Nông dân “chết” vì bãi rác Đa Phước: Yêu cầu xử lý dứt điểm cho nông dân
- Cập nhật: Thứ năm, 3/3/2016 | 9:47:47 Sáng
(tapchicapthoatnuoc.vn) - Trước việc nguồn nước của sông Rạch Chiếc bị ô nhiễm ảnh hưởng lớn đến việc nuôi trồng thủy sản của nông dân sống lân cận Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (bãi rác Đa Phước ở TP.HCM), Dân Việt ghi nhận nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá lại tác động môi trường nơi đây và có biện pháp xử lý gấp rút nếu bãi rác Đa Phước xả thải ra sông.
Ông Nguyễn Văn Phụng - Bí thư Huyện ủy Bình Chánh:
Nếu xả thải thì phải bồi thường
Tôi ủng hộ nông dân, nếu họ bị thiệt hại thì phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Theo tôi, việc người dân ở xã Phong Phú, Đa Phước có cá, tôm chết thì phải gấp rút tìm ra nguyên nhân. Cụ thể, cơ quan chức năng phải đi lấy mẫu nước xét nghiệm với 3 bên: công ty, người dân và chính quyền. Nếu tôm, cá chết vì nguồn nước ô nhiễm do bãi rác Đa Phước xả thải thì phải bồi thường chứ không có chuyện hỗ trợ nông dân. Chúng tôi cũng đã biết chuyện nông dân bị thiệt hại cá, tôm ở 2 xã Phong Phú và Đa Phước vào cuối năm 2015 và có ý kiến với chính quyền địa phương và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước tìm cách giải quyết sớm cho nông dân.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng (xã Phong Phú) đang lo lắng trước vụ thả tôm giống
bởi nguồn nước ô nhiễm. Ảnh: T.Đ
Ông Trần Trường Sơn - Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM:
Hội sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi nông dân
Tôi sẽ lập tức làm công văn gửi Hội ND huyện Bình Chánh tìm hiểu tình hình cá, tôm chết thời gian qua tại xã Phong Phú và Đa Phước. Nếu thật sự Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước có xả thải gây ô nhiễm nguồn nước thiệt hại nguồn thủy sản của bà con, chúng tôi sẽ có văn bản kiến nghị gửi đến Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, các cơ quan chức năng của thành phố, như: Sở TNMT, Sở NNPTNT… để đánh giá lại tác động môi trường của bãi rác Đa Phước.
Nếu thật sự bãi rác xả thải gây ô nhiễm nguồn nước thì nông dân có quyền kiện để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Hội ND thành phố sẽ làm đại diện cho nông dân để bảo vệ quyền lợi của họ.
Luật sư Nguyễn Văn Đức - Đoàn luật sư TP.HCM:
Cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra
Tôi cho rằng phản ánh của người dân về bãi rác này là cơ sở để các cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ vụ việc. Các cơ quan quản lý môi trường cần phải lấy mẫu nước để phân tích, giám định xem có phải nguyên nhân dẫn đến thiệt hại của nông dân là do ô nhiễm nguồn nước, do việc xả thải của bãi rác gây hay không. Nếu trường hợp phát hiện được việc xả thải gây thiệt hại cho người dân thì các cơ quan như thanh tra môi trường, cảnh sát môi trường cùng chính quyền địa phương cần phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đây là việc làm cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, cũng như tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường và những hệ lụy do bãi rác này gây ra.
Theo Dân Việt
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.