Xả thải trực tiếp ra biển rất nguy hiểm, không sửa chữa được nếu có sai lầm

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/5/2016 | 2:35:49 Chiều

(capthoatnuocvietnam.vn) - Tại buổi tọa đàm “Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức sáng nay 10-5, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho rằng, việc xả thải trực tiếp ra biển là “rất nguy hiểm, không sửa chữa được nếu có sai lầm”.

Đề cập đến vấn đề xả thải của Formosa, GS Đặng Hùng Võ đồng tình với Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà về việc không cho phép Formosa đặt đường ống xả thải ngầm ra biển và bình luận: “Việc xả thải cắm thẳng ra biển có được giám sát hay không giám sát trong quá trình xây dựng? Sở TN-MT Hà Tĩnh phải nắm được việc này. Rõ ràng câu chuyện kiểm soát ở đây đang có thiếu sót. Chuyện chấp nhận đường ống xả thải ra sông Quyền và đường ống xả thải ra biển là hai tư duy hoàn toàn khác nhau. Xả ra biển nguy hiểm hơn xả thải ra sông Quyền. Xả thải trực tiếp ra biển là nguy hiểm hơn, không dừng được nếu có sai lầm”.

GS Đặng Hùng Võ nói: “tham nhũng môi trường hôm nay 1 đồng thì vài chục năm sau chúng ta phải trả hàng tỉ đồng. Tham nhũng trong môi trường sẽ để lại hậu quả cực kỳ lớn, con cháu chúng ta phải trả giá”.

GS Đặng Hùng Võ kiến nghị, nên thiết lập hệ thống kiểm soát, thanh tra, kiểm tra đồng bộ, chịu sự giám sát của cả cơ quan nhà nước, người dân và các tổ chức xã hội dân sự.

Chỉ ra những thiếu sót trong hệ thống pháp luật như quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chưa bao gồm quy hoạch môi trường, chưa có quy định về giám sát môi trường của người dân, GS Đặng Hùng Võ nêu kiến nghị bổ sung một điều vào Luật Bảo vệ môi trường mới được thông qua về giám sát của người dân trong lĩnh vực môi trường.

Cũng tại cuộc tọa đàm này, ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cho rằng, việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường của Việt Nam là đã kịp thời và đầy đủ. "Có những tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam áp dụng cao hơn các nước và rất khắt khe, chẳng hạn như tiêu chuẩn khí thải SO2 là rất cao, không phải thấp, yêu cầu nhà đầu tư phải có hệ thống xử lý cực kỳ tốn kém”.

Mặc dù vậy, ông Sinh cũng thừa nhận, có nhiều tiêu chuẩn của Việt Nam thấp hơn thế giới. Theo ông Sinh, các quy định, công cụ đã có nhiều và chặt chẽ, nhưng thực tiễn thực hiện kiểm tra, giám sát lại còn rất nhiều bất cập. Trừ những doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, châu Âu có ý thức tuân thủ về quy trình xả thải thì còn lại những doanh nghiệp đến từ châu Á, trong đó có cả Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan... ý thức bảo vệ môi trường “kém hơn nhiều”. Đối với trường hợp Formosa, ông Sinh đề nghị “yêu cầu công ty này xả nước thải ra một kênh hở để có thể nhận biết được".

Tuy nhiên, ông Trần Thế Loãn, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm (Bộ TN-MT) chưa hoàn toàn đồng tình với quan điểm này, mà cho rằng “Quy chuẩn không bao giờ đầy đủ cả. Khi yêu cầu cuộc sống cao lên thì quy chuẩn cần được nâng lên".

Theo SGGPO

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.