Đề xuất thí điểm: Phân loại, tái chế rác thải sinh hoạt tại nguồn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/8/2021 | 10:55:39 Sáng

Hiện nay, một số vùng nông thôn tại Hà Nội đang tích cực triển khai các chương trình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, xử lý phế thải hữu cơ thành phân bón

I. Đặt vấn đề
Nhằm giảm áp lực về môi trường do rác thải, tận dụng những phế liệu có ích để tái chế, tái sử dụng, hiện nay, một số vùng nông thôn đang tích cực triển khai các chương trình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, xử lý phế thải hữu cơ thành phân bón.
Tuy vậy, công việc phân loại rác tại nguồn đến nay chưa đạt được kết quả như mong muốn; việc sử dụng phế thải hữu cơ để làm phân compost có thể nói là không đạt yêu cầu, nếu không có giải pháp hiệu quả và điều kiện triển khai phù hợp với thực tế ở nông thôn.
Đến nay chưa có mô hình nào thực sự hiệu quả để đảm bảo giảm thiểu và tái chế chất thải hữu cơ phù hợp cho khu vực nông thôn. Do vậy, cần thiết phải có các nghiên cứu xây dựng các mô hình thí điểm và giải pháp phù hợp nhằm BVMT, giảm thiểu phát thải Cacbon và duy trì phát triển bền vững các khu vực nông thôn, phù hợp với điều kiện thực tế và đặc trưng của vùng, miền.
Thực hiện chương trình 04/CTr-TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”; căn cứ tờ trình số 5436/TTr- BNN-VPĐP ngày 13/8/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (xã, huyện, tỉnh) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) giai đoạn 2021-2025; trong đó một số chỉ tiêu về Môi trường đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó chỉ rõ: Đối với xã Nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 có quy định: (1) Chất thải rắn trên địa bàn được phân loại, thu gom, xử lý theo quy định từ 98% trở lên; (2) Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt bằng biện pháp phù hợp, hiệu quả đạt từ 50% trở lên; (3) Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn từ 50% trở lên; (4) Tỷ lệ chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng và tái chế thành nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường từ 80% trở lên; (5) Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi bảo đảm các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi và bảo vệ môi trường từ 95% trở lên.
de-xuat-thi-diem-phan-loai-tai-che-rac-thai-sinh-hoat-tai-nguon-1
Với cơ chế, chính sách phù hợp, Hà Nội đã có nhiều xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Bá Hoạt
Văn phòng điều phối nông thôn mới Thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị với các huyện Mê Linh, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì để lựa chọn, đề xuất thực hiện mô hình thí điểm xử lý môi trường nông thôn.
Rác thải sinh hoạt ở 16 huyện của Hà Nội có khoảng 3000 tấn/ngày, trong đó trên 50% là rác hữu cơ dễ phân hủy có thể tái chế thành phân bón hữu cơ.
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, Hà Nội vẫn duy trì là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển chăn nuôi với số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn: 25.000 con trâu, 129.700 con bò, đàn lợn 1,36 triệu con, gia cầm 39,9 triệu con. Lượng thịt hơi các loại xuất chuồng trên 381 nghìn tấn.
Mặc dù có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, chỉ có một số trang trại chăn nuôi tập trung. Phần lớn các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội được khảo sát đều có các biện pháp xử lý chất chăn nuôi. Các biện pháp xử lý được áp dụng chủ yếu là thu gom chất thải và ủ tận dụng để bón cho cây trồng hoặc bán cho cơ sở sản xuất phân bón hoặc các nhà vườn. Nước thải trong quá trình chăn nuôi được xử lý qua hệ thống hầm biogas, tuy nhiên, phần lớn nước thải xử lý chưa đạt quy chuẩn cho phép. Công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi về cơ bản được quan tâm, song do thiếu giải pháp phù hợp nên thực trạng xử lý chất thải chăn nuôi còn nhiều hạn chế và tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở trong khu dân cư nông thôn vẫn diễn ra khá phổ biến. Một số hộ chăn nuôi đã đưa chế phẩm vi sinh EM vào lĩnh vực xử lý môi trường và đệm lót sinh học trong chăn nuôi, góp phần giảm mùi hôi thối của chuồng nuôi, tăng khả năng kháng bệnh cho vật nuôi; tuy nhiên hiệu quả xử lý vẫn còn thấp và nguy hiểm hơn là phân chuồng tươi vẫn được ngang nhiên lưu hành trên thị trường.
Theo Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (Sở NN&PTNT Hà Nội), hiện nay công tác thu gom chất thải chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Mặt khác, trang trại nằm xen kẽ trong khu dân cư có quỹ đất nhỏ hẹp, không đủ diện tích để xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, xử lý chất thải… Vì vậy, ô nhiễm từ hoạt động chăn nuôi đang trở thành một trong những thách thức lớn của thành phố Hà Nội.
Qua nghiên cứu, khảo sát thực trạng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, nghiên cứu các loại chất thải hữu cơ khác và thực trạng thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi tại các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn các huyện Mê Linh, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì; với tư cách giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ - chuyên gia tư vấn xây dựng mô hình xử lý chất thải hữu cơ của Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, tôi xin đề xuất "Xây dựng mô hình thí điểm: phân loại và tái chế rác thải sinh hoạt hữu cơ tại nguồn, sản xuất và cung ứng đệm lót sinh học sử dụng trong xử lý chất thải chăn nuôi và thu gom chất thải hữu cơ để chế biến phân bón hữu cơ trên địa bàn Hà Nội”.
Công ty CP Nông nghiệp Hữu Cơ thay mặt cho liên danh các đơn vị nghiên cứu và triển khai công nghệ trong nước gồm: Công ty CP Nông nghiệp Hữu Cơ; Công ty CP thương mại và sản xuất chế phẩm sinh học Biophar; Viện Môi trường Nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đã tiến hành lập đề án cho mục đích đề xuất với Ban chỉ đạo chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cùng các sở, ngành Thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan để tham mưu cho các huyện Mê Linh, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì của Hà Nội xây dựng mô hình thí điểm về phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải hữu cơ, phân gia súc, gia cầm, phụ phẩm nông nghiệp để tái chế thành nguyên liệu và phân bón hữu cơ; với quy mô phù hợp cho hộ gia đình, trang trại nông nghiệp, cụm dân cư nông thộn, xã, liên xã, và cấp huyện ở khu vực nông thôn Hà Nội.
de-xuat-thi-diem-phan-loai-tai-che-rac-thai-sinh-hoat-tai-nguon-2Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Hà Nội (Urenco) phối hợp với UBND phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội triển khai thí điểm chương trình phân loại rác tại nguồn thông qua hoạt động "Đổi rác thải tái chế lấy quà tặng". Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường
Đề xuất dự án thí điểm này được xây dựng dựa trên những yếu tố về giải pháp và công nghệ, tài chính, thị trường, sản phẩm phù hợp với điều kiện của Việt Nam đã được triển khai thành công ở một số địa phương trong nước. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, tính toán, thiết kế, và triển khai mô hình thí điểm này và sẽ điều chỉnh, bổ xung cho phù hợp với thực tế của nông thôn Hà Nội.
Cũng từ mô hình thí điểm này, sẽ đề xuất xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích việc phân loại, thu hồi tạo ra giá trị và tái chế chất thải hữu cơ tại nguồn, thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý chất thải hữu cơ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương ở nông thôn Hà Nội.
II. Mục đích, yêu cầu:
1. Mục đích
-Chất thải hữu cơ trong sinh hoạt và sản xuất ở nông thôn phải được phân loại, thu gom ngay từ nguồn nhằm tăng cường tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng, giảm gánh nặng chi ngân sách cho thu gom, vận chuyển xử lý chất thải thải sinh hoạt và nâng cao hiệu quả quản lý chất thải hữu cơ khác ở nông thôn cũng như góp phần bảo vệ môi trường sống ở nông thôn.
- Xây dựng mô hình thí điểm phân loại, thu gom và tái chế chất thải hữu cơ tại nguồn ở nông thôn trên địa bàn 5 huyện nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường một cách triệt để và thay đổi tư duy, cách tiếp cận vấn đề về việc phân loại, thu gom chất thải hữu cơ tại nguồn để tái chế, tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo ra giá trị về kinh tế, xã hội và môi trường; nâng cao ý thức của người dân và cơ quan quản lý, từng bước tạo lập sự cân bằng mới cho môi trường nông thôn. Từ đó nhân rộng mô hình ra các địa phương khác trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội và các địa phương khác.
- Xã hội hóa công tác phân loại, thu gom, tái chế chất thải hữu cơ trên địa bàn thôn, xã và các huyện thí điểm, huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần để đầu tư vào công tác thu gom, phân loại và tái chế chất thải theo mô hình dịch vụ môi trường chuyên nghiệp.
