Theo dõi và cảnh báo dịch bệnh qua nước thải

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/10/2021 | 11:44:48 Sáng

 Các nghiên cứu khoa học vừa qua chỉ ra rằng, việc theo dõi và cảnh báo dịch bệnh qua nước thải có thể khoanh vùng để phát hiện vi-rút gây bệnh Covid-19, phương pháp này có thể sử dụng để hỗ trợ ứng phó với các dịch bệnh tiếp theo trong tương lai.

tm-img-alt
Cảnh báo dịch bệnh qua nước thải có thể sử dụng để hỗ trợ ứng phó với các dịch bệnh tiếp theo trong tương lai. Ảnh: ITN

Virus gây bệnh Covid-19 lây nhiễm cho nhiều loại tế bào trong cơ thể, bao gồm cả những tế bào trong đường hô hấp và đường ruột. RNA của virus có thể đi vào phân và nước tiểu, và thường xuất hiện trong chất thải này vài ngày trước khi các triệu chứng lâm sàng bắt đầu xuất hiện.

Phương pháp này đã được áp dụng trên nhiều quốc gia. Úc cũng như Canada, Hà Lan, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ hay Israel đều đã thiết lập được hệ thống giám sát quốc gia để phân tích nước thải nhằm tìm dấu vết của vi-rút Covid-19 trong cộng đồng. Ủy ban nghiên cứu về nước của Nam Phi cũng đang thực hiện chương trình thí điểm xét nghiệm Covid-19 qua nước thải trong năm 2021. Năm ngoái, Mỹ cũng bắt đầu chương trình xét nghiệm nước thải tương tự ở cấp bang và cấp quốc gia. Ít nhất 25 nhà máy xử lý nước thải ở và nhiều nhà máy khác đang hợp tác với Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ để tiến hành xét nghiệm phát hiện vi-rút liệu có tồn tại trong nguồn nước thải của họ.

Tuy là một phương pháp rất mới nhưng các nhà nghiên cứu Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm hiệu quả của nó. Ở Hà Nội, nhóm nghiên cứu của TS. Phạm Đức Phúc (Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y tế công cộng & Hệ sinh thái, trường Đại học Y tế công cộng) và TS. Ngô Thị Thúy Hường (Trưởng Nhóm nghiên cứu Hóa Môi trường và Độc học sinh thái, Khoa Công nghệ sinh học, Hóa học và Kỹ thuật môi trường, trường Đại học Phenikaa) đang hợp tác với các chuyên gia Nhật Bản để thực hiện một dự án xét nghiệm tìm chỉ dấu RNA của vi-rút SARS-CoV-2 qua nước thải bằng kỹ thuật RT-qPCR và/hoặc giải trình tự hệ gene (genome sequencing). Năm ngoái một nhóm nghiên cứu ở trường Đại học Xây dựng đã tiến hành các nghiên cứu tương tự nhưng chưa thể tìm ra dấu hiệu của vi-rút trong nước thải.

TS. Phạm Đức Phúc cho biết họ cần phải tìm ra các quy trình lấy mẫu, xử lý mẫu và kỹ thuật xét nghiệm phù hợp với tình hình nội địa. Chẳng hạn, cần thu thập bao nhiêu lít nước thải để phát hiện được chỉ dấu virus, hay tách chiết, chọn hóa chất đầu dò phù hợp để tìm ra chính xác chỉ dấu RNA vì nước thải là hỗn hợp của rất nhiều chất hữu cơ, vô cơ khác nhau.

 

Các kỹ thuật giải trình tự hệ gene có thể giúp phát hiện ra những biến thể của virus để biết tình hình thay đổi của dịch bệnh và cảnh báo về thời điểm dự đoán gia tăng các ca bệnh. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc xét nghiệm xác định chỉ dấu virus gây đại dịch COVID-19 qua nước thải có thể là tiền đề cho những dự án nghiên cứu khác nhằm theo dõi các loại virus gây bệnh truyền nhiễm trên người, gia súc, gia cầm, động vật hoang dã và vi khuẩn mang gene kháng thuốc kháng sinh qua nước thải ở Việt Nam.

Xa hơn, các nhà khoa học hy vọng thông qua chương trình nghiên cứu này có thể tạo ra cơ sở khoa học cho việc đề xuất thiết lập một nền tảng quốc gia về hệ thống giám sát dịch bệnh đa phương bền vững thông qua nước thải tại Việt Nam.

Nguồn Môi trường và Đô thị Việt nam

  •  
Các tin khác

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh đã phối hợp các cơ quan tại các huyện, thị xã tiến hành kiểm tra chất lượng nước thải sau hệ thống xử lý tập trung của các khu công nghiệp.

Tất cả chúng ta hẳn còn nhớ, cách đây hơn 20 năm, khi nói về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (chảy qua các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh), Ai cũng biết đó là con kênh ô nhiễm bậc nhất TP.HCM với dòng nước đen đặc. Thế nhưng, với quyết tâm thay đổi, từ năm 2002, Dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được thực hiện. Sau gần 10 năm triển khai, tháng 8-2012, công trình này đã khánh thành, đánh dấu sự 'hồi sinh' của dòng kênh suốt bao nhiêu năm 'chết chìm' trong rác. Liệu Hà Nội có thể rút ra bài học gì từ chính câu chuyện này (?!).

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giao Sở KH-ĐT TP chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xúc tiến các thủ tục kêu gọi đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000m³/ngày, Trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2 công suất 130.000m³/ngày, Trạm xử lý nước thải rạch Suối Nhum công suất 65.000m³/ngày nhằm thu gom và xử lý toàn bộ nước thải đô thị khu vực TP Thủ Đức (khu vực II, III).

Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành xây dựng hạ tầng và đưa vào hoạt động 15-20 cụm công nghiệp, thành lập và mở rộng 10-15 cụm công nghiệp.