Kỳ tích giữ rừng: Giữ rừng bằng... hương ước

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/6/2013 | 8:39:55 Chiều

Kỳ lạ thay, ở những vùng quê cằn khô, bị chiến tranh tàn phá như Quảng Trị, vẫn tồn tại những khu rừng tốt tươi.

Người xưa có câu “làng bỏ, họ chê” để nói về hoàn cảnh bi đát, tồi tệ nhất mà người dân sống ở nông thôn có thể gặp phải. Tưởng chuyện chỉ còn trong quá khứ thì ngày nay người dân thôn Nhĩ Thượng (xã Gio Mỹ, H.Gio Linh, Quảng Trị) vẫn có “cơ hội” gặp lại “lệ cũ” khi ai đó dám đụng đến hai khu rừng thiêng của làng...

“Báu vật” của làng

Nhĩ Thượng là ngôi làng nằm ở phía đông H.Gio Linh, đất ở đây chủ yếu là cát pha, không nặng mấy phù sa. Dù vậy người xưa khi đi khai khẩn đã khéo léo chọn thế “đắc địa” cho làng. Làng tựa lưng vào khu rừng trâm bầu thâm u, phía trước là trảng cát mênh mông nhưng đã có “cánh cung” rừng sác che chắn. Có lẽ vì vậy mà từ ngàn đời, người Nhĩ Thượng đã coi rừng là báu vật. Còn rừng còn người, hết rừng làng mạc cũng tan hoang... Về Nhĩ Thượng một ngày đầu mùa gặt, rơm rạ phơi đầy đường, phả mùi thơm sực nức. Để có được những tháng ngày yên bình, Nhĩ Thượng đã phải trải qua bao thăng trầm, nhưng tuyệt nhiên, 2 khu rừng của làng vẫn tồn tại giống như tự thân nó mang một sức sống mãnh liệt. Có lẽ, không nhiều làng mạc có ý thức giữ rừng bền lâu như Nhĩ Thượng. Chuyện kể rằng, từ mấy trăm năm trước, các bô lão đã họp lại và cử ra một “từ phu” (tương tự “thằng mõ” ở đồng bằng phía bắc) chuyên đi thông báo, nhắc nhở dân chúng việc làng, việc nước. Những ngày nắng ráo, “từ phu” sẽ loa rằng: “Cấm cồn, cấm kẹ, cấm rú, cấm sác, khô tươi cấm hết”. Lâu riết rồi thành quen, về sau khi đời sống đổi thay, anh “từ phu” bị “thôi việc”, chẳng ai đi nhắc nhở nữa nhưng cũng không mấy người trong làng dám cầm rựa vào rừng.

Ông Nguyễn Ngọc (62 tuổi), nguyên Trưởng ban điều hành làng văn hóa Nhĩ Thượng giới thiệu rằng khu rừng trâm bầu là rừng trên cát có diện tích trên dưới 100 ha, còn rừng sác chống ngập mặn cũng tròm trèm 5 ha chạy dọc theo cánh đồng làng. “Thời trước chiến tranh, rừng trâm bầu rậm rạp lắm. Về sau, đây là nơi nuôi giấu bộ đội. Nhưng đến thời chống Mỹ, địch đã lập điểm cao 31 ngay giữa rừng và đốn nhiều cây to để biến nơi đây thành một mắt xích trong hàng rào điện tử McNamara. Cũng chính vì vậy mà thời đó, các bô lão đã đồng lòng gửi thư đến chính quyền cũ yêu cầu không được tàn phá khu rừng vì mục đích quân sự”, ông Ngọc nói. Hiện nay, dưới lòng đất của cánh rừng trâm bầu vẫn còn nhiều công trình, sắt thép từ thời chiến tranh để lại. Hài cốt, mồ mã, qua thời gian đã “tan” trong đất thành “thiên táng” nhưng trong tâm tưởng người dân thì ở đó vẫn là chỗ có người “nằm”. Cách đây vài năm, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã đứng ra kêu gọi và xây dựng một công trình tưởng niệm ở điểm cao 31, người dân hiện vẫn hương khói đều đặn...

Riêng đối với khu rừng sác, sự ra đời và tồn tại của nó là một điều hết sức kỳ lạ mà đến những cụ cao niên cũng không giải thích được. Không lạ sao được khi chiều rộng chỉ được vài chục mét nhưng rừng sác lại kéo dài trên 3 km, uốn thành hình chữ S, ôm trọn cánh đồng làng. “Nếu không có khu rừng sác  thì chắc chắn không có hạt lúa nào sinh sôi được trên đất này. Bởi rừng sác đã lấy thân mình chắn cát, ngăn mặn, chở che cho từng tất đất sản xuất”, một cụ già của làng Nhĩ Thượng chép miệng.

