Mùa khô năm 2017: Hạn mặn giảm, mưa trái mùa kéo dài
- Cập nhật: Thứ năm, 9/3/2017 | 3:40:55 Chiều
(capthoatnuocvietnam.vn)- Tình hình hạn mặn giảm trong khi mưa trái mùa kéo dài do đang nằm trong pha trung tính giai đoạn El Nino chuyển sang La Nina.
Đây là nhận định của các chuyên gia khí tượng thủy văn về diễn biến thời tiết tại Nam bộ trong mùa khô 2017.
Ông Nguyễn Kiệt, Trưởng phòng Dự báo - Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: Nước ta cũng như Nam bộ nói riêng vừa trải qua thời kỳ El Nino kéo dài lịch sử từ những tháng cuối năm 2014 đến nửa đầu năm 2016. Vì vậy, mùa khô năm 2015, 2016, tình trạng hạn mặn xảy ra nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Sau đợt El Nino kéo dài sẽ chuyển sang một giai đoạn khác gọi là pha trung tính trước khi chuyển sang thời kỳ La Nina. Trong giai đoạn pha trung tính, mùa mưa kéo dài, lượng mưa cao, thường xuyên xảy ra mưa trái mùa trong mùa khô.
Theo ông Nguyễn Kiệt, từ tháng 1 - 3/2016, ở khu vực Nam bộ hầu như không xảy ra mưa trái mùa. Tuy nhiên, tháng 1 và tháng 2/2017, mưa trái mùa xảy ra trên diện rộng tại khu vực Nam bộ, kéo dài từ tỉnh Bình Phước đến Cà Mau, lượng mưa trung bình có khi lên đến 100 mm. Dự báo trong tháng 3, tháng 4 tới, mưa trái mùa vẫn còn khả năng xảy ra tại khu vực Nam bộ nhưng thấp hơn về diện cũng như về lượng.
Mưa trái mùa trong mùa khô ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân nhưng cũng có một số mặt lợi. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long, mưa trái mùa làm tình hình xâm nhập mặn xảy ra không đáng kể, độ mặn trung bình thấp hơn rất nhiều so với mùa khô năm 2015, 2016, nhất là ở khu vực Bến Lức trên sông Vàm Cỏ. Đặc biệt, ở cống sông Hòa, tỉnh Tiền Giang (cống chủ lực lấy nước cho vùng ngọt hóa Gò Công) có độ mặn chưa đến 1g/l.
Mưa trái mùa kéo dài tạo nguồn nước lớn cho đồng bằng sông Cửu Long. Qua mặt cắt cho thấy lưu lượng nước đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu tại Tân Châu (tỉnh An Giang) cao gần gấp đôi so với lưu lượng nước năm 2016.
Theo bản tin dự báo mặn vùng hạ lưu sông Nam bộ của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, tại Thành phố Hồ Chí Minh, độ mặn đo được cao nhất đầu tháng 3 tại trạm Nhà Bè trên sông Đồng Điền là 10,9 g/l.
Trong khi đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, độ mặn cao nhất đo được tại trạm Cà Mau trên sông Gành Hào (tỉnh Cà Mau) là 22,9 g/l, xếp sau đó là tại trạm Trần Đề trên sông Hậu (tỉnh Sóc Trăng) là 20,3 g/l. Độ mặn thấp nhất đo được tại trạm Tân An trên sông Vàm Cỏ Tây (tỉnh Long An) là 0,3 g/l, thấp thứ nhì đo được tại trạm Gò Quao trên sông Cái Lớn tỉnh Kiên Giang là 1,7 g/l.
Về kế hoạch ứng phó với tình hình xâm nhập mặn trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, theo ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn một thành viên, nếu tình hình xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng, ngành cấp nước Thành phố sẽ phối hợp với Ban quản lý hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An thực hiện kế hoạch xả nước hồ tiếp nước cho dòng chảy của hai sông này cũng như đuổi mặn.
Đối với giải pháp lâu dài ứng phó với hạn mặn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thạc sỹ Đặng Hòa Vĩnh, Trưởng Phòng Tài nguyên Nước - Viện Địa lý tài nguyên Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thực hiện hồ trữ nước. Theo đó, có thể tận dụng các hồ thoát lũ của hành lang thoát lũ Láng The (huyện Củ Chi) để làm hồ trữ nước.
Trong mùa mưa, các hồ làm nơi thoát lũ cho thành phố, vào mùa khô các hồ trở thành nơi trữ nước để cung cấp nước cho nhà máy nước Tân Hiệp cũng như cấp nước phục vụ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh đó, dọc theo các con sông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có thể tận dụng khu vực có diện tích rộng để xây dựng hồ trữ nước phục vụ các nhà máy nước trong trường hợp hạn mặn. Lợi ích của giải pháp xây dựng hồ trữ nước là chủ động được nguồn nước khi cần trong mùa khô, đồng thời nước được trữ trong hồ sẽ tự lắng lọc giúp ngành cấp nước Thành phố Hồ Chí Minh giảm một phần chi phí xử lý./.
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.