Thoát nước Thủ đô khởi sắc trong mùa dịch

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/9/2021 | 5:24:18 Chiều

Trong thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, trên địa bàn TP liên tiếp có mưa lớn tại nhiều khu vực, đặc biệt là các khu đang tiến hành phong tỏa… Tuy nhiên, do đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tình trạng ngập úng kéo dài đã không xảy ra.

Cụ thể:Trong khoảng từ 7 giờ 50 đến 8 giờ 20 ngày 5/9, trên địa bàn TP đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng với lượng mưa đo được từ 22 – 72,2mm. Tuy nhiên, theo nghi nhận, tại các tuyến đường của 39 điểm chốt giữa vùng đỏ với các vùng cam, xanh không xảy ra tình trạng đọng nước, úng ngập, giao thông đi lại thuận lợi. Tại một số tuyến đường như Bùi Xương Trạch, ngõ 126 Vĩnh Hưng, đường Hoàng Mai… có xuất hiện tình trạng đọng nước, song sau khi mưa 15 phút nước cơ bản đã rút hết.

Công nhân thoát nước ứng trực làm nhiệm vụ trong mưa.
Gần đây nhất, trong ngày 8 và đêm 9/9, trên địa bàn TP liên tiếp xảy ra mưa lớn với lượng mưa đo được ở khu vực nội thành từ 92,5mm đến 158 mm - lượng mưa được đánh giá là quá tải với hệ thống thoát nước của Thủ đô. Song, cũng giống như những trận mưa khác, do đã có sự chuẩn bị từ trước, nên tình trạng úng ngập tại các tuyến đường, khu vực phong tỏa như Khương Mai, Nhân Chính, Văn Chương, Văn Miếu… đã không xảy ra, điều này đã và đang góp phần đảm bảo VSMT cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ông Bùi Ngọc Uyên – Phó Trưởng Phòng Đối ngoại Truyền thông, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, để đảm an toàn hệ thống thoát nước, hạn chế tình trạng ngập úng xảy ra với Thủ đô khi có mưa lớn, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc công ty, các đơn vị đã bố trí lực lượng, máy móc ứng trực tại các "điểm nóng” để tua vớt rác tại miệng thu và kịp thời xử lý tình huống có thể phát sinh… nhờ đó, tình trạng ngập úng trong những trận mưa vừa qua đã được cải thiện.

Công nhân thoát nước tranh thủ thời gian giãn cách xã hội để thực hiện các biện pháp chống ngập úng.
Cũng theo ông Bùi Ngọc Uyên, để có được những kết quả trên ngoài sự chủ động, nỗ lực của đơn vị còn có sự "góp sức” của dịch Covi-19. Lý giải về việc này, ông Bùi Ngọc Uyên cho biết, trước đây theo quy định các hoạt động nạo vét cơ giới sẽ không được phép hoạt động trong khung giờ cao điểm. Tuy nhiên, từ dịch Covid-19 bùng phát, TP thực hiện giãn cách xã hội, người dân được yêu cầu hạn chế ra đường, tranh thủ thời gian này, các xí nghiệp phụ trách địa bàn đã tăng cường triển khai các hoạt động nạo vét hệ thống thoát nước… để đẩy nhanh tốc độ tiêu thoát nước khi có mưa lớn xảy ra.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho rằng, dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nhà hàng quán ăn… phải dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19 đã khiến hệ thống thoát nước không phải đối mặt với lượng dầu mỡ phát sinh, điều này khiến việc tiêu thoát nước diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Công nhân thoát nước thu dọn rác thải, dầu mỡ chảy vào các hồ điều hòa.
Từ thực tế trên cho thấy, để đảm bảo an toàn hệ thống thoát nước, hạn chế tình trạng ngập úng có thể xảy ra… nếu chỉ trông chờ vào sự nỗ lực của đơn vị thoát nước là chưa đủ, điều quan trọng nhất là phải ngăn chặn được tình trạng đổ thẳng dầu mỡ chưa qua xử lý vào hệ thống thoát nước.
Trước đó, từ đầu năm 2019, UBND TP đã ban hành Công văn số 510/UBND-ĐT về việc triển khai ứng dụng thiết bị tách dầu mỡ tại các khu vực kinh doanh có phát sinh dầu mỡ trên địa bàn của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội. Theo công văn này, UBND TP giao nhiệm vụ cho Sở TN&MT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý, khắc phục về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phát sinh dầu mỡ trên địa bàn TP.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý vi phạm, đề xuất mức xử phạt nặng đối với chủ cơ sở kinh doanh, dịch vụ xả nước thải chứa nhiều dầu mỡ ra hệ thống thoát nước và môi trường gây ách tắc dòng chảy dẫn đến úng ngập cục bộ và ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai lắp đặt hệ thống tác dầu mỡ tại các nhà hàng, quán ăn… vẫn rất hạn chế. Do đó, đã đến lúc, các lực lượng chức năng cần kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm để đảm bảo an toàn hệ thống thoát nước.

Vân Nhi
Nguồn kinhtedothi.vn

  •  
Các tin khác

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh đã phối hợp các cơ quan tại các huyện, thị xã tiến hành kiểm tra chất lượng nước thải sau hệ thống xử lý tập trung của các khu công nghiệp.

Tất cả chúng ta hẳn còn nhớ, cách đây hơn 20 năm, khi nói về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (chảy qua các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh), Ai cũng biết đó là con kênh ô nhiễm bậc nhất TP.HCM với dòng nước đen đặc. Thế nhưng, với quyết tâm thay đổi, từ năm 2002, Dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được thực hiện. Sau gần 10 năm triển khai, tháng 8-2012, công trình này đã khánh thành, đánh dấu sự 'hồi sinh' của dòng kênh suốt bao nhiêu năm 'chết chìm' trong rác. Liệu Hà Nội có thể rút ra bài học gì từ chính câu chuyện này (?!).

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giao Sở KH-ĐT TP chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xúc tiến các thủ tục kêu gọi đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000m³/ngày, Trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2 công suất 130.000m³/ngày, Trạm xử lý nước thải rạch Suối Nhum công suất 65.000m³/ngày nhằm thu gom và xử lý toàn bộ nước thải đô thị khu vực TP Thủ Đức (khu vực II, III).

Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành xây dựng hạ tầng và đưa vào hoạt động 15-20 cụm công nghiệp, thành lập và mở rộng 10-15 cụm công nghiệp.