Những tồn tại, khó khăn ngành Cấp, thoát nước chờ Luật giải quyết

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/4/2023 | 4:07:21 Chiều

Dự kiến Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước vào tháng 10/2023

Trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật tháng 5/2024, trình Quốc hội cho ý kiến Dự thảo lần 1 vào tháng 10/2024 và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025.
Những tồn tại, khó khăn ngành Cấp, thoát nước chờ Luật giải quyết
Ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật phát biểu.

Được Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ xây dựng Dự thảo Luật Cấp, thoát nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật đã tổ chức Hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý về Dự thảo Đề cương và chính sách cơ bản Luật Cấp, thoát nước tại Đà Nẵng ngày 21/4 và nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp. Trong đó, chủ yếu các ý kiến đều nêu ra những bất cập, khó khăn hiện nay của ngành Cấp, thoát nước do quy định pháp luật vừa thiếu, vừa yếu, chồng chéo vì chưa có luật chuyên ngành điều chỉnh nên việc đầu tư, xây dựng, quản lý gặp nhiều vướng mắc, doanh nghiệp không mặn mà.

Theo ông Lê Thế Chủ (Công ty Cổ phần Cấp, thoát nước Bình Định): Hiện nay, Điều 45 Nghị định 117/2007 quy định về thời hạn ngừng dịch vụ cấp nước nếu phát hiện khách hàng sử dụng nước không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền nước, vi phạm các quy định của Hợp đồng dịch vụ cấp nước là sau 5 tuần kể từ khi có thông báo đến khách hàng sử dụng nước về việc ngừng dịch vụ cấp nước; thời hạn này là 10 tuần đối khách hàng sử dụng nước không thực hiện nghĩa vụ thanh toán do có lý do khách quan đã được thông báo trước cho đơn vị cấp nước.

Nhiều khách hàng lợi dụng kẽ hở này tiếp tục sử dụng số lượng nước rất lớn với số tiền nước có thể lên đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng sau khi công ty thông báo về việc ngừng cung cấp nước do phát hiện hành vi vi phạm của khách hàng nhưng công ty không thể ngừng cung cấp dịch vụ ngay mà phải chờ hết thời hạn kể trên. Mặt khác, thế nào là vi phạm do "lý do khách quan”, thế nào là lý do hợp lý cần phải được làm rõ nếu không thì rất khó áp dụng trong thực tế, khó khăn trong quản lý và thất thoát cho ngân sách.

 
Những tồn tại, khó khăn ngành Cấp, thoát nước chờ Luật giải quyết
Quang cảnh Hội thảo.

Hoặc khi xảy ra cháy, kinh phí sử dụng nước phục vụ công tác PCCC lấy từ hệ thống cấp nước sạch, bể nước PCCC tập trung phục vụ công tác PCCC được chi trả từ ngân sách địa phương trên cơ sở xác nhận của cơ quan Cảnh sát PCCC và đơn vị cấp nước.

Trên thực tế, mặc dù có xác nhận khối lượng sử dụng nước vào mục đích PCCC của đơn vị PCCC nhưng khi yêu cầu địa phương thanh toán thì họ kêu không có tiền, thủ tục rất phức tạp và thực tế thường không thu hồi được số tiền nước này.

Theo ông Lê Thế Chủ, những vấn đề bất cập này cần phải được tính toán kỹ và thay đổi, quy định cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng trong Luật Cấp, thoát nước khi xây dựng.

 

Ông Hồ Minh Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng góp ý cho Dự thảo Luật Cấp, thoát nước: Ông thống nhất với 5 chính sách Cục Hạ tầng kỹ thuật đề ra trong Dự thảo Đề cương. Tuy nhiên, ông Hồ Minh Nam cho rằng, để phù hợp điều kiện ngành cấp, thoát nước chúng ta phải có quy hoạch chuyên ngành về cấp, thoát nước cho tất cả các đô thị, việc này cần phải được cụ thể hóa vào trong luật. Vì khi có quy hoạch chuyên ngành thì mới xác định được vị trí nhà máy, vị trí nguồn nước và vị trí tuyến ống. Từ quy hoạch chuyên ngành tiến tới phân vùng quản lý cho từng đơn vị cấp, thoát nước, từ đó tránh được việc 1 vùng, 1 khu vực có tới 2 đơn vị cấp, thoát nước sẽ dẫn tới chồng chéo.