2. Yêu cầu
-Tạo được sự chuyển biến, hình thành thói quen và ý thức trách nhiệm trong việc thu gom, phân loại rác thải hữu cơ trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ở mỗi gia đình và cộng đồng nông thôn; tạo ý thức tự giác chấp hành phân loại rác thải tại nguồn ngay khi có phát sinh; gắn ý thức với trách nhiệm về quyền lợi và nghĩa vụ tài chính.
- Xây dựng được mô hình hợp lý, hiệu quả, linh hoạt để người dân dễ lựa chọn cho phù hợp để thực hiện cho việc thu gom, phân loại rác, thu hồi giá trị và tái chế rác hữu cơ tại nguồn tại các mô hình thí điểm thuộc 5 huyện Mê Linh, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì của thành phố Hà Nội.
- Tại các xã làm mô hình sẽ vận động, tổ chức tham gia lựa chọn và tự nguyện triển khai mô hình phân loại, tạo ra giá trị thu hồi từ rác và tái chế rác thải hữu cơ tại nguồn cho phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi địa bàn.
- Cán bộ, đảng viên gương mẫu trong thực hiện mô hình thu gom, phân loại, tái chế rác thải hữu cơ tại nguồn và chính quyền, đoàn thể ở cơ sở tạo điều kiện. Xây dựng đội ngũ dịch vụ môi trường chuyên nghiệp làm nòng cốt; phải có phân công trách nhiệm cụ thể kèm theo quyền hạn, quyền lợi và điều kiện triển khai để bảo đảm sự thành công của chương trình thí điểm. Kiên quyết không làm theo phong trào kiểu hời hợt hay đầu voi đuôi chuột.
III. Kế hoạch, mục tiêu và điều kiện triển khai
1.Kế hoạch
Triển khai các mô hình thu gom, phân loại và tái chế rác thải từ hộ, cụm hộ và quy mô thôn, xã, liên xã được phổ biến, triển khai tại 5 huyện vào 6 tháng cuối năm 2021, gồm:
- Huyện Mỹ Đức: xã Tuy Lai
- Huyện Mê Linh: xã Tráng Việt;
- Huyện Ba Vì: xã Thái Hòa
- Huyện Chương Mỹ: xã Trần Phú
- Huyện Ứng Hòa: xã Liên Bạt
Hoạt động này sẽ được duy trì, và đánh giá tổng kết trong năm 2022.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu chung
Thiết kế mô hình thí điểm thông qua lập kế hoạch khả thi trong việc thu gom phân loại và thu hồi giá trị từ rác, giảm khối lượng rác thải, đặc biệt là rác hữu cơ (kể cả phế thải hữu cơ trong nông nghiệp), phát sinh từ các hộ gia đình phải vận chuyển, xử lý; đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch tại chỗ cho cây trồng, và/hoặc làm thức ăn nuôi giun phục vụ chăn nuôi, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp; giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra, tạo cảnh quan môi trường - xanh - sạch - đẹp.
Nâng cao ý thức, trách nhiệm vật chất của mỗi người dân tại khu vực thí điểm và các chủ thể liên quan trong bảo vệ môi trường nói chung, giữ gìn môi trường sống nói riêng; hạn chế phát thải chất thải rắn, tái chế, tái sử dụng và tạo ra giá trị từ chất thải rắn trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.
Thiết kế mô hình này là tiền đề cho việc thực hiện thí điểm và nhân rộng mô hình quản lý chất thải rắn hữu cơ có hiệu quả tại khu vực nông thôn mới ở các địa phương làm thí điểm, trên cơ sở đó, tổng kết và nhân rộng ở các địa phương khác có điều kiện tương đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội; đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách và nội dung phù hợp để triển khai mở rộng trên toàn thành phố Hà Nội.
Dự án đề xuất và lập kế hoạch triển khai với giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương để giải quyết đồng bộ cơ bản vấn đề phân loại và xử lý CTR sinh hoạt hữu cơ tại nguồn: từ các hộ, cụm hộ gia đình nông thôn (có đủ điều kiện) trên địa bàn mỗi địa phương; thu gom, vận chuyển và phân loại phần rác hữu cơ và rác tái chế còn lại tại điểm tập kết rác tại địa phương: phần rác hữu cơ đưa về cơ sở xử lý tập trung của địa phương, phần rác tái chế (bán được) thì bán cho các cơ sở tái chế, phần rác vô cơ còn lại khoảng 1/3 lượng rác sinh hoạt và không gây ô nhiễm thứ cấp nữa sẽ được tập kết và vận chuyển về bãi rác tập trung của thành phố.
Dự án cũng xây dựng trước mắt một cơ sở chế biến hữu cơ tập trung tại xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ với quy mô cấp huyện: sản xuất và cung ứng đệm lót sinh học sử dụng trong xử lý chất thải chăn nuôi gia súc, gia cầm, kết hợp thu gom và tái chế rác thải hữu cơ sau phân loại tập trung và các loại phế thải hữu cơ sau sử dụng đệm lót sinh học làm nguyên liệu và phân bón hữu cơ, phục vụ cho các hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi tại các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức và Ứng Hòa (trong giai đoạn thí điểm, sau đó sẽ nhân rộng mô hình chế biến hữu cơ tập trung tại các huyện) để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo ra sản phẩm có ích cho xã hội.
Tại cơ sở chế biến hữu cơ tập trung này cũng sẽ xây dựng mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ, cụm hộ gia đình; mô hình sử dụng phế thải hữu cơ để nuôi giun; sử dụng phân hữu cơ để trồng cây...Nhằm phục vụ tham quan, huấn luyện và đào tạo nông dân, học sinh để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
de-xuat-thi-diem-phan-loai-tai-che-rac-thai-sinh-hoat-tai-nguon-3
Mô hình sản xuất rau hữu cơ tại huyện Sóc Sơn cho nông dân thu nhập ổn định. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Dự án góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất tác động xấu từ CTR tới môi trường nông thôn. Tạo ra sản phẩm nguyên liệu hữu cơ sạch tại chỗ để chăm sóc cây trồng, vật nuôi ở nông thôn. Tạo môi trường nông thôn luôn xanh, sạch, đẹp góp phần xây dựng nông thôn mới.
2.2. Mục tiêu cụ thể
Trong năm 2021: Thống nhất được nội dung, phương pháp và địa điểm triển khai dự án; xây dựng và đề xuất cơ chế hỗ trợ xây dựng mô hình; xây dựng và triển khai mô hình phân loại, xử lý CTR hữu cơ tại hộ và cụm hộ gia đình ở các thôn, xã, thuộc các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Mê Linh, Ba Vì (theo quy mô đề xuất thí điểm của địa phương). Lựa chọn và cải tạo điểm tập kết rác thành điểm phân loại và sơ chế rác hữu cơ tập trung, tạo điều kiện cho việc xử lý, tái chế rác hữu cơ tập trung được thuận lợi.(Khuyến khích các huyện ứng kinh phí sự nghiệp môi trường cho xây dựng mô hình).
- Lựa chọn địa điểm tại xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ để thuê đất và đầu tư mô hình thí điểm cho xưởng sản xuất và cung ứng đệm lót sinh học sử dụng trong xử lý chất thải chăn nuôi và thu gom chất thải hữu cơ để chế biến phân bón hữu cơ quy mô cấp huyện. (doanh nghiệp ứng trước kinh phí để thực hiện mô hình thí điểm).
- Xây dựng mới hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và môi trường, hoặc xây dựng đề án dịch vụ môi trường cho hợp tác xã hoặc doanh nghiệp dịch vụ môi trường tại địa phương nếu đủ điều kiện tham gia dự án.
- Tổ chức chương trình tập huấn về mô hình "phân loại và tái chế rác thải hữu cơ tại nguồn” tại các địa bàn đã lựa chọn và thống nhất với các địa phương tham gia chương trình thí điểm.
- Hỗ trợ các hộ, cụm hộ gia đình trong khu vực dự án trong mô hình thí điểm của dự án có dụng cụ xử lý chất thải hữu cơ sau phân loại và chế phẩm xử lý rác hữu cơ tại nguồn, CTR vô cơ sau phân loại được thu gom về điểm tập kết rác để chở về xử lý tại bãi rác tập trung của thành phố.
- Lựa chọn được vị trí quy hoạch điểm tập kết rác để cải tạo phù hợp cho mục tiêu phân loại rác tập trung và sơ chế rác hữu cơ sau phân loại để đưa về cơ sở tái chế rác hữu cơ thí điểm của huyện.
- Thí điểm việc sản xuất và sử dụng đệm lót sinh học cho xử lý môi trường chăn nuôi tập trung theo phương thức thị trường, có sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước.
- Thu gom rác hữu cơ sau phân loại tại điểm tập kết rác và đệm lót sinh học đã sử dụng (sau khi gom phân, nước tiểu của gia súc, gia cầm) để sản xuất và tiêu thụ nguyên liệu, phân bón hữu cơ tại cơ sở tái chế hữu cơ thí điểm.
- Thí điểm sử dụng các phương tiện vận chuyển chuyên dùng cho thu gom, vận chuyển chất thải hữu cơ sau phân loại tập trung, đệm lót sinh học và phân hữu cơ ở nông thôn ngoại thành Hà Nội.
