NASA phát hiện dấu hiệu của El Nino từ không gian

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/5/2023 | 4:04:09 Chiều

Vệ tinh của NASA đã ghi nhận các sóng Kelvin di chuyển về phía đông Thái Bình Dương – hiện tượng thường được coi là tiền thân của El Nino.

El Nino là một phần của chu kỳ khí hậu El Nino – Dao động phương Nam (ENSO). Thường thì, những ngọn gió đông chủ đạo dọc xích đạo (gió mậu dịch) thổi tầng nước ở bề mặt Thái Bình Dương về phía tây, đẩy nước ấm từ Nam Mỹ về phía châu Á. Khi tầng nước ấm rời đi, tầng nước lạnh nổi lên để thay thế.

El Nino thường xảy ra khi gió mậu dịch yếu, khiến cho tầng nước ấm bị đẩy về phía đông.

El Nino mang đến thời tiết ẩm ướt cho vùng Nam nước Mỹ, và thời tiết ấm cho các bang phía Bắc và Canada. Ảnh: NOAA
El Nino mang đến thời tiết ẩm ướt cho vùng Nam nước Mỹ, và thời tiết ấm cho các bang phía Bắc và Canada. Ảnh: NOAA

Điều này ảnh hưởng lớn tới các hiện tượng thời tiết trên khắp thế giới. Ở Mỹ, nó gây ra thời tiết ẩm ướt hơn ở phía Nam và nóng hơn ở phía Tây Bắc. Đối nghịch là hiện tượng La Nina, khi gió mậu dịch mạnh đẩy một lượng nước ấm lớn hơn về phía Tây.

El Nino thường xảy ra 3-5 năm một lần, nhưng nó cũng có thể xuất hiện với tần suất ít hoặc nhiều hơn thế. Lần gần đây nhất xuất hiện El Nino là vào năm 2019, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8.

 

Theo Cơ quan Quản lý Khí tượng và Đại dương (NOAA) của Mỹ, xác suất xảy ra El Nino vào năm nay là 90%, và có thể kéo dài đến mùa đông của Bắc bán cầu. Cũng theo cơ quan này, 80% khả năng là El Nino sẽ ở dạng vừa, khiến nhiệt độ bề mặt đại dương tăng 1°C. Và có 55% khả năng sẽ diễn ra El Nino mạnh, với nhiệt độ tăng 1,5°C.

Ngay sau đó, NASA thông báo rằng các hình ảnh do vệ tinh Sentinel-6 Michael Freilich - vệ tinh theo dõi mực nước biển - chụp từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4 năm nay cho thấy các sóng Kelvin đang đẩy tầng nước ấm về phía đông, tích tụ tại bờ biển Colombia, Ecuador và Peru. Phần màu đỏ và màu trắng trong hình động cho thấy vùng nước ấm hơn và mực nước biển cao hơn.

NOAA và NASA sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng của Thái Bình Dương trong những tháng tới để dự đoán xem El Nino có xuất hiện không và vào khi nào, với mức độ ra sao.

 

Tháng 4 vừa qua, các nhà khoa học đã ghi nhận nhiệt độ bề mặt đại dương cao nhất từ trước tới giờ, với nhiệt độ trung bình toàn cầu là 21,1°C. Nhiệt độ kỷ lục này phản ánh tác động của biến đổi khí hậu và phần kết của hiện tượng La Nina gần đây nhất.

Giờ đây, khi La Nina dần kết thúc, khu vực nhiệt đới của Thái Bình Dương, một vùng đại dương rộng lớn, đang ấm dần lên. Các nhà khoa học cho biết nếu El Nino cùng với nhiệt độ đại dương tăng mạnh cùng xảy ra thì có thể dẫn tới một loạt những đợt nóng kỷ lục trong 12 tháng tới.

Theo dự báo từ Economist Intelligence Unit(EIU), những nước Nam Á và Đông Nam Á, nơi nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, có nguy cơ chịu nhiều thiệt hại hơn nhiều từ El Nino. Ví dụ, ở Việt Nam, một sự kiện thời tiết khắc nghiệt có quy mô tương tự như El Nino diễn ra vào năm 2015‑16 sẽ có thể đẩy lạm phát lên cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức cơ sở mà EUI dự đoán cho năm 2023‑24, chủ yếu do sản lượng nông nghiệp và thủy sản bị giảm.


Ngọc Huyền



Nguồn khoahocphattrien.vn

 
  •  
Các tin khác

Ban biên tập Chuyên trang Quản lý Môi trường, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 14-2024.

Loại nhựa mới được phát triển từ axit polylactic (PLA), một loại polyester có nguồn gốc từ tinh bột như mía và ngô, có độ bền cao, đặc biệt phân hủy nhanh chóng trong môi trường nước biển.

Nhằm chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực giám sát rạn san hô tại Việt Nam, Viện Khoa học biển Úc (AIMS) và Viện Hải dương (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã phối hợp tổ chức khoá tập huấn trong 13 ngày, từ 1/4 đến 13/04/2024 tại Viện Hải dương học.

Ngày 12/04/2024, Chương trình “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” đã chính thức được phát động, với mục tiêu thúc đẩy giải pháp từ các đối tượng cá nhân và tổ chức trên cả nước trong việc phát triển công nghệ tái chế rác thải nhựa.