TP.Hồ Chí Minh: Đề xuất cải tạo kênh Hy Vọng và rạch Xuyên Tâm

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/9/2021 | 3:19:54 Chiều

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất bố trí vốn từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho 3 dự án trọng điểm, cấp bách trong đó có Dự án cải tạo kênh Hy Vọng và rạch Xuyên Tâm.

Rạch Xuyên Tâm dài hơn 6,2km và 3 tuyến nhánh dài 2km đi quan quận Bình Thạnh và Gò Vấp, tiếp nhận 40% lượng nước thải sinh hoạt của người dân quận Bình Thạnh, với khoảng 40.000m3/ngày chưa qua xử lý. Từ nhiều năm nay, rạch Xuyên Tâm bị ô nhiễm nghiêm trọng do các loại rác thải, chất thải của hàng ngàn hộ dân sinh sống tại hai bên rạch thải xuống, nhiều đoạn tắc nghẽn dòng chảy, gây ngập nước. Bên cạnh đó, nhiều đoạn kênh đã bị người dân lấn chiếm, xây dựng nhà cửa khiến tắc nghẽn dòng chảy, gây ngập nước. Gần 20 năm nay, người dân khu vực quận Bình Thạnh, Gò Vấp nhiều lần kiến nghị chính quyền thành phố sớm triển khai Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như cải thiện hạ tầng khu vực.
Cải tạo môi trường góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường sống cho người dân. Ảnh: Internet
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã được khởi động từ năm 2002, trải qua nhiều lần thay đổi phương thức đầu tư nhưng đến nay Dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Năm 2002, UBND TP.HCM đã phê duyệt Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm bao gồm việc cải tạo môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác quỹ đất ven rạch với số vốn 123 tỷ đồng, nhưng dự án mới chỉ được dừng ở việc nạo vét một số đoạn kênh. Năm 2015, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đề xuất phương án đầu tư 3.500 tỷ đồng theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Năm 2016, Công ty CP Hà Nội Nghìn Năm đề xuất với UBND TP.HCM được triển khai Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm với vốn đầu tư ban đầu khoảng 5.000 tỷ đồng.
Từ cuộc họp tháng 8/2019, lãnh đạo UBND TP.HCM khẳng định, Dự án này sẽ được đấu thầu công khai. Công ty CP Hà Nội Nghìn Năm hay bất kỳ một doanh nghiệp nào đáp ứng được các tiêu chí đưa ra thì đều có khả năng được làm chủ đầu tư của Dự án. Đầu năm 2021, TP.HCM thống nhất triển khai Dự án cải tạo, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm với tổng vốn đầu tư 9.352 tỷ đồng; kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng của Dự án khoảng 4.800 tỷ đồng, có 2.135 căn nhà bị giải tỏa.
Trong lần phê duyệt mới nhất này, Dự án sẽ bao gồm các hạng mục: nạo vét tuyến rạch Xuyên Tâm dài 6,2km từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật cùng 3 tuyến nhánh dài gần 2km gồm nhánh cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi; làm đường 2 bên; hệ thống thu gom nước thải trên phạm vi 700 ha... Dự kiến, Dự án sẽ khởi công và hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025.
Kênh Hy Vọng thuộc phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM, có vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất và dân cư ở khu vực này. Tuy nhiên, 10 năm qua, kênh Hy Vọng đang bị bức tử và ô nhiễm nghiêm trọng. Lượng rác thải sinh hoạt khổng lồ thải ra khiến khu vực này luôn bị ngập mỗi khi trời mưa. Đặc biệt, tình trạng ngập nước khi trời mưa thường xuyên xảy ra tại khu vực bên ngoài và trong khu vực sân đỗ máy bay, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất.
Dự án cải tạo kênh Hy Vọng đã được TP.HCM chấp thuận chủ trương từ năm 2013, nhưng đến năm 2016, thiết kế cơ sở của Dự án mới được phê duyệt. Đây là dự án thành phần của Dự án "Quản lý rủi ro chống ngập cho TP.HCM”, sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, do nhiều vấn đề chưa thống nhất nên giữa năm 2017, WB thông báo dừng hỗ trợ 400 triệu USD cho Dự án "Quản lý rủi ro chống ngập cho TP.HCM” khiến việc cải tạo kênh Hy Vọng phải dừng lại.
Theo UBND TP.HCM, Dự án cải tạo kênh nhằm đảm bảo khả năng thoát nước cho lưu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cùng khu vực lân cận hơn 51 ha, đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường sống cho người dân khu vực 2 bên kênh.

Bình Minh (T/h)
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh đã phối hợp các cơ quan tại các huyện, thị xã tiến hành kiểm tra chất lượng nước thải sau hệ thống xử lý tập trung của các khu công nghiệp.

Tất cả chúng ta hẳn còn nhớ, cách đây hơn 20 năm, khi nói về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (chảy qua các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh), Ai cũng biết đó là con kênh ô nhiễm bậc nhất TP.HCM với dòng nước đen đặc. Thế nhưng, với quyết tâm thay đổi, từ năm 2002, Dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được thực hiện. Sau gần 10 năm triển khai, tháng 8-2012, công trình này đã khánh thành, đánh dấu sự 'hồi sinh' của dòng kênh suốt bao nhiêu năm 'chết chìm' trong rác. Liệu Hà Nội có thể rút ra bài học gì từ chính câu chuyện này (?!).

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giao Sở KH-ĐT TP chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xúc tiến các thủ tục kêu gọi đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000m³/ngày, Trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2 công suất 130.000m³/ngày, Trạm xử lý nước thải rạch Suối Nhum công suất 65.000m³/ngày nhằm thu gom và xử lý toàn bộ nước thải đô thị khu vực TP Thủ Đức (khu vực II, III).

Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành xây dựng hạ tầng và đưa vào hoạt động 15-20 cụm công nghiệp, thành lập và mở rộng 10-15 cụm công nghiệp.