- Thí điểm xây dựng hạng mục xử lý chất thải lỏng giàu dinh dưỡng để vừa xử lý chất thải, vừa tận thu dinh dưỡng. Hệ thống này trước mắt làm với quy mô nhỏ (khoảng 30m3/ngày) xử lý phân hầm cầu và nước rỉ rác của cơ sở để bổ sung cho quá trình ủ rác hữu cơ; sau khi có hiệu quả sẽ mở rộng để xử lý các loại chất thải lỏng khác như chất thải chăn nuôi, chất thải thủy sản…
- Thí điểm mô hình nuôi giun, công nghệ sản xuất compost giun (vermi-compost) và chế biến sản phẩm từ giun để có thể tiêu thụ hết 10-20 tấn phân compost giun/ngày với giá cao (khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/tấn).
Năm 2022:
- Hoàn thiện mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn (với các hộ, cụm hộ gia đình đủ điều kiện) và phân loại, sơ chế rác thải hữu cơ tập trung tại điểm tập kết rác; tỷ lệ phải đạt 95% lượng rác hữu cơ phát sinh trên địa bàn của dự án.
- Xây dựng và hoàn thiện cơ sở tái chế rác hữu cơ, phế thải hữu cơ khác tập trung phù hợp với quy mô cấp huyện.
- 50% các hộ dân cư còn lại trong vùng dự án có dụng cụ phân loại và chế phẩm xử lý rác hữu cơ tại nguồn, số rác còn lại được phân loại và xử lý đạt tiêu chuẩn.
- 100% thôn, khu dân cư vùng dự án thành lập được tổ thu gom rác thải sinh hoạt, 100% khu vực công cộng được đặt thùng rác phục vụ nhân dân.
- Các cụm công nghiệp, doanh nghiêp, trong toàn vùng dự án phải thực hiện việc phân loại rác tại nguồn và ký hợp đồng thu gom, xử lý CTR, theo quy định (sau khi đã phân loại).
- Mỗi thôn xây dựng ít nhất 1 ga (trạm trung chuyển) rác để phục vụ công tác thu gom CTR sinh hoạt, phân loại tập trung và sở chế rác hữu cơ có mái che.
- Các cơ sở chăn nuôi tập trung sẽ triển khai sử dụng đệm lót sinh học trong xử lý môi trường chăn nuôi và ký hợp đồng với doanh nghiệp tái chế chất thải hữu cơ.
- Tổng kết, đánh giá mô hình thí điểm, đề xuất cơ chế tài chính, phương thức quản lý, vận hành và cơ chế ưu đãi đầu tư cho xử lý môi trường nông thôn Hà Nội.
Sau năm 2022 :
- Triển khai mô hình của dự án mở rộng các địa phương khác trong thành phố Hà Nội.
3. Điều kiện triển khai
3.1. Xây dựng nhiệm vụ
- Thống nhất xây dựng tài liệu tập huấn về nội dung triển khai, hướng dẫn về quy trình phân loại, thu hồi giá trị và tái chế rác thải hữu cơ tại nguồn với quy mô phù hợp. Hướng dẫn lựa chọn và sử dụng chế phẩm sinh học để tái chế rác tại nguồn, lợi ích của việc phân loại, thu hồi giá trị và tái chế rác thải hữu cơ;
- Vận động, tổ chức cho nhân dân tham gia lựa chọn và tự nguyện triển khai mô hình phân loại, tạo ra giá trị thu hồi từ rác và tái chế rác thải hữu cơ tại nguồn; đưa việc phân loại,thu hồi giá trị và tái chế rác này vào nội dung đánh giá, công nhận thôn, xóm - gia đình văn hóa và chương trình nông thôn mới.
- Hướng dẫn nội dung thu hồi rác khó phân hủy có thể tái chế hoặc tái sử dụng.
- Hướng dẫn các hộ gia đình phân loại, lựa chọn hình thức thu hồi và tái chế rác hữu cơ phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường, đạt hiệu quả. Vận động cán bộ, đảng viên tự đầu tư để thực hiện mô hình phân loại, tái chế rác thải hữu cơ tại nguồn (quy mô hộ hoặc cụm hộ); vận động các hộ có vườn tự đào hố tái chế rác hữu cơ sau khi phân loại; với các hộ dân chưa hoặc không đủ điều kiện để tái chế rác hữu cơ tại nhà thì có thể bàn bạc và thống nhất địa điểm tái chế tập trung theo cụm hộ, dưới sự hướng dẫn tạo điều kiện của chính quyền, đoàn thể ở cơ sở. Xây dựng và hoàn thiện doanh nghiệp làm dịch vụ môi trường làm nòng cốt, tận dụng diện tích đất trống, xen kẹt hoặc vườn của gia đình có đủ điều kiện để tái chế rác thải hữu cơ với quy mô cụm hộ hoặc lớn hơn.
- Xây dựng ở mỗi thôn ít nhất 20 mô hình điểm với 3 quy mô khác nhau: hộ gia đình, cụm hộ gia đình và tái chế chất thải hữu cơ tập trung.
- Mỗi thôn xây dựng ít nhất 02 mô hình hướng dẫn sử dụng phân bón hữu cơ sau xử lý hoặc tái chế để bón cho cây trồng, và/hoặc làm thức ăn nuôi giun phục vụ chăn nuôi; giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
- Ở những địa phương có điều kiện thì kết hợp chương trình phân loại rác hữu cơ tập trung tại điểm tập kết rác và sơ chế rác hữu cơ sau phân loại để đưa về điểm tái chế, hoặc có kế hoạch trồng cây theo quy hoạch chung của địa phương.
- Phân công rõ trách nhiệm của các cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, sản xuất; các doanh nghiệp và tổ chức khác tại địa phương, nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, đạt hiệu quả cao. Thường xuyên tổ chức sơ kết đánh giá hiệu quả; đúc rút kinh nghiệm triển khai để kịp thời điều chỉnh, bổ sung hoặc sửa đổi nội dung hoặc phương pháp triển khai để có thể nhân rộng mô hình thí điểm.
3.2. Tổ chức tuyên truyền, lấy ý kiến cộng đồng làm chủ thể của chương trình.
Phân loại rác thải hữu cơ trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp tại nguồn là nội dung khó, mới triển khai lần đầu trên địa bàn nông thôn Hà Nội, nên cần có tư duy và cách tiếp cận đúng, khảo sát, lựa chọn và chuẩn bị điều kiện triển khai đầy đủ; cần sự vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, cần sự đồng thuận và tham gia của nhân dân, do đó các xã triển khai thí điểm thuộc khu vực nông thôn cần triển khai từ cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể. Sau đó tổ chức tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, tổ chức hội nghị tại các thôn, cụm dân cư để lấy ý kiến của nhân dân, giải thích thấu đáo các ý kiến trái chiều nhằm tạo sự đồng thuận cao của nhân dân để việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được các hộ gia đình ủng hộ, tham gia và thực hiện hiệu quả.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc phân loại tại nguồn: Song song cùng việc thực hiện các mô hình phân loại, xử lý tại nguồn, thì các hoạt động tuyên truyền, vận động phải được tiến hành thường xuyên, quyết liệt đến từng hộ gia đình, cơ sở sản xuất, trường học ..., để người dân dễ dàng tiếp cận, thực hiện theo. Trong các cuộc họp của tổ, Xóm, chi bộ Thôn, xã phổ biến tuyên truyền lồng ghép nêu gương và khen thưởng các điển hình trong phong trào bảo vệ môi trường của địa phương và tổng kết đánh giá kết quả của hoạt động tại các mô hình thí điểm rút kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, thì cũng phải có các quy định từ cộng đồng để những cá nhân và tổ chức không tham gia hoặc không phân loại sẽ phải nộp phí hoặc giá dịch vụ môi trường cao hơn (gấp 5 lần) để dùng số tiền này thuê người phân loại và làm đẹp cảnh quan môi trường ở địa phương. Ngoài ra, cần có chế tài xử phạt hành chính với những đối tượng cố tình có những hành vi làm ô nhiễm môi trường nông thôn theo quy định.
Mặt khác để thúc đẩy cho việc phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nguồn có sức lan tỏa, khẩu hiệu "sạch nhà tốt ruộng” được đề cập tới trong chương trình: Từ các hộ gia đình đến trường học, trụ sở văn phòng UBND Xã và khu hoạt động văn hóa, thể thao trong xã cũng sẽ được vận động và xây dựng một cảnh quan đẹp (Trồng hoa, cây cảnh, cây xanh) đem lại môi trường tốt cho sức khỏe cộng đồng và xây dựng ý thức môi trường một cách gián tiếp.
3.3 Xây dựng lực lượng dịch vụ môi trường làm nòng cốt cho chương trình
Đây là vấn đề then chốt, giúp cho việc thành công hay thất bại của chương trình.
