Những người phụ nữ yêu nghề "móc cống"

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/11/2021 | 3:55:47 Chiều

Công việc của họ là nạo vét bùn cống ngang, mương sông, vớt rác trên kênh, ven kênh...Công việc nặng nhọc và độc hại nhưng rất ít trường hợp chị em bỏ việc mà thường gắn bó 10-20 năm.

"Ngày nắng cũng như ngày mưa, nhất là những hôm trời mưa bão, khi mọi người trú trong nhà, chúng tôi càng phải lao ra đường, có mặt tại các hố ga, miệng cống vớt rác, nạo vét bùn trên các kênh mương khơi thông dòng chảy. Công việc vất vả là thế, người đi đường từ xa đã... "bịt mũi” nhưng chúng tôi luôn cảm thấy tự hào vì đã góp phần làm đẹp Thủ đô”.

Đó là lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân Xí nghiệp thoát nước số 1 Hà Nội, một đơn vị có đến 88 trên tổng số 215 công nhân là nữ. Nếu tính toàn Công ty TNHH Nhà nước một thành viên thoát nước Hà Nội, công nhân nữ tại đây chiếm con số khá cao: trên 500 chị em.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Công việc của họ là nạo vét bùn cống ngang, mương sông, vớt rác trên kênh, ven kênh, duy tu, kiểm tra hệ thống thoát nước trên các kênh - một khối lượng công việc không hề nhỏ và kém phần nặng nhọc so với nam giới. Thế nhưng điều bất ngờ là tại Xí nghiệp này chưa bao giờ có trường hợp chị em bỏ việc mà thường gắn bó 10-20 năm. Chị Hiền cũng là một trong những người như vậy. Học xong THPT, được người quen giới thiệu, chị bước vào nghề này từ năm 20 tuổi. Thời gian thấm thoắt trôi, đến nay chị đã có 22 năm gắn bó với nghề, trải qua đủ mọi vất vả của nghề "móc cống” nhưng lúc nào chị cũng rất yêu nghề - "Gia đình tôi không ai phản đối.

Còn bản thân sau những năm tháng gắn bó với công việc và đồng nghiệp tôi không muốn rời xa. Công việc có thể hơi vất vả một chút nhưng bù lại lúc nào cũng vui vẻ, mọi người đoàn kết, thương yêu nhau. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có đầy đủ các chế độ: bảo hiểm, trợ cấp độc hại. Xí nghiệp rất quan tâm đến chị em phụ nữ, chẳng hạn kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 năm nay, xí nghiệp tổ chức cho chị em đi chùa Keo… Tôi nghĩ đó chính là những lý do khiến cho cô nào vào đây cũng muốn ở mãi”.

 

Có lẽ cũng vì suy nghĩ ấy mà chị nhiều năm liền đạt danh hiệu công nhân giỏi cấp thành phố. Công việc vất vả, thời gian dành cho gia đình ít nhưng các con chị vẫn học rất giỏi, một cháu đang học đại học, một cháu học THPT. Bình minh của chị bao giờ cũng là 5h kém, làm tất cả các công việc trong ngày: chợ búa, cơm nước, dọn dẹp rồi lên đường đến cơ quan. Chị bảo: "Ngủ thêm một tí có được gì đâu mà luôn phải vội vàng, hấp tấp”.

Một ngày làm việc của công nhân thoát nước luôn sớm hơn mọi người. 6h30 sáng họ phải nhanh chóng đến các họng thu nước, các tuyến mương, sông để kiểm tra, làm vệ sinh. Với nam giới, điều đó không thành vấn đề nhưng với người phụ nữ, đó là khoảng thời gian vô cùng cần thiết cho việc sắp xếp gia đình một ngày mới: chợ búa, cơm nước, đưa con đi học. Không có cách nào khác, các chị phải dậy sớm hơn, đưa con đến lớp khi trường chưa mở cổng.

Thành phố sau một đêm với thói quen vứt rác bừa bãi, mọi nơi, mọi chỗ của người dân, các miệng cống, kênh mương đều trong tình trạng tràn ngập các loại: đất, đá, sình, bao túi, chai lọ, cần được khơi thông. Với 96,53km cống rãnh, 2.338 ga thu, 2.143 ga thăm, 9,22km mương, 6,486km sông, 7 hồ... thuộc địa bàn quận Ba Đình, phần lớn quận Tây Hồ, một phần quận Hoàn Kiếm, và phần địa bàn Hà Nội phát triển về phía Bắc nhưng chỉ có hơn 200 công nhân nên mỗi người trong một buổi sáng phải tỏa đi nhiều tuyến để kiểm tra, làm vệ sinh sao cho hoàn thành trước giờ thành phố bắt đầu ngày làm việc mới. 7h30, họ lại tiếp tục công việc nạo vét cống ngang, mương, sông.

 
tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Mỗi khi lội xuống những hố ga, kênh mương nước đen sền sệt vớt rác ai cũng nơm nớp sợ giẫm phải kim tiêm, mảnh chai... Dù biết là nguy hiểm nhưng cũng phải làm. Cứ thế, ngày nào cũng như ngày nào, sáng từ 6h30 đến 11h30, chiều từ 14h đến 18h, không kể nắng mưa. Chị Lưu Thị Thu Trà, công nhân vớt rác trên kênh và ven kênh thổ lộ: "Những ngày nắng khá mệt mỏi, còn ngày mưa càng phải lao đi.

