Nguyên nhân ngập úng tại khu vực đường 70, Tây Mỗ, Hà Nội

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/11/2022 | 9:37:00 Sáng

Theo UBND TP Hà Nội, nguyên nhân ngập úng trên đường 70 khu vực Tây Mỗ là do một phần hệ thống thoát nước đã xuống cấp, cùng với đó một bên đường chưa có hệ thống thoát nước.

tm-img-alt
Chợ cóc ven đường 70 qua phường Đại Mỗ

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có Báo cáo trả lời kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 7 HĐND Thành phố khóa XVI. Tại quận Nam Từ Liêm, cử tri phản ánh thông tin về đường 70, đoạn từ UBND phường Tây Mỗ đến Cầu Triền không có hệ thống tiêu thoát nước, thường xuyên ngập úng, ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của nhân dân.

Do đó, cử tri đề nghị thành phố đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước, đồng thời sớm triển khai, thực hiện dự án mở rộng đường 70.

Theo UBND TP Hà Nội, về hiện trạng hệ thống thoát nước trên đường 70, phía bên phải tuyến đã có hệ thống thoát nước. Trong đó gồm đoạn từ số nhà 24 đến ngõ 116 là tuyến rãnh B400 đã được đầu tư từ lâu, hiện đã xuống cấp, thoát kém hướng thoát về mương Đại lộ Thăng Long; đoạn từ ngõ 116 đến Cầu Triền là tuyến rãnh có hướng thoát về phía Ngòi Tùng Khê mới được cải tạo đầu tư năm 2020 do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, hiện thoát nước tốt.

Còn ở bên trái tuyến hiện chưa có hệ thống thoát nước, chỉ có một số điểm thu nước thải tập trung cho các hộ dân đoạn từ ngõ 116 đến Cầu Triền, sau đó thoát vào hệ thống rãnh.

 

Về vấn đề này, trước mắt UBND thành phố Hà Nội đề nghị đơn vị quản lý thoát nước tăng cường duy trì, nạo vét khơi thông hệ thống thoát nước đảm bảo yêu cầu thoát nước đô thị.

Thời gian tới, trong khi chờ tuyến đường 70 đoạn UBND phường Tây Mỗ đến Cầu Triền được đầu tư mở rộng theo quy hoạch, trước mắt đề nghị địa phương phối hợp Sở Xây dựng rà soát, đề xuất danh mục công trình cải tạo hệ thống thoát nước trình UBND thành phố phê duyệt danh mục làm cơ sở triển khai thực hiện.

UBND TP Hà Nội cho biết, những năm gần đây, tình hình phát triển đô thị nhanh, trong khi hệ thống thoát nước đô thị chưa được đầu tư đồng bộ. Một số khu vực có cốt địa hình thấp nên với những trận mưa có cường độ đến 70 mm/h sẽ xuất hiện 11 điểm úng ngập, với lượng mưa đến 100 mm/h xuất hiện 30 điểm úng ngập tại các tuyến phố chính và một số điểm ngập nhỏ lẻ khác tại các ngõ ngách khu dân cư và cục bộ một số đoạn trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ do chưa có hệ thống thoát nước đô thị.

 

Nguyên nhân gây úng ngập được cho bởi các vị trí điểm trũng xa nguồn xả, cao độ nền thấp hơn khu vực xung quanh nên khi mưa lớn, nước chảy theo mặt đường dồn về nhanh gây ra các điểm ngập cục bộ.

Hệ thống thoát nước vận hành theo nguyên lý tự chảy, các nguồn xả, trạm bơm đầu mối hiện nay chưa được xây dựng hoàn thiện đồng bộ theo quy hoạch. Lượng mưa thực tế vượt lượng mưa tính toán và khả năng của hệ thống thoát nước hiện trạng, làm cho hệ thống thoát nước luôn quá tải dẫn đến thời gian tập trung nước vào hệ thống nhanh, gây ra úng ngập cục bộ.

Ngoài ra, quá trình đô thị hóa nhanh nhưng công tác đầu tư hệ thống thoát nước chưa theo kịp đặc biệt khu vực ngoại thành đối với các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ. Hệ thống hồ điều hòa theo quy hoạch còn thiếu, nhiều ao hồ trong nội thành bị thu hẹp diện tích...

 

Thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội sẽ xem xét đầu tư các trạm bơm tiêu thoát nước đô thị, nâng cấp hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, lưu vực Bắc Sông Hồng…

Đồng thời, khảo sát và đề xuất phương án xử lý thoát nước tại một số khu vực hầm chui dân sinh Đại lộ Thăng Long; phối hợp với một số quận, huyện nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng một số hầm chứa nước tại các khu vực trũng thấp.../.


Công Thành



Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh đã phối hợp các cơ quan tại các huyện, thị xã tiến hành kiểm tra chất lượng nước thải sau hệ thống xử lý tập trung của các khu công nghiệp.

Tất cả chúng ta hẳn còn nhớ, cách đây hơn 20 năm, khi nói về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (chảy qua các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh), Ai cũng biết đó là con kênh ô nhiễm bậc nhất TP.HCM với dòng nước đen đặc. Thế nhưng, với quyết tâm thay đổi, từ năm 2002, Dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được thực hiện. Sau gần 10 năm triển khai, tháng 8-2012, công trình này đã khánh thành, đánh dấu sự 'hồi sinh' của dòng kênh suốt bao nhiêu năm 'chết chìm' trong rác. Liệu Hà Nội có thể rút ra bài học gì từ chính câu chuyện này (?!).

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giao Sở KH-ĐT TP chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xúc tiến các thủ tục kêu gọi đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000m³/ngày, Trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2 công suất 130.000m³/ngày, Trạm xử lý nước thải rạch Suối Nhum công suất 65.000m³/ngày nhằm thu gom và xử lý toàn bộ nước thải đô thị khu vực TP Thủ Đức (khu vực II, III).

Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành xây dựng hạ tầng và đưa vào hoạt động 15-20 cụm công nghiệp, thành lập và mở rộng 10-15 cụm công nghiệp.