Tổ chức đấu thầu trong cộng đồng dân cư, lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ về môi trường, trước mắt là thu gom, phân loại, tái chế chất thải hữu cơ: Mục đích cuối cùng là hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường: chất lượng đầu ra, kiểm soát chất lượng khí thải, nước thải và tạo ra giá trị từ chất thải hữu cơ.
Xây dựng Hợp tác xã hoặc doanh nghiệp dịch vụ về môi trường tại địa phương theo hình thức xã hội hóa để hình thành và quản lý mô hình thí điểm, triển khai từng bước, thực hiện bắt buộc phân loại và tái chế rác thải hữu cơ tại nguồn; xây dựng cơ sở xử lý tổng hợp, tập trung; sử dụng công nghệ tách lọc rác và ủ hữu cơ tiên tiến, và sản xuất nguyên liệu, phân bón hữu cơ sinh học, và đệm lót sinh học cho xử lý môi trường chăn nuôi tại địa phương;
Triển khai thí điểm hợp đồng dịch vụ môi trường (kể cả chất thải rắn, nước thải, khí thải) hoặc thỏa thuận giá dịch vụ môi trường thay cho việc thu phí hiện nay không phù hợp.
Dịch vụ thu gom, phân loại, tái chế chất thải hữu cơ chuyên nghiệp chính là lực lượng nòng cốt cho chương trình quản lý môi trường ở nông thôn.
3.4 Tạo điều kiện về địa điểm, hạ tầng, kinh phí hỗ trợ ban đầu cho môi trường.
Trong quá trình triển khai thí điểm, các huyện lựa chọn và đề xuất sử dụng mặt bằng sẵn có nằm trong quy hoạch và đã đầu tư của địa phương để giao cho doanh nghiệp dịch vụ môi trường triển khai theo hình thức thuê quản lý và vận hành theo Luật hợp tác công tư (PPP).
Đối với những địa phương chưa có quy hoạch thì có thể lựa chọn cho doanh nghiệp dịch vụ môi trường thuê lại quỹ đất công ở những vị trí có diện tích và hạ tầng phù hợp; thậm chí có thể cho doanh nghiệp dịch vụ môi trường thuê lại đất trang trại nông nghiệp nhưng có hiệu quả thấp.
Việc lựa chọn địa điểm, quy mô, giải pháp và công nghệ xử lý phù hợp với từng địa phương thì Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Nội hoặc từng huyện nên có hợp đồng với đơn vị tư vấn để khảo sát, tư vấn, lựa chọn và thống nhất với mỗi địa phương.
Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách của chương trình nông thôn mới do TP Hà Nội sẽ được xây dựng trên cơ sở nội dung kế hoạch đã thống nhất giữa các bên tham gia và quy định của thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai sẽ đề xuất và thống nhất vận dụng cơ chế sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách huyện, xã hoặc huy động từ doanh nghiệp, người dân tham gia cho phù hợp.
IV. Nội dung chính của Dự án
1. Công tác phân loại tại nguồn và đề xuất giải pháp xử lý.
1.1. Đặc điểm CTR sinh hoạt, rác nông nghiệp và nhu cầu cần xử lý
Ngoài rác sinh hoạt khoảng hơn 1 triệu tấn mỗi năm, ở nông thôn Hà Nội còn phát sinh một lượng rất lớn các loại rác nông nghiệp khác, đó là phụ phẩm nông sản sau thu hoạch và chế biến – chỉ tính riêng rơm rạ, Hà Nội mỗi năm có khoảng 1,7 triệu tấn, vỏ trấu khoảng 400.000 tấn, đó là chưa kể đến thân lõi ngô, phụ phẩm nông sản khác sau thu hoạch và bã nông sản sau chế biến... Riêng lượng phân gia súc, gia cầm thì theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, Hà Nội vẫn duy trì là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển chăn nuôi với số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn: 25.000 con trâu, 129.700 con bò, đàn lợn 1,36 triệu con, gia cầm 39,9 triệu con.; chỉ tính lượng phân thải ra cũng đã lên tới trên 3 triệu tấn mỗi năm; đó là chưa tính đến phân hầm cầu bể phốt và nước thải chăn nuôi... các loại rác này chưa có giải pháp xử lý và tái chế phù hợp vì chưa có chính sách, chế tài cụ thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo ra sản phẩm có ích cho xã hội.
Về thị trường tiêu thụ phân hữu cơ, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hàng năm cả nước tiêu thụ khoảng 11-12 triệu tấn phân bón vô cơ, trong đó chỉ tính về năng lực sản xuất phân NPK đã lên tới trên 30 triệu tấn; còn năng lực sản xuất phân hữu cơ công nghiệp tại tất cả các nhà máy trong cả nước chưa đến 2 triệu tấn/năm. Theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp thì để cân đối dinh dưỡng, cứ sử dụng 1 tấn phân vô cơ thì cần ít nhất 3 tấn phân hữu cơ; như vậy nhu cầu phân hữu cơ trong cả nước còn thiếu ít nhất từ 30-40 triệu tấn/năm. Trong khi đó lượng nguyên liệu hữu cơ không được xử lý và tái chế từ phân gia súc, gia cầm, phụ phẩm nông sản sau thu hoạch và chế biến, rác thải sinh hoạt hữu cơ... hàng trăm triệu tấn mỗi năm đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Chất thải rắn sinh hoạt, nông nghiệp ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có nhiều thành phần, nhưng về cơ bản có chất hữu cơ và vô cơ. Đây là các chất khác hẳn nhau về tính chất lý-hóa-sinh học, nên để xử lý tốt cần làm tốt công tác phân loại tại nguồn và có công nghệ phù hợp cho từng loại.
Do đặc điểm khí hậu, sự thay đổi về tập quán sinh hoạt và ẩm thực, chất thải rắn hữu cơ có ẩm độ cao, giàu chất hữu cơ và rất nghèo nhiệt trị; chất hữu cơ trong rác thải sinh hoạt và phế thải nông nghiệp, là nguyên nhân chính gây ô nhiễm thứ cấp, phát sinh mùi hôi thối, nước rỉ rác, dẫn dụ ruồi nhặng, côn trùng, chuột bọ và là nguồn gây bệnh nếu không được phân loại và xử lý phù hợp. Nếu để rác hỗn tạp và sử dụng một công nghệ duy nhất sẽ khó xử lý triệt để , và còn gây lãng phí tài nguyên rác.
Ở Hà Nội, để xử lý rác sinh hoạt hỗn tạp có hiệu quả cần làm tốt khâu phân loại và kết hợp vài công nghệ khác nhau để xử lý; tiêu biểu nhất là ủ chất hữu cơ và đốt chất vô cơ. Đối với rác sinh hoạt đô thị có thể phân loại và xử lý tại nhà máy, nhưng đối với rác sinh hoạt nông thôn thì việc phân loại và xử lý chất hữu cơ tại nguồn theo quy mô hộ, cụm hộ gia đình (nếu đủ điều kiện) và thu gom, phân loại phần rác thải hữu cơ không đủ điều kiện phân loại tại hộ thì cho phân loại tại bãi tập kết rác của địa phương, rồi cho vận chuyển đến cơ sở tái chế rác thải hữu cơ và các loại phế thải hữu cơ khác được bố trí tại địa phương là hợp lý và hiệu quả nhất. Bảo đảm mang lại kết quả bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.
1.2. Đánh giá khó khăn và đề xuất cho bài toán rác ở nông thôn Hà Nội.
Hiện nay, các bãi rác tập trung của Hà Nội tại Sóc Sơn và Xuân Sơn đều trong tình trạng quá tải hoặc sắp đầy. Còn tại nông thôn, do chưa có quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải rắn (CTR) nên nhiều địa phương đã hình thành tự phát các bãi rác tạm tự phát với quy mô diện tích từ vài trăm m² đến vài ngàn m². Tuy nhiên, do việc thu gom và xử lý rác thải khu vực nông thôn còn hạn chế (chỉ đạt 75%), dẫn tới tình trạng rác thải tồn đọng nhiều tại các điểm đổ rác, không vận chuyển đi xử lý kịp thời làm mất mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường.
Thực tế, việc quy hoạch khu vực xử lý rác thải mới cũng không phải dễ vì gặp phải sự phản đối của người dân sinh sống trong khu vực. Nguyên nhân phần lớn là do họ không còn tin tưởng vào việc các bãi mới này sẽ xử lý triệt để được ô nhiễm môi trường do bãi rác gây ra. Đồng thời, việc xe thu gom rác đi qua khu vực dân cư sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hằng ngày, đe dọa môi trường sống an toàn của người dân. Song song đó, quỹ đất dành cho việc xây dựng bãi rác ngày càng hạn hẹp nên việc quy hoạch càng trở nên khó khăn với các cơ quan chức năng. Thực trạng này không chỉ diễn ra trên địa bàn đô thị tập trung mà xảy ra chung cho các vùng nông thôn trên toàn thành phố.
Để đối phó nguy cơ không còn chỗ chôn lấp rác, giải pháp hiệu quả nhất trong vòng 10 - 30 năm tới là tiến hành thực hiện thu gom, phân loại và tái chế rác hữu cơ ngay tại nguồn, tạo ra sản phẩm có giá trị, bằng những mô hình hợp lý và hiệu quả; từ đó nâng cao ý thức của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường (BVMT).
