Lý giải hiện tượng "Tuyết hồng" trên dãy Alps

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/7/2020 | 10:49:00 Sáng

Các nhà khoa học ở Italy đang tìm hiểu sự xuất hiện bí ẩn của băng tuyết màu hồng trên dãy Alps.

Nhiều mảng tuyết màu hồng được các nhà nghiên cứu thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Italy phát hiện trên một số vị trí của sông băng Presena đang gây kinh ngạc cho giới khoa học.

Theo chuyên gia Biagio Di Mauro thuộc Hội đồng nói trên, lớp băng tuyết màu hồng xuất hiện tại một số khu vực thuộc sông băng Presena nhiều khả năng giống với loài tảo đã được tìm thấy ở Greenland. Lớp băng màu hồng đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về việc loài tảo này đến từ đâu.


Ảnh: The Guardian
Là người từng nghiên cứu về nhiều loài tảo, trong đó có tảo tại sông băng Morteratsch ở Thụy Sĩ, ông Biagio Di Mauro cho biết: "Loài tảo này không nguy hiểm, đây là một hiện tượng tự nhiên xảy ra trong thời gian mùa Xuân và mùa Hè tại các khu vực ở độ cao trung bình và ở cả các cực của Trái đất”.

Loài tảo có tên khoa học là Ancylonema nordenskioeldii này từng xuất hiện tại khu vực được đặt tên là Dark Zone (Vùng Tối) của Greenland - nơi cũng đang chứng kiến hiện tượng băng tan do biến đổi khí hậu. Thông thường, băng tuyết phản chiếu hơn 80% bức xạ của mặt trời vào khí quyển, nhưng khi tảo xuất hiện, chúng làm tối băng khiến nó hấp thụ nhiệt và tan nhanh hơn.

Điều đó giống như một sự tác động qua lại lẫn nhau. Khi tảo xuất hiện, băng sẽ tan nhanh hơn. Băng tan cung cấp nước và không khí để tảo sinh trưởng. Băng tuyết càng tan thì tảo xuất hiện càng nhiều và phủ một lớp màu hồng trên nền trắng của tuyết ở độ cao 2.618 m.

Ông Di Mauro cho biết: "Mọi yếu tố khiến tuyết tối màu đều sẽ làm băng tuyết tan chảy vì hiện tượng này làm tăng tốc độ hấp thụ bức xạ”. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng sự hiện diện của người leo núi và du khách trượt tuyết cũng có thể tác động đến tảo, khiến chúng xuất hiện nhiều hơn.

Trước đó, khói từ các đám cháy rừng ở Australia đã biến những đỉnh núi và dòng sông băng phủ đầy tuyết trắng tại nước này thành màu nâu kỳ lạ.

Theo VGP

  •  
Các tin khác

Thông tin ngày 15/4 từ Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết một đoàn thám hiểm quốc tế đã phát hiện 22 hang động mới cùng 3 hang động được khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.

Phái đoàn EU tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp AFD vừa phối hợp với UBND huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội thảo khởi động chương trình tăng cường năng lực chống chịu biến đổi khí hậu của 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ.

Để đối phó với nguy cơ lũ và ngập lụt tại các khu vực tập trung đông dân cư ở vùng miền núi Bắc Bộ, TS Lê Viết Sơn cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Quy hoạch thủy lợi đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá rủi ro lũ, ngập lụt và đề xuất các giải pháp phòng tránh, thích ứng cho các khu vực tập trung đông dân cư, đô thị vùng miền núi Bắc Bộ”.

Ban biên tập Chuyên trang Quản lý Môi trường, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 14-2024.