Công tác thoát nước thích ứng với biến đổi khí hậu

  • Cập nhật: Thứ bảy, 17/9/2022 | 10:36:40 Sáng

Thời gian gần đây, biến đổi khí hậu, mưa lớn diễn biến phức tạp, khó lường cùng với tiến trình đô thị hóa nhanh dẫn đến tình trạng úng ngập xảy ra thường xuyên hơn tại các đô thị ở Việt Nam.

Việc tìm các giải pháp hợp lý trong công tác thoát nước nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu đang dần trở nên cấp thiết.
Công tác thoát nước thích ứng với biến đổi khí hậu
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội khơi thông hố ga chống úng ngập trên địa bàn quận Long Biên. Ảnh: Nguyễn Quang

Theo Bộ Xây dựng, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu. Thời gian gần đây, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, cực đoan hơn. Trong khi đó, hệ thống thu gom nước mưa của các đô thị được xây dựng nhiều năm và đã xuống cấp; kích thước cống được tính toán chưa bao gồm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Tại Hà Nội, thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, từ đầu mùa mưa 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có gần 10 trận mưa cường độ lớn, lượng mưa trên 100mm, thậm chí có nơi lên tới 180mm/giờ, vượt công suất thiết kế của hệ thống cống thoát nước (70mm/giờ) và 310mm/2 ngày đối với toàn bộ hệ thống, dẫn đến úng ngập xảy ra tại nhiều khu vực, nhất là tại các khu vực trũng thấp, xa nguồn xả.

Tương tự, tại Hải Phòng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thoát nước Hải Phòng Phạm Quang Quỳnh cho hay, hệ thống thoát nước đô thị của Hải Phòng xây dựng đã lâu, được tính toán đáp ứng với lượng mưa trung bình 20mm/giờ, 87mm/3 giờ, chưa tính đến biến đổi khí hậu. Gần đây, lượng mưa trên 100mm xuất hiện thường xuyên hơn, cộng với triều cường và lũ, trong khi cốt nền hiện trạng của thành phố tương đối thấp, vì vậy úng ngập xảy ra thường xuyên hơn khi mưa lớn.

 

Trong khi đó, tại Kiên Giang, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Văn Thanh Khương chia sẻ, Kiên Giang chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu với triều cường, xâm nhập mặn. Đặc biệt, đối với thành phố Phú Quốc, từ một làng chài, 15-18 năm nay đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 54%, song hạ tầng kỹ thuật chưa được quan tâm đầu tư. Hậu quả là, Phú Quốc đã hứng chịu đợt ngập lụt kéo dài tới 4 ngày (năm 2019), ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân...

Bàn về việc ứng dụng các công nghệ thoát nước thích ứng với biến đổi khí hậu, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Việt Anh chia sẻ, hiện nhiều quốc gia vẫn đang sử dụng các biện pháp công trình, kỹ thuật như đầu tư xây dựng tường ngăn lũ, đắp đê hoặc xây dựng hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, giải pháp này còn tiềm ẩn những rủi ro khi hệ thống không đủ sức chống chịu với lũ lụt, nhất là khi lũ lụt nghiêm trọng xảy ra. Do đó, không thể sử dụng một giải pháp đơn lẻ mà phải tích hợp các giải pháp mang tính liên vùng đến các giải pháp chi tiết cho từng dự án phát triển đô thị. Từ các giải pháp cứng gồm kỹ thuật công trình: Bơm, đê, cốt nền, hồ điều tiết, đến các giải pháp mềm như bảo vệ rừng, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân và cả các giải pháp triệt thoái đô thị tại các khu vực chịu ảnh hưởng quá lớn của ngập úng, biến đổi khí hậu và nước biển dâng...

Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Mai Thị Liên Hương cho biết, thoát nước bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về thoát nước, phòng, chống ngập úng, bảo vệ môi trường, tạo cơ sở pháp lý để các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân triển khai những hoạt động đầu tư các dự án thoát nước...

 

Bên cạnh nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nước thích ứng biến đổi khí hậu đang được nhiều nước áp dụng. Trưởng phòng Quản lý thoát nước và xử lý nước thải (Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng) Lương Ngọc Khánh cho hay, Bộ đang đề xuất 2 nhóm giải pháp. Trong ngắn hạn, cần có phương án xử lý tại các tuyến đường dự báo khả năng xuất hiện ngập; thực hiện duy tu, sửa chữa hệ thống thoát nước; kiểm tra, rà soát vận hành các cống kiểm soát triều và trạm bơm thoát nước để tăng khả năng thoát nước... Về lâu dài, cần quy hoạch đô thị, công trình không được tạo ra vùng ngập úng cục bộ; tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ hệ thống các công trình thoát nước theo quy hoạch, kế hoạch; các đô thị cần tăng diện tích và dung lượng chứa nước, hồ điều hòa, cập nhật danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp vào quy hoạch; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành công trình thoát nước.



Nguồn Hà Nội Mới

  •  
Các tin khác

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh đã phối hợp các cơ quan tại các huyện, thị xã tiến hành kiểm tra chất lượng nước thải sau hệ thống xử lý tập trung của các khu công nghiệp.

Tất cả chúng ta hẳn còn nhớ, cách đây hơn 20 năm, khi nói về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (chảy qua các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh), Ai cũng biết đó là con kênh ô nhiễm bậc nhất TP.HCM với dòng nước đen đặc. Thế nhưng, với quyết tâm thay đổi, từ năm 2002, Dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được thực hiện. Sau gần 10 năm triển khai, tháng 8-2012, công trình này đã khánh thành, đánh dấu sự 'hồi sinh' của dòng kênh suốt bao nhiêu năm 'chết chìm' trong rác. Liệu Hà Nội có thể rút ra bài học gì từ chính câu chuyện này (?!).

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giao Sở KH-ĐT TP chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xúc tiến các thủ tục kêu gọi đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000m³/ngày, Trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2 công suất 130.000m³/ngày, Trạm xử lý nước thải rạch Suối Nhum công suất 65.000m³/ngày nhằm thu gom và xử lý toàn bộ nước thải đô thị khu vực TP Thủ Đức (khu vực II, III).

Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành xây dựng hạ tầng và đưa vào hoạt động 15-20 cụm công nghiệp, thành lập và mở rộng 10-15 cụm công nghiệp.