1.3.Giải pháp cho xử lý tập trung các loại phế thải hữu cơ khác của nông thôn Hà Nội.
Ngoài CTR sinh hoạt hữu cơ, những bức xúc về rác thải ở khu vực nông thôn của Hà Nội còn tồn đọng những loại rác sau đây:
- Rác chôn lấp được khai đào, thu hồi từ các bãi đổ rác tạm ở các huyện, xã...
- Rác làng nghề, rác nông nghiệp: phân gia súc, gia cầm; phụ phẩm nông sản...
- Rác công nghiệp thông thường – không nguy hại.
- Rác xây dựng; rác nghĩa trang, nghĩa địa...
- Nước thải từ sinh hoạt, chăn nuôi, chế biến, làng nghề.
Quan điểm của các nhà tư vấn và đầu tư Dự án thí điểm này là cũng cần xử lý các loại rác này tại các cơ sở xử lý CTR hữu cơ tập trung ngay tại nguồn phát thải; còn các loại rác thải không phải hữu cơ (chiếm khoảng trên 30% rác thải sinh hoạt) thì mới phải đưa về các khu xử lý tập trung của thành phố. Tuy nhiên cần phân biệt rõ hai nguồn: Ngân sách sự nghiệp môi trường trả cho CTR sinh hoạt cả rác mới và rác chôn lấp được khai đào, thu hồi từ các bãi đổ rác tạm ở các huyện, xã. Các loại phế thải hữu cơ còn lại sẽ do chủ do dự án tự thu xếp với chủ nguồn thải trên cơ sở hợp đồng dịch vụ môi trường, với sự hỗ trợ ban đầu về xây dựng mô hình và phân luồng của Chính quyền địa phương khi dự án triển khai ổn định .
Các dịch vụ xử lý chất thải, sản phẩm thu hồi từ nguyên liệu hữu cơ sinh học và sản phẩm tái chế khác, doanh nghiệp dự án tự thu xếp nguyên liệu (chất thải), sản xuất và thị trường tiêu thụ.
1.4. Quan điểm tiếp cận "Xanh" chủ đạo trong đề xuất thí điểm
Hiện nay nhiều nước phát triển trên thế giới đang thực hiện chiến lược 3RVE trong quản lý và xử lý CTR. Đó là: giảm thiểu (Reduce); tái chế (Recycle); sử dụng lại (Rense); nâng cao giá trị (Validate); xử lý những phần không thể sử dụng (Eliminate). Đây là một công nghệ tổng hợp được xử dụng rộng rãi vì nó tích hợp của nhiều khâu trong quá trình thực hiện: phân loại, xử lý chất thải hữu cơ tại nguồn, thiêu đốt, tái chế, sử dụng lại và cuối cùng là chôn lấp phần không thể xử lý được, lượng chôn lấp thông thường theo quy định<10% đối với rác thải sinh hoạt.
Cách tiếp cận này coi chất thải rắn đô thị và nông thôn là nguồn tài nguyên tái tạo trong quá trình sống và hoạt động của con người cần được khai thác hiệu quả cả về mặt kinh tế - xã hội (hiệu quả dự án) và tài chính (hiệu quả chủ đầu tư) có tính đến 2 luận điểm chủ đạo sau:
a) Thu hồi lượng hữu cơ từ chất thải rắn sinh hoạt và phế thải nông nghiệp càng nhiều thì hiệu quả kinh tế - xã hội càng cao do giảm bớt các hoạt động thu gom, vận chuyển và chôn lấp tại các bãi rác tập trung của thành phố. Nếu làm tốt việc này thì sau phân loại và tái chế tại nguồn, lượng rác thải sinh hoạt nông thôn đưa về bãi của thành phố chỉ còn khoảng 1/3 hiện tại.
b) Việc phân loại, xử lý, tái chế có tỷ lệ chất thải sau xử lý (rắn, lỏng, khí) càng thấp thì hiệu quả tài chính càng cao và càng bền vững do giảm thiểu sử dụng đất, ô nhiễm thứ cấp tiềm ẩn kéo theo phản ứng của người dân và làm giảm phát thải khí nhà kính.
2. Nội dung và phương pháp triển khai
2.1. Nguyên tắc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn
Rác thải sinh hoạt được phân loại ngay tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, trụ sở cơ quan, tổ chức, trường học và khu vực công cộng nơi phát sinh rác thải sinh hoạt.
Rác thải sinh hoạt phân loại làm 3 loại cơ bản là "Rác thải hữu cơ dễ phân hủy”; "Rác thải có thể tái chế, tái sử dụng”; " rác thải có thể đốt hoặc chôn lấp”; Ngoài ra, giai đoạn hai sẽ phân loại thêm 2 loại khác là "rác thải nguy hại” và "rác xây dựng”, trong đó:
- Rác hữu cơ dễ phân hủy: Rác nhà bếp có khả năng phân hủy như thức ăn thừa, cọng rau, hoa, củ, quả; vỏ trứng ,các loại giấy ăn, giấy vệ sinh; bã trà, bã cà phê; phụ phẩm chế biến thải bỏ như lông gà, vây và vẩy cá, vỏ và ruột ốc, phân gia súc, gia cầm, xác động vật chết … Các loại này chiếm khoảng 50-60% lượng rác sinh hoạt và phải để riêng ngay sau khi phát sinh, đựng trong xô hoặc thùng và mang ra đổ vào điểm tái chế rác hữu cơ tùy theo quy mô: hộ gia đình, cụm hộ gia đình hoặc xử lý tập trung tại địa phương.
- Rác khó phân hủy có thể tái chế hoặc tái sử dụng: Các loại chai lọ nhựa, đồ thủy tinh, giấy bìa cacton , giấy bao gói, tờ rơi quảng cáo, vỏ lon rỗng (bia, nước giải khát, thực phẩm đóng hộp, hộp đụng sữa…) Sắt thép và các sản phẩm từ kim loại, đồ điện và điện tử gia dụng, đồ dùng nhà bếp, phương tiện đi lại hỏng…Các loại này từ 10 -20% có thể sửa chữa để dùng lại được, cũng có thể bán được, ta nên để riêng từng loại, sau đó đem bán và/hoặc giao cho doanh nghiệp tái chế tại địa phương.
- Nhóm chất thải rắn có thể đốt hoặc chôn lấp: Bông vải sợi bao gồm: tã, bỉm giấy, băng vệ sinh, quần áo, tất chân, găng tay, khẩu trang thải bỏ; túi bóng, nilon, dây nhựa, vải mưa, áo mưa, băng dính, băng keo, nilon bảo quản thức ăn, xốp và hộp xốp, giấy bọc kẹo bánh, đầu mẩu thuốc lá; cao su và các sản phẩm từ cao su như: Giầy dép, ủng, đồ chơi trẻ em, vỏ bọc dây điện, săm lốp thải của xe ô tô, xe đạp, xe máy; sành sứ, thủy tinh vỡ…Các loại rác này chỉ chiếm 30-35% lượng rác sinh hoạt; sau phân loại được đưa vào thùng rác màu vàng để thu gom chuyển về bãi tập kết rác của địa phương.
- Nhóm chất thải nguy hại: Loại này phải tách lọc riêng bao gồm các loại pin, bình ác quy, bóng đèn huỳnh quang, giẻ lau dính dầu, dính hóa chất, vỏ bao và vỏ chai đựng thuốc BVTV… Cần lưu giữ riêng để giao cho đơn vị có chức năng thu gom và xử lý.
- Nhóm rác thải xây dựng: Bao gồm đất, đá, cát, gạch ngói và kính vỡ… phát sinh trong quá trình xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà cửa, công trình xây dựng. Loại rác này cần có sự quản lý riêng, gắn với trách nhiệm của chủ công trình xây dựng. Kiên quyết không để lẫn vào trong rác thải sinh hoạt.
2.2. Giải pháp cho tái chế rác hữu cơ tại nguồn sau phân loại
Đối với hộ gia đình có diện tích đất trống và có nhu cầu sử dụng phân bón:
Hố tái chế rác hữu cơ được đào trên đất, trong vườn mỗi hộ gia đình, có hình tròn phù hợp với dụng cụ che đậy hố tái chế được lựa chọn, sâu 60-80 cm với hố nhỏ và 120-150 cm với hố xử lý rác to. Cần lưu ý hố đào phải cao hơn mực nước ngầm; nếu đất yếu thì dùng phên quây quanh hố để tránh sụt hố.
