Tìm cách giải cứu dòng sông bị ô nhiễm nặng ở đảo ngọc Phú Quốc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/4/2019 | 4:19:40 Chiều

(Tapchicapthoatnuoc.vn)- Phòng TN-MT huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đề xuất đẩy lượng nước ô nhiễm ra biển, giảm ô nhiễm cho sông Dương Đông.

Những ngày qua, nước tại sông Dương Đông (huyện Phú Quốc) và một số rạch tiếp giáp với sông Dương Đông xảy ra tình trạng ô nhiễm nặng. Trước tình hình trên, phòng TN-MT huyện Phú Quốc đã kiểm tra để xác định nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục.

Theo người dân mấy năm nay Phú Quốc phát triển "nóng" và dòng sông này ngày càng ô nhiễm nặng.

Theo phòng TN-MT huyện Phú Quốc, sông Dương Đông là sông lớn của đảo, là nơi tiếp nhận nước thải sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt chưa qua xử lý của phần lớn khu vực thị trấn Dương Đông và một phần xã Dương Tơ.

Dọc lưu vực sông Dương Đông có trên 300 cơ sở sản xuất, kinh doanh và hơn 10.000 hộ dân sinh sống. Đặc biệt, đây là nơi tập trung đa số cơ sở sản xuất nước mắm của huyện. Sông Dương Đông còn tiếp nhận nước thải của chợ Dương Đông và chợ đêm Phú Quốc.

Sáu tháng mùa mưa, nước sông được đẩy ra biển nhằm hạn chế phần nào ô nhiễm trên sông Dương Đông.

4 tháng đầu năm 2019, Phú Quốc xuất hiện mưa trái mùa nhưng không đủ lớn để đẩy các chất ô nhiễm trên sông ra biển. Do đó, Phòng TN-MT huyện Phú Quốc đề xuất giải pháp tạm thời là nạo vét lượng bùn đáy tích tụ ở các sông rạch, đồng thời, tạo nguồn nước lớn ở khu vực đầu nguồn để thực hiện cơ chế làm sạch tự nhiên, đẩy lượng nước ô nhiễm ra biển.

Cũng theo Phòng TN-MT huyện Phú Quốc, hiện nay đang là mùa khô nên không thể thực hiện phương án xả đập hồ Dương Đông. Vì vậy, phòng Phòng TN-MT huyện Phú Quốc đề xuất đưa nước biển vào thực hiện cơ chế làm sạch cho sông rạch bị ô nhiễm. Điều này có thể gây nhiễm mặn, thay đổi hệ sinh thái ở một số nơi đầu nguồn nhưng có thể giải quyết được tình trạng ô nhiễm trong thời gian ngắn. Vào cao điểm mùa mưa, nước mưa sẽ rửa mặn.

Về giải pháp lâu dài, phòng TN-MT Phú Quốc đề xuất đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho thị trấn Dương Đông, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh về vấn đề xử lý nước thải, đẩy nhanh việc đưa các cơ sở sản xuất nước mắm vào khu công nghiệp tập trung…

Theo vtc.vn

  •  
Các tin khác

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh đã phối hợp các cơ quan tại các huyện, thị xã tiến hành kiểm tra chất lượng nước thải sau hệ thống xử lý tập trung của các khu công nghiệp.

Tất cả chúng ta hẳn còn nhớ, cách đây hơn 20 năm, khi nói về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (chảy qua các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh), Ai cũng biết đó là con kênh ô nhiễm bậc nhất TP.HCM với dòng nước đen đặc. Thế nhưng, với quyết tâm thay đổi, từ năm 2002, Dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được thực hiện. Sau gần 10 năm triển khai, tháng 8-2012, công trình này đã khánh thành, đánh dấu sự 'hồi sinh' của dòng kênh suốt bao nhiêu năm 'chết chìm' trong rác. Liệu Hà Nội có thể rút ra bài học gì từ chính câu chuyện này (?!).

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giao Sở KH-ĐT TP chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xúc tiến các thủ tục kêu gọi đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000m³/ngày, Trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2 công suất 130.000m³/ngày, Trạm xử lý nước thải rạch Suối Nhum công suất 65.000m³/ngày nhằm thu gom và xử lý toàn bộ nước thải đô thị khu vực TP Thủ Đức (khu vực II, III).

Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành xây dựng hạ tầng và đưa vào hoạt động 15-20 cụm công nghiệp, thành lập và mở rộng 10-15 cụm công nghiệp.