lực, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ hiện đại của thế giới để chế tạo các máy phổ gamma đa kênh nhằm chủ động đáp ứng các yêu cầu của thực tế, đồng thời, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong nước. Vì thế, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Điều tra tài nguyên - môi trường biển do TS. Đỗ Tử Chung làm chủ nhiệm đã thực hiện Đề tài: "Nghiên cứu chế tạo máy phổ gamma đa kênh điều tra địa chất khoáng sản biển”.

 
do-tu-chung-1(1).png
Chế tạo máy từ biển và máy phổ gamma đa kênh đáy biển điều tra TN&MT biển

Thông qua đề tài, nhóm nghiên cứu đã chế tạo được 2 bộ máy biển từ TBVN01, đáp ứng yêu cầu sử dụng trong thực tiễn. Kết quả đã được chuyển giao, sử dụng liên tục tại Trung tâm Địa chất và Khoáng sản (nay là Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên môi trường biển khu vực phía Bắc) thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phục vụ trực tiếp cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển từ năm 2018 đến nay.

Theo TS. Đỗ Tử Chung, tính mới của cụm công trình này là ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, tích hợp tín hiệu từ máy GPS trong việc thiết kế sản phẩm nhằm nâng độ tin cậy, tính dễ sử dụng của thiết bị, giảm thời gian, công sức và giảm sai sót trong khâu xử lý văn phòng sau đo đạc, thiết kế theo kiểu linh động. Bên cạnh đó, máy vừa có thể hoạt động độc lập lại vừa có thể kết nối với máy tính, lưu trữ song hành tính năng mới chưa từng có ở loại máy từ nào.

Đặc biệt, số liệu đo đạc được mã hóa dưới dạng nhị phân là tính năng hữu ích cho việc bảo đảm tính nguyên gốc của dữ liệu vì người dùng không thể can thiệp, thay đổi nội dung của các file này, rất thuận lợi cho công tác quản lý trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng thu thập số liệu. Đặc biệt, sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao, thuận lợi cho việc chế tạo, giá thành thấp, hiệu quả cao.



Nguồn TN&MT

 
  •  
Các tin khác

Thông tin ngày 15/4 từ Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết một đoàn thám hiểm quốc tế đã phát hiện 22 hang động mới cùng 3 hang động được khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.

Phái đoàn EU tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp AFD vừa phối hợp với UBND huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội thảo khởi động chương trình tăng cường năng lực chống chịu biến đổi khí hậu của 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ.

Để đối phó với nguy cơ lũ và ngập lụt tại các khu vực tập trung đông dân cư ở vùng miền núi Bắc Bộ, TS Lê Viết Sơn cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Quy hoạch thủy lợi đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá rủi ro lũ, ngập lụt và đề xuất các giải pháp phòng tránh, thích ứng cho các khu vực tập trung đông dân cư, đô thị vùng miền núi Bắc Bộ”.

Ban biên tập Chuyên trang Quản lý Môi trường, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 14-2024.