Xử lý vụ nước hôi thối từ hồ nuôi tôm xả thẳng ra biển trước 30.8

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/8/2021 | 9:04:59 Sáng

Chính quyền địa phương đã có chỉ đạo liên quan đến phản ánh của báo Lao Động việc các hồ nuôi tôm ven biển xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) ngang nhiên vi phạm, không đảm bảo hệ thống thu gom, hồ lọc xử lý nước thải mà xả thẳng ra biển.

Video về sự việc. Thực hiện: H.L
Ngày 16.8 UBND huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) cho biết, vừa có công văn chỉ đạo liên quan đến phản ánh của báo Lao Động về thực trạng nước thải từ các hồ tôm xả thẳng ra biển.
UBND huyện Lệ Thủy khẳng định, thông tin phản ánh là đúng sự thật. Thời gian qua người dân, cử tri cũng đã nhiều lần phản ánh về thực trạng trên địa bàn các xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi tôm của các cơ sở nuôi chưa được quan tâm, chú trọng, hệ thống xử lý nước thải xuống cấp, nước thải xử lý chưa đảm bảo quy định, làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh khu vực, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
xu-ly-vu-nuoc-hoi-thoi-tu-ho-nuoi-tom-xa-thang-ra-bien-truoc-308-1Các ống xả thải từ hồ tôm chảy thẳng ra biển, gây ô nhiễm. Ảnh: HL
Theo đó, để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, đảm bảo hoạt động nuôi tôm không ảnh hưởng đến môi trường, UBND huyện Lệ Thủy yêu cầu các cơ sở, hộ gia đình nuôi tôm trên địa bàn khẩn trương nâng cấp, sửa chữa, khắc phục các công trình bảo vệ môi trường như hệ thống thu gom nước thải, bể xử lý nước thải; vận hành quy trình xử lý nước thải theo đúng hồ sơ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi thải ra môi trường; thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi tôm trên cát.
Đồng thời yêu cầu báo cáo giám sát môi trường định kỳ 6 tháng/lần theo đúng quy định, nộp về UBND huyện qua Phòng TNMT trước 30.8.2021.
UBND huyện khẳng định, trường hợp các cơ sở nuôi tôm, các hộ gia đình, cá nhân không thực hiện thì UBND huyện xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
UBND huyện cũng chỉ đạo UBND các xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường đối với hoạt động nuôi tôm trên cát; đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động nuôi tôm trên cát của các cơ sở hộ gia đình đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý các trường hợp vi phạm.
Yêu cầu báo cáo tình hình thực hiện về UBND huyện qua Phòng TNMT trước ngày 5.9.2021; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở, hộ gia đình trong hoạt động nuôi tôm.
Giao Phòng TNMT huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi tôm; theo dõi, đôn đốc UBND các xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy trong quá trình thực hiện và tổng hợp báo cáo UBND huyện được biết để chỉ đạo.
Như báo Lao Động đã thông tin, mặc dù đã được Sở TNMT tỉnh Quảng Bình yêu cầu xử lý nhưng phần lớn các hồ nuôi tôm ven biển xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy) vẫn ngang nhiên vi phạm, không đảm bảo hệ thống thu gom, hồ lọc xử lý nước thải mà xả thẳng ra biển.
xu-ly-vu-nuoc-hoi-thoi-tu-ho-nuoi-tom-xa-thang-ra-bien-truoc-308-2Nước thải khiến môi trường bốc mùi hôi thối. Ảnh: H.L
Theo quan sát của báo Lao Động, tại khu vực biển làng Tân Hòa (xã Ngư Thủy Bắc) có hàng chục ống dẫn nước thải từ các hồ nuôi tôm được dẫn ra tận tới biển, một số khác được xả xuống ngay các khe do người nuôi tôm đào hoặc các khe nước đã cạn từ lâu, tạo thành một dòng chảy đen ngòm chạy thẳng ra biển.
Trong đó có nhiều ống xả có đường kính lớn lên tới 20cm. Đáng nói hơn, không chỉ xả ra biển, nhiều ống xả thải còn được đào sâu vào đất, chôn vùi dưới cát và không ai biết nó dẫn đi đâu cả.
Tại đây, nước xả thải có màu nâu đậm, thậm chí là màu đen và xanh lục, bốc mùi xuất phát từ các hồ nuôi tôm theo các ống dẫn chảy ra khe nước gần đó rồi đổ thẳng ra biển.
Theo quan sát, đoạn bờ biển nơi các hồ tôm xả thải có cát màu đen bị vấy bẩn từ lâu, chảy ra từ các khe nước gần đó, nước biển gần bờ tại đoạn này cũng có màu vẩn đục. Các ống xả thải dẫn thẳng ra biển cũng được gia cố bằng các cọc nhọn dày đặc, gây mất cảnh quan cũng như nguy hiểm cho người dân mưu sinh ở khu vực này.

Lê Phi Long
Nguồn Báo Lao Động

  •  
Các tin khác

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều phương pháp để xử lý nước thải, một trong các phương pháp cho thấy hiệu quả đó là sử dụng tháp Air Stripping. Đây là một công nghệ thích hợp để xử lý nước thải có nồng độ Amoni cao và có các thành phần độc hại khác trong nước thải rỉ rác, chế biến thủy sản, chăn nuôi, sản xuất cao su, sản xuất bột cá…

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Thành phố Hà Nội quyết tâm khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch. Một việc khó và cần nhiều nguồn lực lớn.

Sở Xây Dựng TP.HCM vừa công bố báo cáo kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, cùng kế hoạch thực hiện năm 2024-2025 gửi UBND TP.HCM.