Nắp che đậy hố tái chế rác hữu cơ được làm từ chậu nhựa chuyên dùng, có đường kính 60-80 cm ; chiều cao 20-25 cm so với mặt đất để tránh ngập lúc trời mưa, phía trên có nắp đậy kín để hạn chế mùi và tránh sự thâm nhập của côn trùng hoặc chuột bọ. Phía dưới nắp che hố xử lý (miệng chậu) là đất trống để có thể đặt trên miệng hố xử lý đào trên đất bằng diện tích đáy nắp; ở giữa hố đặt ống nhựa có đường kính 60-80 mm, đục lỗ xung quanh ống nhựa này để tạo độ thoáng và cung cấp ô xy cho quá trình phân hủy hữu cơ. Hố xử lý này có nhiệm vụ chứa để tái chế toàn bộ rác thải sinh hoạt hữu cơ và cả các loại phế thải hữu cơ dễ phân hủy khác, được phân loại hàng ngày trong hộ gia đình, thực hiện quá trình phân hủy hữu cơ thành mùn compos, giảm thiểu chất thải - chuyển hóa chất thải thành nguyên liệu hữu cơ để bón cho cây trồng, và/hoặc làm thức ăn nuôi giun phục vụ chăn nuôi gia đình. (Kỹ thuật nuôi giun có nội dung trình bày riêng).
Đối với loại nắp có đường kính 60 cm, đào sâu 60-80 cm có thể xử lý khoảng 250-500 kg rác hữu cơ, thường dùng cho hộ gia đình nhỏ có 2-4 người; còn loại nắp có đường kính 80 cm, đào sâu 120-150 cm có thể xử lý khoảng 1.500-2.000 kg rác hữu cơ, thường dùng cho cụm hộ từ 5 đến 15 gia đình ; hoặc hộ có vườn rộng hay trang trại.
Đối với các hộ gia đình không có đất vườn để đào hố ủ thì vẫn thực hiện phân loại, rác hữu cơ để riêng trong thùng nhựa 18-20 lít để tập trung cho gia đình có đủ điều kiện xử lý theo cụm hộ. Với các hộ có nhu cầu sử dụng phân bón thì có thể dùng thùng nhựa chuyên dùng, loại từ 60- 240 lít có nắp đậy kín và lót đáy, có van xả nước rỉ rác và vật liệu lọc nước rác để làm thùng tái chế rác. Loại thùng này cũng đã có thiết kế ống nhựa có đường kính 60-80 mm, đục lỗ xung quanh ống nhựa này để tạo độ thoáng và cung cấp ô xy cho quá trình phân hủy hữu cơ. Tuy nhiên, với loại thùng tái chế này; cần hết sức chú ý việc bảo đảm ẩm độ khoảng 50%; nếu rác hữu cơ quá khô ta phải bổ sung thêm nước, còn nếu rác quá ướt thì phải cho thêm hữu cơ khô hoặc đất bột khô để điều chỉnh ẩm độ, nếu không thì sẽ bị thối và phân hủy chậm. Nội dung chi tiết cần liên hệ với đơn vị tư vấn để có hướng dẫn cụ thể.
Các hộ gia đình có nhu cầu cần nhiều phân bón hữu cơ và có điều kiện vườn rộng thì cũng có thể tận dụng rác hữu cơ sau phân loại của các hộ không có nhu cầu sử dụng phân bón hoặc không có điều kiện để ủ tại nhà; ngoài ra có thể lấy thêm rơm rạ ở các ruộng lúa, phụ phẩm nông sản như lá cây, cỏ vườn, hoa quả rụng từ các vườn cây, phân gia súc, gia cầm, xác súc vật chết như chuột, gà… để ủ với quy mô lớn hơn. Về kỹ thuật ủ và giải pháp cho vấn đề này cần tham khảo thêm ý kiến của chuyên gia tư vấn cho phù hợp với từng nhu cầu và điều kiện cụ thể.
Trường hợp phân loại tại nguồn chưa tốt hoặc chưa đủ điều kiện phân loại: Lúc này bên cạnh sự vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thì doanh nghiệp dịch vụ môi trường hoặc người thu gom rác nhận dịch vụ môi trường (có thu tiền) sẽ tham gia việc phân loại sau khi thu gom để tổ chức tái chế cùng với lượng rác hữu cơ sau phân loại mà không có điều kiện tái chế tại hộ hay cụm hộ gia đình. Địa điểm phân loại tập trung nên bố trí ở điểm quy hoạch tập kết rác của địa phương, cải tạo có mái che theo hướng dẫn của đơn vị tư vấn sau khi thống nhất với địa phương về điểm tập kết và phân loại cụ thể, gắn với quyền lợi của người sử dụng hữu cơ sau tái chế (làm phân bón hoặc nuôi giun) để tăng thu nhập.
Đối với việc tái chế chất thải hữu cơ tập trung: Ngoài chất thải hữu cơ dễ phân hủy trong rác thải sinh hoạt, ở nông thôn còn có chất thải trong chăn nuôi, chất thải nông nghiệp phát sinh sau thu hoạch hoặc chế biến cũng cần được tái chế. Vì vậy, việc tổ chức điểm tái chế tập trung cho lượng chất thải hữu cơ này là rất cần thiết: tùy vào điều kiện cụ thể ở mỗi địa phương, nên gắn việc tái chế này vào nơi phát sinh nguồn thải hữu cơ lớn như trại lợn hoặc gà nuôi tập trung hoặc nơi quy hoạch bãi chôn lấp rác của địa phương. Cũng có thể bố trí quỹ đất cho doanh nghiệp dịch vụ môi trường làm điểm tái chế chất thải hữu cơ tập trung (theo phương án đầu tư ở quy mô cấp huyện phần phụ lục của đề xuất này). Việc này cần có sự thống nhất với địa phương để có phương án hợp lý, hiệu quả.
Ở những địa phương có nhu cầu trồng cây theo quy hoạch, có thể đào hố xử lý rồi đưa rác hữu cơ sau phân loại vào để ủ cùng chế phẩm, lấp 20 cm đất sau 4-5 tháng thì trồng cây.
Tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trụ sở cơ quan, tổ chức, trường học
- Mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trụ sở cơ quan, tổ chức, trường học bố trí 02 thùng tái chứa thải rắn sinh hoạt (1 chiếc màu xanh dùng để chứa và tái chế rác hữu cơ, 1 chiếc màu vàng chứa rác vô cơ), có nắp đậy, có dung tích từ 240-360 hoặc 660 lít tùy theo khối lượng phát sinh rác thải sinh hoạt hàng ngày của từng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trụ sở cơ quan, tổ chức, trường học.
- Thùng màu xanh chứa và xử lý rác thải hữu cơ dễ phân hủy (riêng loại thùng này có lắp thêm van xả nước rác, lót đáy nhựa, vật liệu lọc nước rác và ống thông khí để cung cấp ô xy cho quá trình ủ rác); thùng màu vàng đựng rác thải không tái chế. Các thùng được đặt ở vị trí thích hợp trong khuôn viên của mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trụ sở cơ quan, tổ chức, trường học.
- Rác thải vô cơ có thể tái sử dụng hay tái chế (không gây ô nhiễm thứ cấp) được tập kết riêng tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trụ sở cơ quan, tổ chức, trường học để bán cho người thu gom hoặc cơ sở tái chế.
Đối với khu vực công cộng
Đối với mỗi khu vực công cộng (chợ, vườn hoa, công viên, bến xe, ...) bố trí các cặp thùng (mỗi cặp thùng: 1 chiếc màu xanh, một chiếc màu vàng), dung tích thùng từ 240 lít đến 660 lít. Tùy thuộc đặc điểm phát sinh khối lượng rác thải sinh hoạt nhiều hay ít của từng khu vực công cộng để bố trí số lượng cặp thùng và dung tích thùng cho phù hợp.
Việc tổ chức thu gom, tái chế lượng rác sau khi phân loại sẽ do đơn vị dịch vụ môi trường cử công nhân môi trường chuyên nghiệp tại địa phương đảm nhiệm.
Đối với trường hợp ủ rác thải hữu cơ tập trung sẽ có hướng dẫn riêng của đơn vị tư vấn sau khi thống nhất với địa phương về địa điểm và quy mô cần tái chế.
Với các trường hợp cố tình không tham gia hoặc chây ỳ không thực hiện việc phân loại rác tại nguồn: sau khi đã vận động, tuyên truyền, hướng dẫn và nhắc nhở thì cần có quy định tăng mức đóng giá dịch vụ môi trường hoặc áp dụng chế tài xử phạt theo quy định hành chính.
2.3. Chọn lựa chế phẩm sinh học và hướng dẫn sử dụng để tái chế rác tại nguồn
Trên cơ sở các chế phẩm sinh học đã được Tổng cục môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận lưu hành cho xử lý chất thải ở Việt Nam, chúng tôi lựa chọn các chế phẩm phục vụ cho mục đích là ủ rác thải sinh hoạt hữu cơ và các loại phế thải hữu cơ khác.
Tiêu chí chọn chế phẩm vi sinh:
+Các chủng giống vi sinh vật được phân loại độ an toàn sinh học cấp độ 1 theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization, 2004).
+Các chủng vi sinh vật có thể hoạt lực enzym cao trong phân cắt cấu trúc xenluloza, hemixenluloza, lignin (Beta-glucanaza, Beta-galactosidaza, Arabinogalactan endo-beta-1,4-galactanaza, Xylanaza, Laccaza, Ruminococcus flavefeciens, R. albus, R. parvum, Bacteroides succinpgenes, Butyrivibrio fibrisolvens, Clostridium cellobioparum, Cillobacterium cellulosolvens,…).
