Hiệu quả từ mô hình phân loại rác thải ở Bắc Ninh
- Cập nhật: Thứ năm, 13/6/2013 | 9:42:40 Sáng
Người dân phường Tiền An, thành phố Bắc Ninh đã rất quen thuộc mỗi chiều thứ 6 hàng tuần, đoàn viên, thanh niên phường lại đến từng hộ gia đình “xin rác” để gây quỹ ủng hộ trẻ em nghèo. Mô hình “Phân loại rác thải có thể tái chế từ hộ gia đình, gây quỹ nâng bước trẻ em nghèo” là việc làm tuy đơn giản nhưng mang ý nghĩa lớn, được các tổ chức Đoàn học tập, hưởng ứng nhiệt tình.
Phó Bí thư Đoàn Phường Đinh Thị Hà Hạnh cho biết: Nhớ những lần đầu khi cán bộ Đoàn phường đến đặt vấn đề với từng gia đình nhưng không được người dân hưởng ứng. Đ oàn viên thanh niên đã nhờ Hội phụ nữ phường cùng tuyên truyền với nội dung kêu gọi mỗi người dân nâng cao ý thức phân loại rác thải, để riêng những rác thải có thể tái chế như vỏ lon bia, hộp nhựa, sách, báo... Ngay sau buổi tuyên truyền đó, cứ đầu tuần, các cán bộ đoàn phường lại đến từng nhà trên tuyến phố thí điểm phát túi đựng rác, chiều thứ 6 hàng tuần lại đến từng hộ dân “xin rác” rồi tập kết rác ở phường. Sau 3 tuần hoặc 1 tháng, họ lại mang số rác thải thu được bán lấy tiền gây quỹ ủng hộ trẻ em nghèo. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng, Đoàn phường đã thu được 2 triệu đồng mua 4 chiếc chăn ấm tặng các học sinh nghèo vượt khó trong phường nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Dự kiến trong năm học mới sẽ mua sách, vở đồ dùng học tập cho các em.
Theo chị Nguyễn Thuý Hằng, Bí thư đoàn phường Tiền An, số tiền tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa thể hiện sự quan tâm với người nghèo lại bảo vệ môi trường. Do mới thực hiện thí điểm nên lực lượng chính thu gom rác này là các ủy viên Ban chấp hành đoàn phường. Tới đây, mô hình này sẽ được triển khai rộng khắp ở cả 5 khu phố trong phường thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên cùng tham gia. Không chỉ triển khai trong phường Tiền An, mô hình này còn được nhân rộng trong phường Vệ An, Đáp Cầu – thành phố Bắc Ninh.
Chị Nguyễn Thị Lan (đường Nguyễn Gia Thiều – thành phố Bắc Ninh) chia sẻ: Từ khi có hoạt động của Đoàn thanh niên về phân loại rác thải, cả gia đình hưởng ứng rất nhiệt tình, mỗi thành viên đều ý thức được ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường. Trong sinh hoạt, gia đình không chỉ phân loại rác thải có thể tái chế mà những loại rác hữu cơ còn để riêng làm phân bón, bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Quân Minh, Chủ tịch phường Tiền An cho biết, trong thời gian tới phường sẽ vận động các doanh nghiệp, hộ gia đình cùng chung tay bảo vệ môi trường, hướng tới người nghèo. Đây cũng là cơ sở để đánh giá ý thức của mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong địa bàn.
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.