Đối với đơn vị được giao cấp, thoát nước tại vùng nào thì phải xây dựng được kế hoạch đầu tư, phát triển hệ thống, hạ tầng cấp, thoát nước theo quy hoạch vùng và phải xây dựng kế hoạch cấp, thoát nước an toàn và trình chính quyền địa phương rồi sau đó mới được thực hiện hoạt động đầu tư, xây dựng dự án cấp, thoát nước, việc này cũng phải được cụ thể hóa trong luật.

Những tồn tại, khó khăn ngành Cấp, thoát nước chờ Luật giải quyết
Ông Hồ Minh Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng phát biểu góp ý Dự thảo.

Vấn đề thứ 2 ông Hồ Minh Nam chia sẻ, việc xã hội hóa hoạt động cấp, thoát nước là rất cần thiết nhưng riêng đối với việc cấp nước thì Nhà nước cần nắm quyền chi phối vì nước hiện nay đã được coi là tài nguyên quốc gia.

 

Ngoài ra, theo ông Hồ Minh Nam cần phải miễn tiền thuê đất cho đơn vị hoạt động cấp thoát nước, cho phép điều chỉnh giá nước 3 năm 1 lần thì mới thu hút được doanh nghiệp.

Thực tế vẫn đang tồn tại khái niệm nước sạch nông thôn và nước sạch đô thị, ông Hồ Minh Nam cho rằng trong Luật tới đây cần bỏ sự phân biệt này mà thống nhất chung là nước sạch áp dụng cho cả thành thị, nông thôn.

Đồng quan điểm với ông Hồ Minh Nam, ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho rằng, nên lập quy hoạch chuyên ngành về cấp, thoát nước. Theo ông Võ Tấn Hà, thực tế chỉ ra rằng, đối với các đô thị nhỏ, chỉ có 1 nhà máy cấp nước thì dễ quản lý, nhưng nếu có tới 2 nhà máy thì sẽ rất nan giải vì nếu không có quy hoạch chuyên ngành thì không kiểm soát được, không phân vùng được cho nhà máy nào, hoạt động ở khu vực nào, dẫn đến chồng chéo, hoạt động đầu tư không hiệu quả từ đó rất khó để xã hội hóa, thu hút đầu tư.

Những tồn tại, khó khăn ngành Cấp, thoát nước chờ Luật giải quyết
Ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng phát biểu.

Làm rõ hơn bất cập nếu tách khái niệm nước sạch nông thôn và nước sạch đô thị, ông Võ Tấn Hà chia sẻ câu chuyện thực tế tại Đà Nẵng đang diễn ra, khi công ty nước sạch đặt tại đô thị nhưng cung cấp cho vùng nông thôn thì không thể thu tiền giá nước sạch đô thị hoặc ngược lại, công ty nước sạch đặt tại vùng nông thôn nhưng cung cấp cho đô thị thì được thu tiền theo giá nước sạch đô thị.

Ông Võ Tấn Hà cho rằng, việc thiếu quy hoạch chuyên ngành cấp, thoát nước hiện nay có thể chưa gặp phải nhiều vấn đề nhưng tương lai chắc chắn sẽ gặp, cần phải tính trước, dự liệu và đưa vào Luật.

Ông Hà Văn Thành, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho rằng, theo quy định hộ gia đình cần phải xử lý nước thải sơ bộ trước khi thải vào hệ thống thu gom nhưng thế nào là xử lý sơ bộ thì chưa có quy định rõ ràng; việc quản lý hạ tầng thoát nước như thế nào; việc cổ phần hóa công ty cấp, thoát nước cũng cần phải nghiên cứu, định hướng rõ trong Luật bởi vì việc cấp, thoát nước có đặc thù riêng liên quan đến an ninh tài nguyên nước.

Việc quản lý thoát nước của các cơ sở sản xuất, hộ gia đình thì vị trí đấu nối, phương án đấu nối, chất lượng nước đầu vào rất quan trọng phải quy định rõ ràng, việc thoát nước thải và nước mưa phải tách biệt riêng, nước thải thì thu gom vào hệ thống để xử lý còn nước mưa thì thải ra sông hồ để công tác quản lý được hiệu quả.