+Chủng vi sinh vật được lựa chọn có khả năng thích nghi cao với điều kiện bất lợi của môi trường (VSV có thể sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ khác nhau), và tính cạnh tranh cao đối với các chủng vi sinh vật tạp nhiễm từ môi trường (sinh trưởng và phát triển nhanh).
Qua thực tế sử dụng, chúng tôi đã chọn được 2 chế phẩm sinh học phù hợp với ủ rác thải sinh hoạt hữu cơ và các loại phế thải hữu cơ khác: Chế phẩm vi sinh BIOADB, chế phẩm vi sinh BIOEM của Viện Môi trường nông nghiệp Việt Nam do Công ty cổ phần thương mại và sản xuất chế phẩm sinh học BIOPHAR cung ứng.
Hướng dẫn sử dụng chế phẩm:
. Chế phẩm sinh học BIOADB ; BIOEM đóng gói 200 gr; chế phẩm đã được Tổng cục môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép lưu hành trong lĩnh vực xử lý chất thải Tại Việt Nam . Chế phẩm có khả năng khử mùi và phân giải mạnh xenlulo, tinh bột, protein, lipit, pectin…chuyển hóa nhanh dinh dưỡng sang dạng dễ hấp thu cho cây trồng, diệt mầm bệnh ( salmonella và E.coli), hạn chế tối đa ruồi muỗi.
Tái chế rác hữu cơ tại hộ, cụm hộ gia đình
Để tiết kiệm cho người dân và thuận lợi cho sử dụng chế phẩm tại hộ gia đình, ta nên dùng 01 thìa chế phẩm( 3-5gr ) với 3 thìa café đường ( 15gr) hòa với 500 ml nước sạch (nên dùng nước đun sôi để ấm) để sử dụng trong 7 ngày (một tuần) cho việc xử lý rác hữu cơ của gia đình có 4 -6 nhân khẩu. Nên đựng chế phẩm đã pha vào trong chai nhựa 500 ml (chai đựng nước khoáng tận dụng) trên nắp chai có đục lỗ để tiện cho việc bơm chế phẩm vào rác hữu cơ hàng ngày sau khi đã phân loại và đưa vào hố tái chế; mỗi lần ta bơm khoảng 30-80 ml chế phẩm đã pha cho 1-3 kg rác hữu cơ trong hố, sau khi bỏ rác hữu cơ và bơm phun chế phẩm nhớ đậy kín nắp để hạn chế mùi hôi và tránh côn trùng xâm nhập vào hố hay thùng tái chế.
Đối với điểm xử lý ở cụm hộ gia đình, lượng chế phẩm nên pha nhiều hơn (theo tỷ lệ trên); nên đựng trong chai nhựa 1,25 lít hoặc nếu có điều kiện thì đựng trong bình xịt 3 – 5 lít để dung cho phù hợp với xử lý lượng rác lớn hơn.
Trên thực tế, sau khi ủ 100 kg rác hữu cơ đầu vào với ẩm độ từ 50-80%, ta sẽ thu được sản phẩm sau 30- 60 ngày ở ẩm độ 30 - 40% là 15-20 kg. Như vậy, một hố xử lý rác có dung tích 150 lít (hố nhỏ có nắp 60 cm), có thể xử lý từ 300 tới 500 kg rác hữu cơ ( 1-1,5 m3) của một hộ gia đình từ 4-6 người trong thời gian 12 tháng; tạo ra 50-100 kg mùn compost hữu cơ làm phân bón hoặc có thể làm thức ăn nuôi giun. Ngoài lượng hữu cơ thu lại từ rác sinh hoạt, ta có thể thu gom để xử lý và tái chế các loại hữu cơ khác như tàn dư thực vật trong vườn (cỏ, lá cây), phân tươi và xác động vật ( chuột, cá, gà, mèo...) mà không sợ gây ô nhiễm môi trường.
Cần lưu ý việc bảo đảm ẩm độ trong quá trình ủ rác: khoảng 50-60%. Nếu rác khô quá ta phải bổ sung thêm nước, nếu rác quá ướt ta phải cho thêm lá cây khô hoặc đất bột khô vào để giảm ẩm. Đặc biệt là ủ rác hữu cơ trong thùng phải chú trọng vấn đề này.
Các hộ gia đình có nhu cầu cần nhiều phân bón hữu cơ hoặc tại nơi tái chế hữu cơ tập trung thì cũng có thể tận dụng rơm rạ ở các ruộng lúa, phụ phẩm nông sản như lá cây, cỏ vườn, hoa quả rụng từ các vườn cây, phân gia súc, gia cầm để ủ với quy mô lớn. Thời gian phân hủy của lá cây, rơm rạ, quả rụng là khoảng 30-50 ngày với điều kiện phải băm nhỏ (bằng máy băm thực vật), trộn thêm phân chuồng tươi, bảo đảm pH, ẩm độ và thường xuyên che đậy kín. Về kỹ thuật cần tham khảo thêm ý kiến của chuyên gia tư vấn cho phù hợp với từng nhu cầu và điều kiện cụ thể. Đương nhiên với khối lượng cơ chất ủ lớn thì ta cần sử dụng thể tích hố ủ và lượng chế phẩm sinh học cao tương ứng.
Khi hố ủ trong vườn đã đầy rác, ta nhấc nắp đậy, rút ống thông khí ra và phủ lên hố một lớp đất khoảng 15-20 cm để rác hữu cơ tiếp tục phân hủy cho hoai hoàn toàn, sau 45 – 60 ngày có thể lấy lên sử dụng để bón cho cây trồng được. Cũng có thể không lấy phân mà để nguyên hố này sau 3 tháng thì trồng cây ăn quả hoặc cây lâu năm trên hố đó, không cần phải bón thêm phân. Để tiếp tục tái chế rác hữu cơ, ta lại đào thêm hố mới và chuyển nắp đậy hố rác và ống thông khí sang cho hố mới này.
Đối với trường hợp ủ trong thùng nhựa chuyên dùng, khi thùng đã đầy thì ta chuẩn bị thùng thứ hai để tiếp tục ủ rác hữu cơ; đậy kín nắp thùng thứ nhất sau 45 - 60 ngày thì lấy mùn hữu cơ ra sử dụng, vệ sinh thùng sạch sẽ để chuẩn bị cho ủ tiếp khi thùng thứ 2 đã đầy.
2.4. Tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sau phân loại
- Đơn vị thu gom, phân loại, sơ chế rác hữu cơ và vận chuyển rác này về nơi tái chế hữu cơ là công nhân môi trường thuộc doanh nghiệp dịch vụ môi trường mới lập.
- Đơn vị vận chuyển rác vô cơ sau phân loại là doanh nghiệp môi trường có phương tiện vận chuyển ép rác chuyên dùng để đưa về nơi xử lý rác của thành phố. Tần suất thu gom loại rác không tái chế này có thể để 15-30 ngày/1 lần (vì rác này không gây ô nhiễm thứ cấp nữa và sau phân loại chỉ còn 1/3 rác so với không phân loại).
Đơn vị dịch vụ môi trường sử dụng xe gom rác đẩy tay (hoặc chạy điện nếu đủ điều kiện) có dung tích 0,4 – 1m3 đi thu gom đến từng hộ dân, đối với các ngõ, ngách hẹp xe không vào được thì đơn vị thu gom bố trí nhân lực, phương tiện phù hợp để thu gom. Nên bố trí để ưu tiên gom rác thải hữu cơ dễ phân hủy sau phân loại mà không thể tái chế tại hộ gia đình và sau đó mới gom rác thải không tái chế. Đối với rác tái chế (nếu có) được công nhân thu gom đựng vào bao tải để bán cho cơ sở tái chế.
de-xuat-thi-diem-phan-loai-tai-che-rac-thai-sinh-hoat-tai-nguon-4
Đôn đốc địa phương triển khai các giải pháp thu gom và xử lý rác thải. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Rác thải sinh hoạt sau thu gom: Ngoài số rác sinh hoạt hữu cơ dễ phân hủy được giữ lại để xử lý tại các hộ gia đình; đối với rác hữu cơ dễ phân hủy chưa được xử lý tại nguồn thì được đơn vị thu gom vận chuyển về nơi tập kết để phân loại, nếu rác hữu cơ đã phân loại rồi thì đưa về khu vực tái chế rác thải hữu cơ tập trung đã thống nhất; đối với rác tái chế thì giữ lại để bán cho đơn vị tái chế; đối với rác không tái chế được thì tập kết riêng để giao cho Công ty môi trường vận chuyển đi chôn lấp tại khu xử lý tập trung.
Căn cứ tình hình cụ thể các địa phương lựa chọn phương án phân loại, thu gom, xử lý cho phù hợp, đảm bảo đúng quy định theo hướng dẫn của đơn vị tư vấn, cán bộ chuyên trách môi trường Xã và doanh nghiệp dịch vụ môi trường.
