Đường đi của chất thải công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/2/2023 | 2:20:49 Chiều

Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước. Sự phát triển công nghiệp đã kéo theo kinh tế, hạ tầng và tạo việc làm cho hàng triệu lao động song cũng đặt ra không ít thách thức trong xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.

Quản lý, xử lý chất thải công nghiệp (CTCN) theo quy trình, quy định là một trong những giải pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.

Xử lý chất thải công nghiệp thông thường tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Mua bán chất thải như phế liệu
Theo quy định, chất thải rắn công nghiệp phát sinh trong quá trình sản xuất được chia làm 3 nhóm: nguy hại, phải kiểm soát và thông thường. Với mỗi nhóm, chủ nguồn thải đều phải phân loại, sau đó tùy từng nhóm có thể tái chế, tái sử dụng, xử lý hoặc chuyển giao cho đơn vị có chức năng và có giấy phép môi trường xử lý. Trên thực tế, đa phần chủ nguồn thải đều tuân thủ quy trình này, nhưng vẫn còn cơ sở thực hiện chưa nghiêm.
Số liệu thống kê năm 2022 của Sở TN-MT, trung bình mỗi ngày Đồng Nai phát sinh gần 1,3 ngàn tấn CTCN thông thường và hơn 500 tấn chất thải nguy hại. Tỷ lệ thu gom, xử lý đạt 100%.
Dự án được Bộ TN-MT cấp phép công suất 131 tấn/ngày, song thực tế Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 (H.Vĩnh Cửu) chỉ tiếp nhận khoảng 20 tấn/ngày, bằng 15% công suất. DN không hoạt động hết công suất, nguồn lực đầu tư bị lãng phí.
Tổng giám đốc Công ty Thanh Tùng 2 Bùi Xuân Hùng cho biết, công tác quản lý chưa chặt chẽ, nhiều cơ sở chỉ có giấy phép thu mua phế liệu, không có giấy phép môi trường cũng tham gia mua bán CTCN. Khi đó, chỉ những chất thải có giá trị mới được phân loại để bán, còn lại thì tìm cách chôn lấp, đốt. Điều này là không đúng quy định và không công bằng với các DN làm đúng quy trình.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc HTX Tiểu thủ công nghiệp Tấn Thành (H.Xuân Lộc) - đơn vị đang thu gom CTCN trên địa bàn TP.Long Khánh chia sẻ, có nhiều công ty để dành chất thải bán phế liệu, vừa không tốn tiền xử lý, vừa có thêm một khoản thu. Chỉ các chất thải không bán được và rác sinh hoạt mới bàn giao cho đơn vị thu gom, xử lý.
Pháp luật về môi trường khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ xử lý môi trường tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng chất thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, quy định chỉ áp dụng cho chất thải thông thường, còn nhóm chất thải phải kiểm soát và nguy hại thì chủ nguồn thải phải quản lý, xử lý theo quy trình, quy định để giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Giám đốc nhà máy Công ty TNHH Nhựa và hóa chất TPC VINA (H.Long Thành) Nguyễn Đạo Hữu chia sẻ, DN có cả 3 loại CTCN là thông thường, chất thải phải kiểm soát và nguy hại. Công ty đã ký hợp đồng với 3 đối tác khác nhau trong và ngoài tỉnh để xử lý chất thải và ưu tiên lựa chọn những đơn vị được cấp phép xử lý chất thải, có thực hiện tái chế, tái sử dụng trong quá trình xử lý chất thải. Còn quy trình xử lý, tỷ lệ tái chế cụ thể cơ quan quản lý, cấp phép giám sát và đánh giá.
Cần quản lý chặt chẽ các nguồn thải
Tại Đồng Nai, công tác quản lý, kiểm soát CTCN hiện được giao cho Sở TN-MT và Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai. Tuy nhiên, ở hầu hết các báo cáo của 2 đơn vị này không đề cập đến khối lượng phát sinh, quy trình thu gom, khối lượng xử lý mà chỉ nêu tỷ lệ thu gom, xử lý đạt 100%.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) Lê Văn Bình, toàn tỉnh có hơn 1 ngàn DN phát sinh chất thải, quy định hiện hành không yêu cầu phải gửi báo cáo bằng file điện tử, các DN gửi báo cáo bản giấy về đơn vị phải tổng hợp số liệu, dữ liệu rất lâu. Về mua bán chất thải, CTCN thông thường còn giá trị thương mại DN được bán dưới dạng phế liệu, chỉ cần có giấy phép kinh doanh là được phép mua bán.
Theo Sở TN-MT, năm 2022, các DN xử lý CTCN trên địa bàn tỉnh chỉ hoạt động được từ 23-33% so với công suất đã đầu tư. Trong đó, một số dự án như: Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phúc Thiên Long hạng mục xử lý chất thải nguy hại chỉ đạt 3% công suất; dự án của Công ty CP Thương mại Tài Tiến xử lý chất thải thông thường và nguy hại đều đạt dưới 13% so với công suất đã đầu tư.
Lý giải về nguyên nhân các dự án đã đầu tư đạt công suất thấp, Sở TN-MT cho rằng do cạnh tranh của thị trường, các khu xử lý ở các tỉnh, thành lân cận chủ yếu sử dụng công nghệ chôn lấp, giá thành thấp nên ký được nhiều hợp đồng trên địa bàn tỉnh. Quy định của pháp luật chỉ kiểm soát quản lý CTCN đảm bảo môi trường mà không quy định mức giá tối thiểu, giá trần trong xử lý.
Một số DN cho rằng, để hạn chế ô nhiễm môi trường và từng bước phát triển kinh tế tuần hoàn, các cơ quan quản lý địa phương cần thống nhất quy trình và quản lý chặt chẽ nguồn phát sinh chất thải. Cùng với đó, kiểm soát việc cấp phép mua bán phế liệu là CTCN./.




Nguồn Báo Đồng Nai 
  •  
Các tin khác

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều phương pháp để xử lý nước thải, một trong các phương pháp cho thấy hiệu quả đó là sử dụng tháp Air Stripping. Đây là một công nghệ thích hợp để xử lý nước thải có nồng độ Amoni cao và có các thành phần độc hại khác trong nước thải rỉ rác, chế biến thủy sản, chăn nuôi, sản xuất cao su, sản xuất bột cá…

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Thành phố Hà Nội quyết tâm khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch. Một việc khó và cần nhiều nguồn lực lớn.

Sở Xây Dựng TP.HCM vừa công bố báo cáo kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, cùng kế hoạch thực hiện năm 2024-2025 gửi UBND TP.HCM.