Đầu tư lớn xử lý nước thải để có dòng kênh xanh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/12/2022 | 2:49:06 Chiều

TP.HCM tập trung đầu tư mạnh vào cải tạo môi trường kênh rạch như giai đoạn 2021 - 2025. Với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 19.280 tỉ đồng, nhiều con kênh hứa hẹn sẽ được trong xanh trở lại.

Người dân kỳ vọng trong tương lai gần, TP sẽ tái hiện được khung cảnh "trên bến dưới thuyền" dọc các hệ thống kênh rạch lớn. Nhưng để đạt được điều này phải xử lý triệt để được nước thải.
Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé chuyển mình
"Đây là một dự án cải tạo dài hơi, chia làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn một đã hoàn tất đưa vào phục vụ người dân từ năm 2011 đến nay. Lúc đó dự án đã giúp cải tạo một phần của tuyến kênh này. Khối công việc của giai đoạn một là tập trung xử lý bao gồm các hạng mục đường ven kênh, cải tạo, nạo vét, kè bờ, làm hệ thống cống bao thu gom nước thải đưa về nhà máy xử lý" - ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, nói về dự án cải tạo kênh Tàu Hủ - Bến Nghé.

Công nhân vớt rác làm sạch nước tại nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG
Cũng theo ông Phúc, hiện nay TP đang tiếp tục giai đoạn hai của dự án để khép kín công đoạn xử lý nước thải. Từ đó sẽ giải quyết được toàn diện môi trường tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé.
Dự án thực hiện bốn mục tiêu chính gồm: tái định cư cho bà con sống vùng ven tuyến kênh; làm các tuyến đường dọc theo kênh bao gồm mảng xanh, bờ kè, đường đi bộ, cảnh quan, chiếu sáng, công viên; chỉnh trang kênh, nạo vét lòng kênh để sau này khai thác du lịch đường thủy và thu gom xử lý nước thải - đây là bước cuối cùng để kênh không còn ô nhiễm do nước thải sinh hoạt xả thẳng ra kênh, như vậy màu xanh dòng kênh sẽ khôi phục
"Năm sau kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt - Nhật, chúng tôi sẽ khánh thành Nhà máy nước thải Bình Hưng giai đoạn hai. Hiện nay giai đoạn một nhà máy cho công suất xử lý nước thải là 146.000m3/ngày đêm, còn giai đoạn hai sẽ là 469.000m3/ngày đêm. Khi giai đoạn hai hoàn thành, toàn bộ kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đến bến Phú Định nước thải sẽ được thu gom lại, như vậy màu xanh dòng kênh sẽ được trả lại", ông Phúc nói.
Ông Phúc cũng cho biết thêm: "Tiếp theo chúng tôi đã được UBND TP giao chuẩn bị giai đoạn ba của dự án. Khi hoàn thành giai đoạn ba chúng ta sẽ có trọn vẹn lưu vực sông vùng trung tâm TP.HCM, đó là kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ sẽ được xử lý nước thải".
Có "thấu hiểu" mới cứu được kênh
Về phần kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, tiến sĩ Phạm Viết Thuận, viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường, cho biết nó có hai nhánh chính và chịu hai chế độ chảy khác nhau. Khi thủy triều lên, nước sẽ chảy từ hướng quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp sang quận 12. Ngược lại, dòng chảy tự nhiên của con kênh này lại theo hướng từ quận 12 về quận Tân Phú và Bình Tân. Vì vậy, muốn giải cứu được con kênh này phải nắm rõ thủy hệ của nó mới đấu nối đưa nước về xử lý hợp lý.
Ngoài ra, theo ông Thuận, cần phải tách rời việc xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Tân Bình ra khỏi dự án, bởi việc xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp hoàn toàn khác. Nếu cứ để nước thải từ Khu công nghiệp Tân Bình hòa chung vào, sẽ không nhà máy nào có thể xử lý nổi.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chờ nhà máy
Dự án vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn một được khánh thành năm 2012. Toàn bộ lượng nước thải được gom vào cống bao hơn 8km đưa về trạm bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Tuy nhiên, do nhà máy xử lý nước thải tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức chưa được xây dựng nên toàn bộ nước thải trên bơm trở lại sông Sài Gòn để pha loãng ô nhiễm.
Cống bao này đi chung với hệ thống cống thoát nước mưa, vì vậy một lượng nước thải hòa lẫn với nước mưa thoát ra ngoài kênh khiến kênh chưa thoát khỏi ô nhiễm. Hiện tại nhà máy này vẫn đang thi công, do đó kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè muốn thoát khỏi ô nhiễm phải chờ nhà máy khánh thành hoạt động.
Xây dựng thêm nhiều nhà máy
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan về triển khai kế hoạch tăng cường phối hợp kiểm soát ô nhiễm kênh Ba Bò và tuyến kênh thoát nước lưu vực suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái giai đoạn 2022-2025.
Cụ thể là dự án nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000m³/ngày, trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2 công suất 130.000m³/ngày, trạm xử lý nước thải rạch Suối Nhum công suất 65.000m³/ngày sẽ được đầu tư xây dựng. Các dự án này hứa hẹn sẽ xử lý được nước thải cho khu Đông TP.


Lê Phan



Nguồn Báo tuổi trẻ

  •  
Các tin khác

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều phương pháp để xử lý nước thải, một trong các phương pháp cho thấy hiệu quả đó là sử dụng tháp Air Stripping. Đây là một công nghệ thích hợp để xử lý nước thải có nồng độ Amoni cao và có các thành phần độc hại khác trong nước thải rỉ rác, chế biến thủy sản, chăn nuôi, sản xuất cao su, sản xuất bột cá…

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Thành phố Hà Nội quyết tâm khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch. Một việc khó và cần nhiều nguồn lực lớn.

Sở Xây Dựng TP.HCM vừa công bố báo cáo kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, cùng kế hoạch thực hiện năm 2024-2025 gửi UBND TP.HCM.