Tàu vũ trụ Orion trở về Trái đất sau hành trình tới Mặt trăng

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/12/2022 | 3:47:30 Chiều

Khoang tàu vũ trụ Orion của NASA, dự kiến sẽ được dùng để đưa phi hành gia lên Mặt trăng, đã hạ cánh an toàn ngoài khơi bờ biển Mexico vào ngày 11/2 sau chuyến bay thử nghiệm kéo dài 25 ngày.

Các nhà nghiên cứu cho biết rất vui mừng khi có thể tải và phân tích dữ liệu từ chuyến bay tới Mặt trăng và quay lại Trái đất. Chuyến bay được gọi là Artemis I, và thuộc chương trình Artemis của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

"Đã đến lúc ăn mừng, sau đó chúng ta phải sẵn sàng cho chuyến bay Artemis II”, Vanessa Wyche, giám đốc Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA ở Houston, Texas, cho biết. Artemis II là hành trình chở các phi hành gia bay vòng quanh Mặt trăng, dự kiến diễn ra sớm nhất vào năm 2024.

Tàu vũ trụ Orion trở về Trái đất sau hành trình tới Mặt trăng
Tàu Orion của NASA ngoài khơi bờ biển Baja California, Mexico, ngày 11/12.

Nhiệm vụ Artemis II cần chờ hai năm nữamột phần do NASA phải thu hồi các bộ phận đã tách ra khỏi Orion và đang nằm rải rác ở nhiều nơi trong quá trình hạ cánh xuống Trái đất. Các bộ phận này sẽ được kiểm tra kỹ trước khi lắp đặt lại lên Orion, phục vụ chuyến bay tiếp theo.

NASA coi Artemis là chương trình khám phá không gian kế thừa chương trình Apollo (1969 - 1972) đã đưa các phi hành gia lên Mặt trăng. Sau chuyến bay Artemis II, Artemis III sẽ không chỉ bay quanh Mặt trăng mà còn đưa một phi hành đoàn hạ cánh xuống cực nam của Mặt trăng, với mục đích nghiên cứu băng trong các miệng núi lửa cổ.

 

Khi chuẩn bị lao vào bầu khí quyển Trái đất, Orion tách khỏi mô-đun điều hướng và tạo lực đẩy. Mô-đun này do Cơ quan Vũ trụ châu Âu chế tạo; nó đã giúp vận hành Oriontrong suốt hành trình và được đốt cháy hoàn toàn trong quá trình hạ cánh, như kế hoạch. Orion tiếp tục ma sát với bầu khí quyển, khiến nhiệt độ vỏ tàu tăng vọt lên 2.800°C. Nhưng tấm chắn nhiệt đã giữ an toàn cho phía trong khoang tàu và các hình nộm thử nghiệm. Đây là dấu hiệu tốt cho các chuyến bay tiếp theo chở người thật.

Theo kế hoạch, trước khi đi vào bầu khí quyển của Trái đất, Orion bật ngược lên. Toàn bộ quy trình kéo dài vài phút, giống như khi một hòn đá bị lia trên mặt nước. Cơ chế hạ cánh này, chưa từng được thực hiện ở tàu vũ trụ chở người, cho phép tàu điều chỉnh cách đi vào bầu khí quyển và có vị trí hạ cánh chính xác hơn. Khi đi vào bầu khí quyển, tàu bung dù làm chậm và hạ cánh trong bán kính 10 km so với tàu Hải quân Mỹ đang chờ sẵn ở ngoài khơi bờ biển phía tây Baja California để "trục vớt".

Tàu vũ trụ Orion trở về Trái đất sau hành trình tới Mặt trăng

Sau khi vào bầu khí quyển của Trái đất, Orion đã giảm tốc độ với sự trợ giúp của nhiều chiếc dù.

 

Các kỹ sư của NASA đã bắt tay vào phân tích dữ liệu và thông tin được thu thập trong hành trình và khi hạ cánh để điều chỉnh cho Artemis II. "Chuyến bay này cho chúng tôi biết những gì cần thay đổi hoặc sửa đổi cho nhiệm vụ tiếp theo", Shannon Walker, phi hành gia của NASA, cho biết.

Bộ máy tính trên tàu sẽ được các nhà khoa học kiểm tra và phân tích, trước khi được sử dụng lại cho Artemis II để tiết kiệm chi phí. NASA đã bắt đầu việc tái sử dụng bộ máy tính trên tàu vũ trụ từ nhiều năm trước.

Các kỹ sư cũng sẽ truy xuất dữ liệu từ các cảm biến, chẳng hạn như dữ liệu về phơi nhiễm bức xạ trong khoang tàu, để đảm bảo an toàn cho các phi hành gia trong nhiệm vụ Artemis II.

 

Các thành phần mới trên Artemis II cũng đang được phát triển, trong đó có một mô-đun điều hướng và cung cấp lực đẩy khác. Mô-đun này do châu Âu chế tạo và đã có mặt tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida để lắp ráp. NASA có kế hoạch thông báo về các phi hành gia sẽ bay trên Artemis II trong vài tuần tới.


Nguồn:

https://www.nature.com/articles/d41586-022-04411-y

https://www.nature.com/articles/d41586-022-01253-6





Nguồn Khoa học và Phát triển

  •  
Các tin khác

Trong cuộc sống hối hả và đầy áp lực hiện nay, việc đổ rác có thể là một công việc dễ gây khó chịu vì những âm thanh inh ỏi của tiếng kẻng, tiếng còi báo.

10 giờ khẩn trương phối hợp với công an huyện Đa-Krông (Quảng Trị) để cứu hộ và phục hồi sức khỏe một cá thể Hổ Bengal trong tình trạng nguy cấp.

Tác động môi trường lớn nhất của việc sản xuất giấy vệ sinh xuất phát từ lượng điện khổng lồ mà các cơ sở sản xuất cần để làm nóng bột giấy, nước và hóa chất, sau đó làm khô cuộn giấy.

Hơn 2.000 người đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tham dự Hội nghị và triển lãm Thành phố thông minh (SCSE) lần thứ 11 diễn ra tại Đài Loan.