Hà Tĩnh: Rác thải tràn ra mé sông, “đe dọa” nguồn nước sinh hoạt của người dân
- Cập nhật: Thứ ba, 21/2/2017 | 10:02:12 Sáng
(capthoatnuocvietnam.vn)- Những ngày gần đây, bãi rác Đồng Kênh tại xóm 3 thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đổ ra đầy đường, tràn xuống bờ sông, bốc mùi hôi thối. Việc đổ rác, đốt rác không đúng quy định đang làm người dân hết sức lo lắng.
Bãi rác Đồng Kênh, tại xóm 3 thị trấn Nghèn được xây dựng từ năm 2013, nằm bên cạnh dòng sông Nghèn - nơi cách đó chừng 400m, nhiều người dân dùng nguồn nước để sinh hoạt. Với diện tích khoảng 1,5 ha, được quy hoạch gồm đường vào, bãi tập kết rác, các hồ chôn lấp... đây là nơi tập trung rác thải của thị trấn Nghèn và các vùng lân cận.
Tại bãi rác này, khu vực trung tâm vẫn còn để trống nhưng đường vào đã bị “phong tỏa”. Rác thải được đổ tràn lan, vòng quanh bốn phía, có nơi chất cao trên 2m. Rác đổ đầy đường đi vào, tràn ra sát mép bờ sông, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Nói về công việc của mình, ông Đặng Văn Út, 55 tuổi, xóm Tài Năng, HTX môi trường Tùng Lộc cho biết: “Mỗi tháng, chúng tôi chuyển rác ba lần, mỗi lần từ 7 - 8 chuyến, mỗi chuyến khoảng 4 tạ về tập kết tại đây. Tuy nhiên, đường vào phía trong bị rác chắn lối nên phải đứng ngoài hàng rào ném vào”.
Cũng theo ông Út, việc giám sát không chặt chẽ nên mạnh ai nấy đổ, bạ đâu đổ đấy. Đặc biệt là những xã ở xa, vận chuyển bằng ô tô, họ sợ mắc lầy, không dám vào sâu bên trong, nên đổ lấn dần ra ngoài.
Rác bao vây tứ phía nhưng phần trung tâm của bãi vẫn trống không. |
Một người phụ nữ đang thu lượm ve chai cho biết, tình trạng đổ rác tràn ra đường xuất hiện từ trước Tết Nguyên Đán lại nay. Mặc dù bảo vệ ngăn cản nhưng họ cứ đổ ào ngay sát mép bờ sông rồi đi.
Trao đổi với PV, bà Hương, người dân xóm 3 thị trấn Nghèn bức xúc: “Họ thường đốt rác vào cuối buổi chiều. Rác của xã nào thì xã đó tự xử lý. Nhưng dạo này họ không kể giờ giấc, đốt cả vào buổi ban trưa. Khi đốt rác, lửa cháy rực trời, khói tỏa mù mịt, mùi khói khắm nồng nặc bay vào tận làng, không thể chịu nổi”.
Cũng theo bà Hương, rác đổ về đây có đủ loại. Ngoài rác thải sinh hoạt còn có các loại gia súc, gia cầm bị chết, họ không đem chôn mà vứt vào đây. Có những con lợn chết khoảng 2 tạ, bị vứt vào trong hồ, trương phình, nổi lềnh bềnh, ruồi nhặng bâu đầy, bốc mùi hôi thối.
“Dân chúng tôi khổ lắm, không có nước sạch để dùng. Nước uống và sinh hoạt đều lấy ở sông Nghèn này. Nhiều hôm trời mưa, nước từ bãi rác chảy xuống đầy hồ, tràn cả ra dòng sông, người dân lại chở về sử dụng”, bà Hương rùng mình kể lại.
Rác đổ đầy đường, tràn ra sát mép bờ sông nhưng được xử lý nham nhở. |
Làm việc với chính quyền địa phương, ông Nguyễn Thái Dương, Chủ tịch UBND thị trấn Nghèn cho biết: “Bãi rác này không chỉ riêng thị trấn sử dụng mà huyện cho các xã lân cận đổ vào. Mặc dù đã phân chia khu vực nhưng rất khó quản lý. Cứ sau vài tuần, chúng tôi lại phải thuê máy móc san ủi một lần”.
Trao đổi với PV, ông Trần Đình Việt, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Can Lộc chia sẻ: “Việc xử lý rác thải đang là vấn đề “nóng” của huyện. Nhiều HTX thu gom rác không đổ vào đúng vị trí của mình, thậm chí đổ sang khu vực của xã khác. Hơn nữa, khi không có người giám sát thì đổ ngay bên đường luôn”.
Cũng theo ông Việt, ngoài việc người dân thiếu ý thức trong việc đổ rác tràn lan, bừa bãi, chắn hết lối vào thì nguyên nhân nữa là do mặt bằng bãi rác không đảm bảo, khu vực ở giữa bị trũng, xe ô tô không dám vào vì sợ sụp lún không ra được.
Về những giải pháp trước mắt để khắc phục tình trạng vứt rác bừa bãi, ông Việt nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, quản lý. Tập trung giám sát việc đốt rác, phải hạn chế tối đa việc này vì nó thải ra chất độc. Làm văn bản gửi cho các HTX môi trường, yêu cầu đổ rác đúng khu vực đã quy định của địa phương mình”.
Hiện tại, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư để xây dựng một nhà máy xử lý rác tại đây với công suất 40 tấn/ngày, đêm; tổng chi phí xây dựng 45tỷ đồng, trên diện tích 74,167m2, sẽ khởi công xây dựng và tháng 7/2017.
Họ đốt rác không kể giờ giấc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. |
Theo infonet.vn
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.