Đà Nẵng: Công tác quản lý nguồn nước mặt đang chịu thách thức của BĐKH
- Cập nhật: Thứ ba, 28/2/2017 | 8:54:04 Sáng
(capthoatnuocvietnam.vn)- Các tác động bởi BĐKH biểu hiện qua suy giảm dòng chảy, xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển đối với Đà Nẵng là hiện hữu và rõ ràng dẫn đến nguy cơ mất an toàn về nguồn nước. Điều này sẽ dẫn tới rủi ro sâu xa đối với mục tiêu phát triển KT – XH của thành phố. Do đó, vấn đề an ninh nguồn nước, an toàn các công trình cấp nước cần được xem xét cẩn trọng và thể hiện trong các quy hoạch chiến lược tổng thể thành phố.
Nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng) đang bị đe dọa bởi xâm nhập mặn
Dòng chảy giảm mạnh và xâm nhập mặn tăng cao
Những năm gần đây, lưu lượng dòng chảy vào mùa khô ở điểm lấy nước Cầu Đỏ và Hòa Liên có xu hướng ngày càng giảm, làm gia tăng độ mặn và thời gian nhiễm mặn nhất là tại điểm lấy nước Cầu Đỏ. Đây là vấn đề ngày càng thách thức đối với công trình khai thác nước và công trình thủy lợi.
Nhìn chung, dòng chảy mùa khô ở sông Cầu Đỏ có xu hướng giảm trong các giai đoạn ứng với kịch bản trung bình và cao. Đối với kịch bản thấp, dòng chảy có xu hướng tăng nhẹ. Trong giai đoạn cơ sở 1979 – 2012, dòng chảy kiệt nhất trên sông Cầu Đỏ xảy ra từ tháng 3 đến tháng 5, giảm xuống 20m3/s. Mặc dù dòng chảy năm được xem là dồi dào nhưng mùa khô kéo dài là một thách thức lớn đối với công tác quản lý nước.
Dòng chảy kiệt sẽ tiếp tục giảm do hoạt động thủy điện. Đặc biệt, là sau khi nhà máy thủy điện Đak Mi 4 đi vào hoạt động trên sông Cái vào năm 2012. Mỗi năm khoảng 1 tỷ m3 nước từ sông Vu Gia thượng nguồn của sông Cầu Đỏ đã được chuyển đến sông Thu Bồn trong mùa khô. Các hồ chứa thủy điện sông Bung 2 dòng chảy ổn định cho hồ chứa sông Bung 4. Sông Bung 4, A Vương 1 và Sông Côn 2 tích nước và xả nước đến sông Cầu Đỏ chỉ có thể bù đắp khoảng 600 triệu m3. Do đó, dự báo dòng chảy sẽ giảm hơn so với dữ liệu quan trắc lịch sử phía thượng lưu sông Cầu Đỏ. Cùng với dự báo xu hướng mực nước biển tăng lên, vấn đề xâm nhập mặn hiện đang tồn tại cũng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Bằng mô hình thủy lực Mike 11, dự báo mặn được tính toán sơ bộ thông qua việc xác định mối quan hệ giữa lưu lượng xả qua đập tràn và độ mặn tại điểm lấy nước của nhà máy nước Cầu Đỏ, tương ứng với mức triều thấp, trung bình và cao. Sau đó tìm giá trị lưu lượng xả qua đập An Trạch cần thiết để duy trì độ mặn ở mức 250mg/L đối với mỗi cấp độ triều. Tuy nhiên, độ mặn ở các mức triều luôn thể hiện ở mức cao.
Với những thách thức của BĐKH đối với an ninh nguồn nước, Đà Nẵng cần tăng cường công tác quản lý và phối hợp với các địa phương đầu nguồn dòng chảy để có sự điều chỉnh dòng chảy phù hợp.
Việc hợp tác liên vùng quản lý lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn đóng vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý nguồn nước. |
Giải quyết vấn đề phân lưu trên lưu vực sông Vu Gia
Sông Vu Gia – Thu Bồn về đến Ái Nghĩa phân làm 2 nhánh, sông Ái Nghĩa đổ về cửa Hàn thông qua các sông Yên, Lạc Thành, Vĩnh Điện, Cầu Đỏ, Cẩm Lệ... Sông Quảng Huế đổ về sông Thu Bồn tại Giao Thủy. Sông Vu Gia và sông Thu Bồn nằm gần nhau, có địa hình thấp dần từ Bắc (sông Vu Gia) vào Nam (sông Thu Bồn) nên thổ nhưỡng của khu vực chủ yếu là trầm tích sông. Cao trình đầy sông Vu Gia cao hơn cao trình đầy sông Thu Bồn khoảng 1m.
Với đặc thù tự nhiên như trên, nguy cơ cắt dòng sông Vu Gia chuyển về sông Thu Bồn là rất cao. Năm 1999 – 2001, tại xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam sự cố cắt dòng sông Vu Gia tạo thành sông Quảng Huế mới và đổ nước về sông Thu Bồn đã khiến cho sông Ái Nghĩa thiếu nước nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề cho dân sinh, kinh tế ở hạ du sông Vu Gia, bao gồm TP. Đà Nẵng, huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn và TP. Hội An của tỉnh Quảng Nam. Bộ Nông nghiệp và PTNT phải thực hiện Dự án khẩn cấp chỉnh trị sông Vu Gia tại đây từ năm 2002 đến 2012 mới hoàn thành. Chính vì thế, nguy cơ tái cắt dòng trên lưu vực này vẫn luôn tiềm ẩn. Một khi xảy ra sự cố cắt dòng thì sẽ mất thời gian nhiều hơn và hậu quả cũng sẽ nghiêm trọng hơn.
Tỷ lệ phân dòng vào mùa kiệt tại các vị trí phân lưu trên lưu vực Vu Gia chịu tác động đáng kể do lũ lụt, nên đây là khu vực cần được theo dõi chặt chẽ. Việc hợp tác liên vùng quản lý lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Dữ liệu sẵn có liên quan đến nguồn tài nguyên nước của TP. Đà Nẵng nói riêng và lưu vực Vu Gia – Thu Bồn nói chung hiện ở mức hạn chế. Cần có sự đầu tư các hệ thống quan trắc dữ liệu nhằm cung cấp tốt hơn cho việc lập kế hoạch và quản lý các nguồn tài nguyên liên quan trong lưu vực.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên nước. Đà Nẵng cần chú trọng, không chỉ việc quy hoạch các nguồn cung cấp nước lâu dài, ổn định mà cần triển khai các chương trình nhằm quản lý nhu cầu sử dụng nước trong cộng đồng hiệu quả.
Để hạn chế nguy cơ thiếu nước, TP. Đà Nẵng cần xem xét đồng thời các nguồn cung cấp nước và công tác quản lý nhu cầu sử dụng nước. Cần thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng liên quan đến sử dụng nước hiệu quả. Chủ trương thực hiện các chính sách khen thưởng theo quyết định của UBND thành phố.
Sớm triển khai các chương trình ứng dụng công nghệ tiết kiệm nước trong sản xuất công đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả Tài nguyên nước, áp dụng các mô hình sử dụng nước hiệu quả trong cộng đồng.
Bài và ảnh: Yến Nhi (Báo TN&MT)
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.