Chính quyền xã chỉ đạo chung giao cho các tổ chức đoàn thể: Đoàn Thanh niên, Hội CCB, Hội Phụ nữ….tham gia trong công tác phân loại và xử lý rác tại nguồn trong các hộ gia đình, cụm dân cư, trường học, điểm chợ…
Cán bộ môi trường NN và địa chính Xã phối hợp Phòng Tài nguyên môi trường huyện và đơn vị tư vấn tổ chức tập huấn, cấp phát tài liệu, hướng dẫn người dân thực hiện. Với mô hình thí điểm thì cấp chế phẩm, dụng cụ, phương tiện xử lý rác làm mẫu.
Hiệu trưởng các trường Mầm non,Tiểu học phổ cập và xây dựng ý thức cho học sinh phân loại rác, đồng thời tạo mô hình xử lý rác hữu cơ trong vườn thực nghiệm của trường; trồng hoa mẫu, cung cấp giống hoa cho học sinh để nhân rộng.
Tại chợ dân sinh Ban Quản lý chợ vận động tuyên truyền tiểu thương xây dựng ý thức phân loại và xả rác đúng nơi quy định trong chợ (nơi để rác hữu cơ và thực phẩm loại, nơi để rác tái chế, rác vô cơ).
Lĩnh vực trồng trọt trong Nông nghiệp cần lắp đặt thùng chứa rác nguy hai (bao bì thuốc BVTV) và nên xây dựng mô hình xử lý phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch ở những địa bàn phân tán, vừa cung cấp nguyên liệu phân bón cho cây trồng đảm bảo cảnh quan và làm sạch môi trường. Đối với phụ phẩm nông nghiệp tập trung, có khối lượng lớn (Rơm, rạ, thân ngô, thân cây, cành cây…) không được đốt mà tập trung lại để đơn vị dịch vụ môi trường thu gom vận chuyển về khu xử lý chất thải hữu cơ tập trung xây dựng tại địa phương.
2.5. Sản xuất đệm lót sinh học để thu gom, tái chế phế thải chăn nuôi
Đệm lót sinh học là hỗn hợp giữa chất độn hữu cơ (trấu nghiền, mạt cưa, vật liệu hữu cơ khô nghiền nhỏ ...) và men vi sinh hữu ích được dùng để lót nền chuồng trong chăn nuôi. Các vi sinh vật trong đệm lót sẽ phân giải phân, nước tiểu do vật nuôi thải ra và một phần chất độn, nhờ đó hạn chế sinh khí hôi, thối; ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ vi sinh vật có hại. Sau mỗi vụ nuôi, lớp đệm lót sinh học với một lượng lớn các vi sinh vật hữu ích và phân, nước tiểu vật nuôi đã được ủ sơ bộ, có thể tận dụng làm nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ sinh học rất hiệu quả.
Đệm lót sinh học là công nghệ mới trong chăn nuôi, ứng dụng công nghệ này sẽ mang lại những lợi ích sau đây:
- Làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các chất thải được phân giải, từ đó mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, tạo môi trường sống tốt không ô nhiễm.
- Không cần thu phân và rửa chuồng trong quá trình nuôi do đó giảm nhân công, đồng thời tiết kiệm được 80% nước do hoàn toàn không phải tắm hay rửa chuồng chovậtnuôi.
- Giảm tỷ lệ bệnh, đặc biệt là các bệnh đường ruột. Vật nuôi được nuôi trên đệm lót sẽ khỏe mạnh, đồng đều, không bị thối bàn chân, không bị què chân, lông da bóng mượtvàsạch.
- Tăng chất lượng đàn vật nuôi và chất lượng của sản phẩm nhờ khi vật nuôi ăn men vi sinh từ đệm lót sẽ giúp tiêu hóa tốt thức ăn, làm tăng khả năng hấp thu axit amin, qua đó tăng độ mềm, thơm ngon, vị ngọt tự nhiên cho thịt vật nuôi so với chăn nuôi thôngthường.
- Tận dụng làm nguồn phân bón hữu cơ vi sinh sau mỗi vụ chăn nuôi nhờ mật độ vi sinh vật hữu ích dồi dào cùng với lượng phân vật nuôi đã được ủ sơ bộ cùng với lượng các bon từ đệm lót dưới tác dụng của hệ vi sinh vật hữu ích trong đệm lót.
Tuy nhiên, trên thực tế khảo sát tại các trang trại và hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm thì tỷ lệ sử dụng đệm lót sinh học rất thấp; tại các hộ và trang trại chăn nuôi (chủ yếu nuôi gia cầm) thì chỉ rải trấu (chưa nghiền) với lớp mỏng rồi rắc hoặc phun chế phẩm sinh học, không đủ điều kiện để vsv hữu ích phát triển nên không hạn chế được mùi hôi, không ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ vi sinh vật có hại và phân vẫn không phân hủy được. Phân chuồng tươi này lại được gom vào bao tải rồi mặc nhiên lưu hành trên thị trường trôi nổi mà không được quản lý chất lượng. Hiện trạng này vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa gây hại nhiều hơn lợi cho người sử dụng; đó là chưa kể nó còn là nguồn phát tán mầm bệnh và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Đó chính là lý do cần sản xuất đệm lót sinh học tập trung, rồi cung ứng cho các hộ, trang trại chăn nuôi; nhằm bảo đảm kỹ thuật, chất lượng và thu gom đệm lót, kết hợp với rác thải hữu cơ sau phân loại, làm nguyên liệu chế biến phân bón hữu cơ.
Doanh nghiệp dịch vụ môi trường có trách nhiệm xây dựng hệ thống nhà xưởng xử lý các nguồn hữu cơ làm nguyên liệu, phân hữu cơ; đồng thời sản xuất đệm lót sinh học (để làm dịch vụ xử lý môi trường cho chuồng trại chăn nuôi):
+Thu gom vận chuyển trong ngày loại rác hữu cơ sau phân loại không xử lý tại chỗ được tập kết về khu xử lý tập trung.
+Cung cấp đệm lót sinh học đồng thời thu hồi đệm lót cũ về cơ sở xử lý tập trung làm phân bón hữu cơ.
+Rác vô cơ được thu gom vận chuyển khi khối lượng đủ chuyến xe gom tại xã chuyển đưa về xử lý chôn lấp của thành phố, hoặc đốt tại lò đốt rác ở địa phương khi có đủ điều kiện đầu tư và bảo đẩm tiêu chuẩn môi trường.
V. Đề xuất tổ chức thực hiện
Trên cơ sở thỏa thuận giữa Ban thường trực chương trình nông thôn mới của Thành phố Hà Nội với đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ; hai bên thống nhất nội dung hợp tác và phân chia trách nhiệm để bảo đảm sự phối hợp giữa chương trình nông thôn mới và các địa phương cùng các phòng, ban, ngành, đoàn thể của TP Hà Nội với UBND các huyện, xã, làm mô hình thí điểm; cùng chính quyền cơ sở và doanh nghiệp dịch vụ về môi trường do địa phương thành lập mới hoặc chỉ định ở các xã triển khai thí điểm một cách chặt chẽ, từ công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và tổ chức người dân thực hiện phân loại, tạo ra giá trị thu hồi từ rác và tái chế rác thải hữu cơ tại nguồn (hộ hoặc cụm hộ gia đình hay xử lý tập trung).
Việc phân công trách nhiệm này sẽ được hai bên thống nhất trong một bản kế hoạch cụ thể do hai bên thống nhất; phía Ban thường trực chương trình nông thôn mới thành phố Hà Nội sẽ là đầu mối chủ trì, thay mặt chính quyền TP Hà Nội để điều phối hoạt động của các địa phương cấp xã và phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện làm thí điểm với UBND xã thí điểm cùng chính quyền cơ sở và doanh nghiệp dịch vụ về môi trường ở các điểm triển khai thí điểm dự án.

Nguyễn Ngọc Việt
Chuyên gia Môi trường
Giám đốc
Công ty CP Nông nghiệp Hữu Cơ
F20/210 Hoàng Quốc Việt, Q Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội
Tel: (04) 37555.495 - 0913.209201 Email:viethuuco@gmail.com

Nguồn Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Thông tin ngày 15/4 từ Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết một đoàn thám hiểm quốc tế đã phát hiện 22 hang động mới cùng 3 hang động được khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.

Phái đoàn EU tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp AFD vừa phối hợp với UBND huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội thảo khởi động chương trình tăng cường năng lực chống chịu biến đổi khí hậu của 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ.

Để đối phó với nguy cơ lũ và ngập lụt tại các khu vực tập trung đông dân cư ở vùng miền núi Bắc Bộ, TS Lê Viết Sơn cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Quy hoạch thủy lợi đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá rủi ro lũ, ngập lụt và đề xuất các giải pháp phòng tránh, thích ứng cho các khu vực tập trung đông dân cư, đô thị vùng miền núi Bắc Bộ”.

Ban biên tập Chuyên trang Quản lý Môi trường, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 14-2024.