Bố Trạch (Quảng Bình): Bất cập hệ thống thoát nước cao hơn nhà dân

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/8/2022 | 3:36:11 Chiều

Hệ thống thoát nước tại đường giao thông ở thôn Đại Nam 3, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đang thi công. Theo thiết kế, sau khi hoàn thành công trình sẽ cao hơn nhà dân khiến người dân lo sợ ngập úng khi mùa mưa về.

bo trach quang binh bat cap he thong thoat nuoc cao hon nha dan
Hơn 20 hộ dân bị ảnh hưởng bởi sự bất hợp lý của công trình thoát nước này.

Hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng

Phản ánh tới Báo điện tử Xây dựng, các hộ dân ở thôn Đại Nam 3, xã Đại Trạch cho biết: Bắt đầu từ tháng 6/2022, xã Đại Trạch tiến hành thi công xây dựng hệ thống thoát nước tại đường giao thông nông thôn thôn Đại Nam, nhằm khắc phục tình trạng ngập nước. Chủ trương trên được người dân vui mừng ủng hộ. Tuy nhiên, điều mọi người lo lắng là trong quá trình thi công công trình, khi thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, nhiều nhà dân sẽ thấp hơn hệ thống mương thoát nước.

bo trach quang binh bat cap he thong thoat nuoc cao hon nha dan
Người dân kiến nghị tháo dỡ 2 tuyến công trình này hoặc là hạ cốt mương thoát nước để phù hợp hơn với khu dân cư.

Ông Nguyễn Thế Anh cho biết: Đường giao thông nông thôn đưa vào sử dụng hơn 10 năm qua nhưng chưa có hệ thống thoát nước. Do vậy, mỗi lần mưa lớn là ngập đường, gây khó khăn cho người dân khi đi lại. Xã Đại Trạch triển khai xây dựng hệ thống thoát nước tại tuyến đường các hộ dân rất phấn khởi vì đường sẽ đẹp hơn, khang trang hơn, thoát nước tốt hơn. "Nhưng sau khi hệ thống thoát nước hoàn thành, nhà tôi sẽ bị thấp hơn mặt đường khoảng 20cm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình tôi và các hộ dân xung quanh”, ông Thế Anh nói.

Tương tự, chị Đinh Linh Chi cho biết: Chị và các hộ dân rất phấn khởi khi hệ thống thoát nước của tuyến đường được thi công xây dựng. Tuy nhiên, khi được nghe đơn vị thi công giải thích về kỹ thuật và biết được tuyến mương cao hơn mặt đường từ 20-30cm, nhiều chỗ cao hơn nền nhà dân từ 15 - 20cm, khiến nhiều gia đình rất lo lắng. Chúng tôi không đủ kinh phí thi công lại hệ thống thoát nước của gia đình, nền nhà, thậm chí làm lại nhà. Đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu có giải pháp hạ cốt mương thoát nước xuống nhằm khắc phục tình trạng này.

 

Theo ghi nhận của phóng viên, hệ thống thoát nước của tuyến đường đang thi công này dài hơn 400m, rộng 1m, cao khoảng 0,6m. Qua quan sát có thể thấy, kiến nghị của người dân có cơ sở, bởi hiện một số đoạn của tuyến đường này đã đổ bê tông và xây dựng phần móng mương thoát nước, nhiều đoạn cao hơn nền nhà dân, trong đó khoảng 20 hộ dân bị ảnh hưởng.

Cần làm rõ và xử lý bất cập?

Không rõ quá trình khảo sát, thiết kế thi công được tiến hành ra sao, nhưng sau khi một đoạn tuyến hệ thống thoát nước bê tông được hoàn thành, thấy rõ bất cập việc mương thoát nước cao hơn hẳn tuyến đường dân sinh. Hơn nữa, với việc đầu tư xây dựng đến 2 mương thoát nước ở hai bên đường càng làm thu hẹp lại tuyến đường hiện có. Người dân lo lắng và kiến nghị chủ đầu tư điều chỉnh hạ thấp tuyến mương thoát nước.

 
bo trach quang binh bat cap he thong thoat nuoc cao hon nha dan
Nhà thầu thi công hệ thống thoát nước tại nhiều vị trí có chất lượng bê tông chưa đảm bảo.

Trưởng thôn Đại Nam 3 Nguyễn Quang Thống cho biết: Từ khi dự án làm hệ thống thoát nước khởi công, người dân đã nhận thấy sự bất hợp lý về cao độ của mương thoát nước. Do đó, đã có ý kiến đề nghị đình chỉ thi công, tuy nhiên chủ đầu tư là UBND xã Đại Trạch lại không xem xét ý kiến này. Bởi vậy, đến nay, khi hệ thống thoát nước đã hình thành, cao hơn mặt đường giao thông, khiến cuộc sống của trên 20 hộ dân bị ảnh hưởng. Nước thải, nước mưa không thoát được, tích tụ ở giữa đường và dồn ứ vào khuôn viên nhà dân.

Liên quan đến nội dung này, trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Ngõ - Chủ tịch UBND xã Đại Trạch cho biết: Tuyến thoát nước đường giao thông nông thôn thôn Đại Nam 3 nằm trong dự án xây dựng hệ thống thoát nước các tuyến đường xã Đại Trạch do UBND xã Đại Trạch làm chủ đầu tư. Dự án được phê duyệt báo cáo kỹ thuật vào đầu năm 2022 và công trình được triển khai xây dựng từ đầu tháng 6/2022. Theo đó, tuyến đường sẽ được xây dựng mới 02 hệ thống kênh thoát nước có nắp đậy ở hai bên đường.

Tổng mức đầu tư dự án này gần 2 tỷ đồng, do Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Đại An Khang (xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch) nhận thầu thi công. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Bố Trạch quản lý dự án, giám sát thi công.

 

Theo chủ đầu tư, thực trạng mương thoát nước được thi công cao hơn mặt đường giao thông đã được người dân phản ánh. Về sự bất hợp lý này, xã Đại Trạch sẽ tổ chức lấy ý kiến dân cư và xin ý kiến phòng chuyên môn để cho hạ cốt mương thoát nước xuống hoặc có biện pháp khác.



Nguồn baoxaydung.com.vn

  •  
Các tin khác

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều phương pháp để xử lý nước thải, một trong các phương pháp cho thấy hiệu quả đó là sử dụng tháp Air Stripping. Đây là một công nghệ thích hợp để xử lý nước thải có nồng độ Amoni cao và có các thành phần độc hại khác trong nước thải rỉ rác, chế biến thủy sản, chăn nuôi, sản xuất cao su, sản xuất bột cá…

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Thành phố Hà Nội quyết tâm khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch. Một việc khó và cần nhiều nguồn lực lớn.

Sở Xây Dựng TP.HCM vừa công bố báo cáo kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, cùng kế hoạch thực hiện năm 2024-2025 gửi UBND TP.HCM.