5 tấn cá chết ở hồ nhận nước thải bãi rác Khánh Sơn: Ô xy dưới ngưỡng

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/9/2019 | 4:17:11 Chiều

(Tapchicapthoatnuoc.vn)- Ngày 9.9, Sở TN-MT TP.Đà Nẵng cho biết kết quả xét nghiệm mẫu nước ở hồ nhận nước thải (nước rỉ rác) từ bãi rác Khánh Sơn, xuất hiện cá chết hàng loạt, cho thấy lượng ô xy dưới ngưỡng cho phép.

Sau trận mưa lớn ngày 31.8, kênh Đa Cô và hồ điều tiết Hòa Phú (P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng), xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt.

Trong các ngày liên tiếp, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải cùng UBND P.Hòa Minh, Phòng TN-MT Q.Liên Chiểu huy động hơn 20 công nhân, cùng các phương tiện ghe vớt xác cá, với khối lượng gần 5 tấn, chủ yếu là cá rô phi đưa lên bãi rác Khánh Sơn chôn lấp.

Khu vực cá chết tập trung nhiều ở hồ điều tiết Hòa Phú, kênh Đa Cô, ngược lên 1 km từ hồ điều tiết Phước Lý về hồ Hòa Phú, đây là nơi nhận nước thải (nước rỉ rác) từ bãi rác Khánh Sơn trước khi đổ ra sông Phú Lộc và ra vịnh Đà Nẵng.

Hiện Sở TN-MT đã chỉ đạo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải phun hóa chất tiêu độc khử trùng, xử lý môi trường khu vực, triệt tiêu mùi hôi bay vào khu dân cư xung quanh.

Vụ 5 tấn cá chết ở hồ nhận nước thải bãi rác Khánh Sơn: Ô xy dưới ngưỡng - ảnh 1

Số lượng xác cá vớt được gần 5 tấn. Ảnh: Nguyễn Tú

Sau khi kiểm tra, Sở TN-MT cho biết kết quả thông số DO (hàm lượng oxy hòa tan) do Trung tâm Quan trắc TN-MT thực hiện tại 2 điểm là kênh dẫn nước Đa Cô và hồ điều tiết Hòa Phú đều thấp hơn giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (DO ≥ 4).
Cụ thể, chỉ số DO mẫu nước trên tuyến kênh Đa Cô trước khi đổ vào hồ Hòa Phú là 1,7 mg/l, chỉ số DO mẫu nước tại hồ Hòa Phú là 1,43mg/l, các chỉ số này không đảm bảo môi trường sống của cá, là một trong các nguyên nhân gây cá chết hàng loạt.
                                                                                 Theo thanhnien.vn
  •  
Các tin khác

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều phương pháp để xử lý nước thải, một trong các phương pháp cho thấy hiệu quả đó là sử dụng tháp Air Stripping. Đây là một công nghệ thích hợp để xử lý nước thải có nồng độ Amoni cao và có các thành phần độc hại khác trong nước thải rỉ rác, chế biến thủy sản, chăn nuôi, sản xuất cao su, sản xuất bột cá…

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Thành phố Hà Nội quyết tâm khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch. Một việc khó và cần nhiều nguồn lực lớn.

Sở Xây Dựng TP.HCM vừa công bố báo cáo kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, cùng kế hoạch thực hiện năm 2024-2025 gửi UBND TP.HCM.