Doanh nghiệp ở Sóc Trăng phản đối tăng giá xử lý nước thải

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/9/2021 | 4:42:03 Chiều

Sau 6 năm trả phí xử lý nước thải 8.980 đồng/m3, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp An Nghiệp của tỉnh Sóc Trăng sẽ phải chi thêm 3.025 đồng một m3.

Ngày 6/9, lãnh đạo các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong Khu Công nghiệp (KCN) An Nghiệp của tỉnh Sóc Trăng đã phản ứng với quyết định tăng giá xử lý nước thải do Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng ban hành.
Ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Các công ty thủy sản thời gian qua đã cố gắng hoạt động cầm cự nhưng giá xử lý nước thải đột ngột tăng 30% là khó chấp nhận.
Khu công nghiệp An Nghiệp chỉ có một nhà máy xử lý nước thải. Ảnh: Việt Tường.
Chủ một doanh nghiệp thủy sản khác tại KCN An Nghiệp cũng phản ánh với giá xử lý nước thải tăng 30%, mỗi năm chi phí sản xuất phát sinh của công ty này tăng thêm trên 2 tỷ đồng.
Ông Đỗ Ngọc Tài, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết giá xử lý nước thải đột ngột tăng 30% tại Sóc Trăng là bất hợp lý vì hiện nay các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Hiện nay, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trong đó tiền điện phục vụ sản xuất đã được giảm.
"Giá xử lý nước thải muốn tăng phải có lộ trình chứ không thể tăng đột ngột được, nhất là lúc các doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. Trong KCN An Nghiệp chỉ có một nhà máy xử lý nước thải giống như ‘một mình một chợ’. Nếu có thêm nhà máy xử lý nước thải khác sẽ tạo được cạnh tranh và các doanh nghiệp sẽ có sự lựa chọn hơn”, ông Tài nói.
Tháng 7 vừa qua, Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng Phan Vĩnh Tùng ký quyết định ban hành giá dịch vụ thoát nước thải tạm thời trong KCN An Nghiệp. Mức giá được áp dụng 6 tháng, từ ngày 1/8 là 12.005 đồng/m3 đối với nước thải có hàm lượng COD từ 2.000-2.300mg/l.
So với quyết định 292 ngày 30/12/2014 (áp dụng từ 1/1/2015), giá xử lý nước thải do Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng quy định tăng 3.025 đồng/m3.
Sau sự cố gây ô nhiễm vào năm 2020, doanh nghiệp xử lý nước thải trong KCN An Nghiệp xin nâng công suất từ 10.000 m3 lên 20.000 m3/ngày đêm. Ảnh: Việt Tường.
Nói với Zing, Giám đốc Ban quản lý các KCN tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thanh Trong cho rằng việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ thoát nước trong KCN An Nghiệp là đúng vì giá cũ đã áp dụng 6 năm.
"Từ năm 2015 đến nay đã qua 3 kỳ tăng giá nhưng chưa lần nào điều chỉnh được giá xử lý nước thải. Giá này là thấp nhất so với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Trong chia sẻ.

Việt Tường
Nguồn Zingnews

  •  
Các tin khác

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh đã phối hợp các cơ quan tại các huyện, thị xã tiến hành kiểm tra chất lượng nước thải sau hệ thống xử lý tập trung của các khu công nghiệp.

Tất cả chúng ta hẳn còn nhớ, cách đây hơn 20 năm, khi nói về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (chảy qua các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh), Ai cũng biết đó là con kênh ô nhiễm bậc nhất TP.HCM với dòng nước đen đặc. Thế nhưng, với quyết tâm thay đổi, từ năm 2002, Dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được thực hiện. Sau gần 10 năm triển khai, tháng 8-2012, công trình này đã khánh thành, đánh dấu sự 'hồi sinh' của dòng kênh suốt bao nhiêu năm 'chết chìm' trong rác. Liệu Hà Nội có thể rút ra bài học gì từ chính câu chuyện này (?!).

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giao Sở KH-ĐT TP chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xúc tiến các thủ tục kêu gọi đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000m³/ngày, Trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2 công suất 130.000m³/ngày, Trạm xử lý nước thải rạch Suối Nhum công suất 65.000m³/ngày nhằm thu gom và xử lý toàn bộ nước thải đô thị khu vực TP Thủ Đức (khu vực II, III).

Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành xây dựng hạ tầng và đưa vào hoạt động 15-20 cụm công nghiệp, thành lập và mở rộng 10-15 cụm công nghiệp.