Nhiều hôm mưa bão, sấm chớp, phơi mặt giữa đường rất sợ nhưng công việc của mình là làm ngoài trời, sao tránh được. Nhiều người đi qua còn bịt mũi nhưng với chúng tôi... ngửi nhiều thành quen. Mùi hôi thối từ cống rãnh, rác rưởi ám vào đầu tóc, quần áo đã trở thành chuyện bình thường. Bây giờ còn sướng vì có xe máy chứ ngày xưa, hầu hết chị em phải đạp xe có người 10km, người 15km mới đến được cơ quan.

Buổi sáng phải đi từ tinh mơ. Nhất là có con nhỏ thì vất vả lắm, được vài tháng đã phải gửi trẻ, trưa lại tranh thủ đạp về xem con thế nào rồi phải đi ngay. Và đâu có nhiều xà phòng, sữa tắm, dầu gội, trang thiết bị bảo hộ như bây giờ. Về đến nhà vẫn bốc mùi cống rãnh. Nhưng tất cả đều vượt qua được, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Huống chi bây giờ, có xe máy đi ù một phát là đến cơ quan”.

 

2 "con bệnh” phổ biến của công nhân thoát nước là hô hấp và da liễu. Vì làm trong môi trường độc hại và ô nhiễm thường xuyên nên đa số công nhân thoát nước đều không tranh khỏi. Nhưng hiện nay, với trang thiết bị bảo hộ, họ đã tự bảo vệ được chính mình.

Được sự giúp đỡ của các UBND phường, trên các tuyến kênh, Xí nghiệp thường dựng nhà lưu động để công nhân ăn nghỉ qua trưa. Tuy nhiên với các chị em làm công việc nạo vét cống ngang, đa số buổi trưa phải tá túc ở nhà dân. "Nhân dân giúp nhiều lắm. Không có họ thì đến chỗ rửa chân tay cũng không có chứ nói gì đến nghỉ trưa” - chị Hiền cho biết.

Mặc dù khối lượng công việc vất vả nhưng tại đây chưa bao giờ có trường hợp công nhân nữ nghỉ việc. Anh Hoàng Hà, Phó Giám đốc Xí nghiệp tâm sự: Đây là công việc nặng nhọc và độc hại, nói thật là không ai thích làm. Con cái cũng chẳng muốn nói bố mẹ làm nghề... móc cống khi bạn bè hỏi. Nhưng với thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống, trung bình lương công nhân tại đây là trên 4 triệu đồng/tháng nên hầu hết công nhân nữ làm việc tại đây đều muốn gắn bó lâu dài.

Họ còn làm tốt hơn nam giới ở những khâu: chuẩn bị dụng cụ, bảo hộ, đảm bảo vệ sinh an toàn, đồng thời có ý thức trách nhiệm, chăm chỉ, cần cù. Công ty cũng ưu tiên các chị em nhiều hơn: không phải lội xuống mương, hố ga, chỉ đứng bên trên khuân xô bùn, rác theo dây chuyền song cũng khá vất vả. Sau trận lụt lịch sử tháng 11-2008, thành phố và người dân đã có sự quan tâm nhiều hơn đến ngành thoát nước.

Mặc dù thời gian làm việc ngặt nghèo nhưng tôi không hiểu vì sao họ lại sắp xếp công việc gia đình, cơ quan giỏi đến thế. Không có ai bị chồng bỏ mà ngược lại, luôn được chồng con thương yêu, chia sẻ mọi việc trong gia đình. Nhiều cặp vợ chồng còn làm cùng một công việc. Nghe "sếp” nói đến đây, các chị đều xua tay: Là phụ nữ ai cũng làm được hết. Ngược lại, với chúng tôi, được phục vụ chồng con, phục vụ cơ quan, xã hội chính là niềm vui trong cuộc sống. Mình là phụ nữ, bì tỵ làm gì. 

Có lẽ chính vì suy nghĩ và quan niệm sống ấy mà dẫu vất vả nhưng không ai kêu ca, phàn nàn, lúc nào cũng cười tươi rộn rã./.

Bảo My

Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều phương pháp để xử lý nước thải, một trong các phương pháp cho thấy hiệu quả đó là sử dụng tháp Air Stripping. Đây là một công nghệ thích hợp để xử lý nước thải có nồng độ Amoni cao và có các thành phần độc hại khác trong nước thải rỉ rác, chế biến thủy sản, chăn nuôi, sản xuất cao su, sản xuất bột cá…

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Thành phố Hà Nội quyết tâm khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch. Một việc khó và cần nhiều nguồn lực lớn.

Sở Xây Dựng TP.HCM vừa công bố báo cáo kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, cùng kế hoạch thực hiện năm 2024-2025 gửi UBND TP.HCM.