Những tồn tại, khó khăn ngành Cấp, thoát nước chờ Luật giải quyết
Ông Hà Văn Thành, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng.

Hay như việc tính chi phí khi xử lý nước thải mà người dân sử dụng nước ngầm được tính như thế nào cũng là vấn đề khó khăn bởi không kiểm soát được lượng nước đầu vào thì không có cơ sở tính được lượng nước đầu ra nên không thể tính được chi phí xử lý nước thải; hoặc việc quản lý hạ tầng thoát nước chưa được quy định rõ ràng; việc cổ phần hóa ngành Thoát nước hiện rất khó khăn, có tính đặc thù, còn nhiều bất cập nên cũng nên xem xét quy định vào Luật cụ thể.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cấp, thoát nước Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật: Cần đưa vấn đề đầu tư xây dựng vào luật là 1 trong những nhóm vấn đề chính. Vấn đề đầu tư trong lĩnh vực cấp nước được điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, từ đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, kinh doanh thu lời điều chỉnh theo cơ chế thị trường hoặc theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Còn đầu tư trong lĩnh vực thoát nước lại khác, thoát nước thì đầu tư 100% từ nguồn ngân sách, áp dụng cơ chế đấu thầu hoặc chỉ định, khi hỏng hóc, bảo trì thì lại là trách nhiệm Nhà nước. Phân tích như vậy để thấy rằng, riêng vấn đề về đầu tư, xây dựng về cấp, thoát nước phải được trú trọng, quan tâm khi xây dựng Luật Cấp, thoát nước.

Những tồn tại, khó khăn ngành Cấp, thoát nước chờ Luật giải quyết
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cấp, thoát nước Việt Nam.

Về quy hoạch chuyên ngành cấp, thoát nước, theo ông Trần Anh Tuấn đối với cấp nước thì nên có quy hoạch chuyên ngành cấp tỉnh, còn thoát nước thì dùng quy hoạch thủy lợi tưới tiêu vì vấn đề thoát nước không thuần túy là xử nước thải mà còn phải xử lý thoát nước mưa. Đối với đô thị loại III trở lên phải lập quy hoạch chuyên ngành về cấp, thoát nước vì đô thị loại III là thành phố trực thuộc tỉnh, có quy mô dân số tương đối lớn.

Về vấn đề kinh phí để lập quy hoạch chuyên ngành, ông Tuấn cho rằng nên chăng giao trách nhiệm lập quy hoạch cho các đơn vị được giao vùng, phạm vi của vùng cấp nước trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt bởi vì chưa chắc các địa phương đã có ngân sách để thực hiện quy hoạch chuyên ngành cho cấp nước.

Một số vấn đề khác như chất lượng nguồn nước; vấn đề di dời đường ống cấp nước khi đã được đầu tư, xây dựng đúng quy hoạch thì nhà nước phải hỗ trợ để gỡ khó cho doanh nghiệp và cũng là để tránh tăng giá thành khi bán tới tay người dân… cũng phải được dự liệu trước và đưa vào Luật.

Những tồn tại, khó khăn ngành Cấp, thoát nước chờ Luật giải quyết
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật đặt vấn đề, hiện nay nhiều ngành, lĩnh vực đã có luật như xăng dầu, điện lực và đã giải quyết rất tốt nhiều vấn đề của ngành. Khi Luật Cấp, thoát nước ra đời sẽ điều tiết những vấn đề đang tồn tại, khó khăn của ngành. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia ngành này.

Việc sớm xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Cấp, thoát nước cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của cử tri cả nước, Quốc hội và Chính phủ. Tới đây, Cục sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, xin ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân trên cả nước nhằm xây dựng Dự thảo Luật Cấp, thoát nước đúng tiến độ, hiệu quả cao và giải quyết tốt nhất những vấn đề đang tồn tại của ngành này.



Nguồn Báo Xây Dựng

  •  
Các tin khác

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Thành phố Hà Nội quyết tâm khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch. Một việc khó và cần nhiều nguồn lực lớn.

Sở Xây Dựng TP.HCM vừa công bố báo cáo kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, cùng kế hoạch thực hiện năm 2024-2025 gửi UBND TP.HCM.

Samsung Electronics, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Hàn Quốc, đã công bố kế hoạch xử lý và tái sử dụng nước thải trong quá trình sản xuất chip bán dẫn.