Lai tạo giống lúa mới có sức chống chọi tốt và giải quyết nạn đói tại châu Phi

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/1/2023 | 10:55:27 Sáng

Không những có tiềm năng trở thành nguồn lương thực chính cho hàng triệu người tại châu Phi, các nhà khoa học cho rằng giống lúa lai mới này có sức chống chọi tốt với thời tiết khắc nghiệt.

Theo Uỷ ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), biến đổi khí hậu đang có tác động tiêu cực đến an ninh lương thực , bằng cách tăng nhiệt độ, thay đổi hình thái mưa và gia tăng tần suất của một số hiện tượng thời tiết cực đoan.

Trong đó, các nhà nghiên cứu đưa ra cảnh báo rằng, châu Phi là nơi phải đối mặt với những thách thức vì cuộc khủng hoảng khí hậu được dự đoán là sẽ làm thay đổi sự phân bố cũng như sản lượng của các loại cây trồng chủ lực ở đây.

Biến đổi khí hậu được dự đoán rằng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng và sự phân bố của các loại cây trồng chủ lực trên khắp châu Phi. Do đó, theo các nhà nghiên cứu, việc thực hiện chế độ bảo vệ các loại cây trồng có thể giúp giảm thiểu những tác động đó.

Mới đây, giới khoa học cho rằng việc đưa vào canh tác quy mô lớn giống lúa lai được chứng tỏ hiệu quả trong việc chống chịu điều kiện khí hậu khắc nghiệt cũng như sâu bệnh là chìa khóa quan trọng giúp giải quyết cuộc khủng hoảng do tình trạng đói ăn và suy dinh dưỡng tại châu Phi.

 
tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Ông Emmanuel Okogbenin, người phụ trách hoạt động thương mại hóa và phát triển chương trình tại Quỹ Công nghệ nông nghiệp châu Phi (AATF), nhấn mạnh cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra tại châu Phi cùng với tình trạng đất bạc màu và sự lây lan của các loại sâu bệnh. Điều này đòi hỏi người nông dân phải chuyển từ các giống lúa thông thường sang các giống lúa cải tiến. Ông lưu ý việc đưa vào canh tác các giống lúa cải tiến với năng suất cao và khả năng thích nghi với các hệ sinh thái sẽ giúp tăng cường an ninh lương thực và xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn tại châu Phi.

AATF đã đưa vào canh tác thử nghiệm giống lúa lai tại miền Trung Kenya để đánh giá khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và sâu, bệnh xâm nhập. Theo ông Okogbenin, giống lúa lai được trồng ở quy mô hộ gia đình nhỏ tại đây có năng suất cao gấp đôi, góp phần nâng cao vị thế kinh tế-xã hội của người nông dân.

Tương tự, bà Sheila Ochugboju, Giám đốc Điều hành của Liên minh Khoa học, đã kêu gọi các chính phủ, tổ chức nghiên cứu và ngành công nghiệp châu Phi tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các giống lúa cải tiến cho các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, như một phần trong chương trình giúp ngành nông nghiệp thích ứng với khí hậu. Lúa lai không chỉ thích ứng tốt với khí hậu mà còn giàu dinh dưỡng, thích hợp để giải quyết tình trạng thiếu dinh dưỡng ngày càng gia tăng ở trẻ em châu Phi.

 

Theo đó, bà Ochugboju đề xuất các dịch vụ khuyến nông ở châu Phi nên được cải tiến để giúp nông dân tiếp cận thông tin, hạt giống cải tiến, phân bón và các cơ sở bảo quản hiện đại sau thu hoạch. Để thúc đẩy việc đưa vào canh tác lúa lai nhiều hơn tại châu Phi, chính phủ các nước cần tạo điều kiện về chính sách và quy định, tích cực đào tạo nông dân và đầu tư vào các cơ sở bảo quản hiện đại.

Tiềm năng của giống lúa mới trong tương lai

Thời gian qua, ngày càng có nhiều cá nhân và tổ chức đã và đang tìm kiếm về những loại cây trồng mới để cung cấp nguồn thực phẩm cho thế giới. Bởi con người đang phụ thuộc vào một số loại cây trồng phổ biến. Cụ thể, hiện nay, gần một nửa lượng calo mà con người hấp thu đều đến từ 3 loại nông sản là gạo, ngô và lúa mì.

Các kỷ lục về nhiệt độ đã bị phá vỡ thường xuyên trong những năm qua gây đe doạ đến an ninh lương thực, đặc biệt là sản lượng của nhiều loại cây trồng chủ lực như ngô và lúa mì có thể giảm đáng kể.

 

Theo các nhà khoa học dự đoán, giống lúa mới này có thể nuôi sống hơn 100 triệu người trong vòng 4 thập kỷ tới, đồng thời giúp tăng cường an ninh lương thực ở các quốc gia châu Phi và phát triển bền vững, có tiềm năng đáng kể để hỗ trợ đa dạng hóa và khả năng phục hồi của các hệ thống nông nghiệp toàn cầu trong điều kiện biến đổi khí hậu.


Hải Đăng (t/h)



Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Thông tin ngày 15/4 từ Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết một đoàn thám hiểm quốc tế đã phát hiện 22 hang động mới cùng 3 hang động được khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.

Phái đoàn EU tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp AFD vừa phối hợp với UBND huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội thảo khởi động chương trình tăng cường năng lực chống chịu biến đổi khí hậu của 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ.

Để đối phó với nguy cơ lũ và ngập lụt tại các khu vực tập trung đông dân cư ở vùng miền núi Bắc Bộ, TS Lê Viết Sơn cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Quy hoạch thủy lợi đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá rủi ro lũ, ngập lụt và đề xuất các giải pháp phòng tránh, thích ứng cho các khu vực tập trung đông dân cư, đô thị vùng miền núi Bắc Bộ”.

Ban biên tập Chuyên trang Quản lý Môi trường, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 14-2024.