Bộ trưởng Trần Hồng Hà khảo sát Nhà máy xử lý nước thải Sóng Thần II

  • Cập nhật: Thứ bảy, 4/5/2019 | 11:10:20 Sáng

(Tapchicapthoatnuoc.vn)- Chiều 2/5, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Bộ trưởng Trần Hồng Hà dẫn đầu đã có chuyến thăm quan, khảo sát Nhà máy Xử lý nước thải Sóng Thần II (thị xã Dĩ An, Bình Dương), thuộc Công ty CP Xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà và đoàn công tác đi thị sát Nhà máy. Ảnh: Việt Hùng
 
Cùng đi với Bộ trưởng có Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Trần Bình Trọng, Chánh Văn phòng Bộ TN&MT Đặng Ngọc Điệp và lãnh đạo một số đơn vị chức năng của Bộ TN&MT và đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, Sở TN&MT tỉnh Bình Dương.

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ TN&MT về quy trình vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Sóng Thần II, ông Huỳnh Uy Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xử lý Nước thải Hằng Hữu Huỳnh cho biết: Mỗi ngày, Nhà máy Xử lý nước thải này tiếp nhận và xử lý hơn 7.000 m3 nước thải của tất các doanh nghiệp đang hoạt động đủ mọi ngành nghề, kể cả dệt nhuộm xả nước thải trong Khu công nghiệp, đảm bảo nước thải sau xử lý tại Nhà máy luôn đạt quy chuẩn môi trường theo quy định của Bộ Y tế và của Bộ TN&MT.
 
ông Huỳnh Uy Dũng
Ông Huỳnh Uy Dũng giới thiệu về Nhà máy với Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Ảnh: Việt Hùng

Cũng theo ông Huỳnh Uy Dũng, Công ty Hằng Hữu Huỳnh đã nghiên cứu thành công quy trình xử lý nước thải thành nước sinh hoạt bằng công nghệ vi sinh, không sử dụng hóa chất, với các ưu điểm chính, gồm: Không có nước thải ra môi trường; nước thải được xử lý để tái phục vụ nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp; không hạn chế mức độ ô nhiễm và lưu lượng xả thải từ các nhà máy; các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp không cần xây dựng nhà máy xử lý nước thải cục bộ; Công ty chịu trách nhiệm trước pháp luật về nước thải sau xử lý.

Báo cáo thêm với đoàn công tác của Bộ TN&MT, ông Nguyễn Hồng Nguyên - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương cho biết: Hiện tại, hệ thống quan trắc nước thải tự động của Nhà máy Xử lý nước thải Sóng Thần II đã được Công ty cho truyền về Sở TN&MT để Sở TN&MT giám sát chất lượng nước thải sau xử lý của Nhà máy này. Hiện Sở TN&MT tỉnh Bình Dương cũng đang hướng dẫn Công ty CP Xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh hoàn tất các thủ tục hành chính theo quy định để sớm đưa Nhà máy đi vào khai thác, sử dụng hiệu quả, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ môi trường của tỉnh Bình Dương.
 
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà kiểm tra khu vực xử lý nước thải tập trung. Ảnh: Việt Hùng

Phát biểu tại buổi khảo sát, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, ông Huỳnh Uy Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh đã có ý tưởng mới, sáng tạo trong việc đầu tư công nghệ cho một Nhà máy xử lý nước thải cho Khu công nghiệp nhưng không xả nước thải ra môi trường.

Bộ trưởng đánh giá cao ý tưởng táo bạo khi xây dựng nhà máy xử lý nước thải Sóng Thần 2 đồng thời ghi nhận sự nỗ lực của Công ty Hằng Hữu Huỳnh trong việc nghiên cứu triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải theo hướng tái sử dụng nguồn nước, duy trì vận hành theo hướng bền vững.

Theo người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cả nước, trước tình trạng nguồn nước đặc biệt là nước ngầm đang dần cạn kiện thì việc Công ty Hằng Hữu Huỳnh xử lý nước thải theo hướng tái tuần hoàn sử dụng nguồn nước là rất quan trọng nhằm góp phần tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường. Bộ trưởng cho rằng, nếu nhà máy vận hành ổn định, chất lượng nước xử lý đảm bảo tiêu chuẩn như ông Huỳnh Uy Dũng cam kết thì đây là mô hình lý tưởng cho việc xử lý nước thải ở tỉnh Bình Dương nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Sở TN&MT Bình Dương cần xem xét tổng thể nguồn nước đầu vào tại Khu công nghiệp Sóng Thần đồng thời đánh giá nguyên lý vận hành cũng như thực tế xử lý. Bộ trưởng lưu ý đến ba tiêu chí: Tiêu chuẩn kỹ thuật, Chất lượng môi trường và Hiệu quả kinh tế trong việc xử lý nước thải của Công ty Hằng Hữu Huỳnh. Nếu mô hình này thực sự tốt sẽ thu hút doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư cho địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng giao Tổng cục Môi trường phối hợp với Sở TN&MT Bình Dương và Công ty Hằng Hữu Huỳnh để đánh giá lại quy trình vận hành Nhà máy, đảm bảo không có sự cố về môi trường, cũng như chi phí xử lý nước thải của của Nhà máy. Từ đó, có một đánh giá toàn diện và có thể xem đây là một mô hình mẫu để công bố trong thời gian tới...

Ngày mai 3/5, theo Chương trình Tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có buổi tiếp xúc cử tri tại Thị xã Phú Mỹ và Thành phố Bà Rịa.
 
Theo baotainguyenmoitruong.vn
  •  
Các tin khác

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Thành phố Hà Nội quyết tâm khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch. Một việc khó và cần nhiều nguồn lực lớn.

Sở Xây Dựng TP.HCM vừa công bố báo cáo kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, cùng kế hoạch thực hiện năm 2024-2025 gửi UBND TP.HCM.

Samsung Electronics, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Hàn Quốc, đã công bố kế hoạch xử lý và tái sử dụng nước thải trong quá trình sản xuất chip bán dẫn.