Lệ làng răn cháu con

Hòa bình lập lại, như mọi miền quê, Nhĩ Thượng điêu tàn sau đạn bom, 2 cánh rừng của làng cũng rỉ máu. Tưởng ai cũng lo cuốc cày xây dựng cuộc sống, sẽ quên mất “báu vật” một thời. Nhưng người Nhĩ Thượng đã sớm bắt tay ngay vào việc, chỗ nào hoang hóa thì họ trồng lại, chỗ nào tươi tốt thì chăm bẵm thêm xanh. Tổ bảo vệ rừng của làng cũng lập tức được thành lập và người dân phải nộp mỗi người một kg thóc/ha/năm để trả công cho họ. Trong ký ức của nhiều người dân Nhĩ Thượng vẫn nhớ như in rằng: “Thời đó nghiêm lắm, cấm hết, chỉ trừ ngày chủ nhật, bà con và các em nhỏ được lên rừng lấy lá khô thôi. Các cụ bô lão còn “lập chốt” để xem xét, ai đốn cây tươi mang về là... chết với các cụ”. Qua nhiều năm, “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, rừng lại lớn lên như đời người... Giờ rừng trâm bầu có nhiều cây to bằng thân người, còn rừng sác thì um tùm, xanh tốt với nhiều cây cổ thụ, không ai tạo dáng mà tự uốn thành những hình thù đẹp mắt. Ở rừng sác, chiều chiều những đàn cò bay về rất nên thơ. Dưới bóng mát của cây xanh, đây cũng là nơi vùng vẫy của đám trẻ chăn trâu, cắt cỏ...

Đến năm 1995, làng Nhĩ Thượng được lựa chọn là một trong ba ngôi làng đầu tiên của tỉnh Quảng Trị xây dựng mô hình làng văn hóa. Hương ước của làng được phục dựng, trong đó các vị chức sắc của làng không quên chép lại nhiều “điều khoản” nhắc nhở cháu con về ý thức bảo vệ rừng. Điều nào ra điều đó, ai vi phạm lỗi nào cứ chiếu theo hương ước mà “phạt”... Ông Nguyễn Dàn (73 tuổi) móm mém giải thích rằng đời trước đã làm, đời này phải làm theo như một trách nhiệm với tổ tiên trong việc răn dạy con cháu về truyền thống giữ rừng tốt đẹp. “Lệ làng không thể đem ra so với luật pháp nên chúng tôi không bắt bớ, không phạt tiền mà chỉ xử lý nội bộ, lấy giáo dục là chính. Nhưng người làng vi phạm cũng sẽ rất “rắc rối”. Vì chúng tôi sẽ tổ chức họp họ tộc, họp làng nêu tên người này ra để kiểm điểm. Nếu tái phạm nhiều sẽ bị dân làng chê cười, cách ly quan hệ”, ông Dàn nói vẻ tâm đắc.

Kỳ lạ rằng dẫu “giơ cao đánh khẽ” nhưng hiệu quả của việc giáo dục răn đe này lại rất cao. Cháu con nghe răm rắp. Đến đứa con nít trong làng nghe ai rủ lên rừng trâm bầu, ra rừng sác bẻ cây, lấy củi cũng không dám đi, mặt tái mét... “Văn hóa làng các anh biết rồi. Ai cũng sợ xấu với xóm giềng. Mà vì sợ xấu nên không dám làm việc xấu. Trước là luật bất thành văn nay lại còn ghi hẳn vào hương ước, ai dại gì vì mấy cành cây mà bị làng dèm pha?”, ông Ngọc nói chen vào.

Có người bảo “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” nhưng rừng cũng sẽ không bạc khi con người biết yêu thương nó. Có về Nhĩ Thượng mới thấm thía điều này. Hai khu rừng đó giờ như đã thành một phần hồn phách của làng. Sự bền chí của dân làng từ nhiều đời đã để lại cho họ một “di sản” đáng ước mơ cho hết thảy làng quê Việt. Trong ráng chiều, những bóng cổ thụ ngã dài trên ruộng lúa, tỏa bóng cho người nông dân cuốc cày. Có gì đẹp hơn với “tình cây và đất” ở Nhĩ Thượng?

Nguyễn Phúc (Thanhnien Ngày 10/6/2013)

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.