Nước giàu phải đền bù cho nước nghèo do biến đổi khí hậu
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/6/2013 | 8:08:21 Sáng
Các nước phát triển được như ngày hôm nay là do họ đã khai thác tài nguyên thiên nhiên, xả nhiều khí thải khiến các nước đang phát triển phải chịu thiệt thòi và bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Quan điểm khá mới này được bà Maria Theresa Nera-Lauron, Trưởng Ban Quốc tế, Quỹ IBON Foundation (Philippines) khẳng định tại Hội thảo “Tài chính cho Biến đổi khí hậu tại Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội ngày 11/6.
Tham gia hội thảo có 80 đại biểu đại diện các bộ ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại diện các cơ quan viện trợ như Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) cùng đại diện các tổ chức Phi chính phủ (NGOs), và các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từ một số tỉnh thành trong cả nước.
Theo bà Maria Theresa Nera-Lauron các nước phát triển phải có trách nhiệm chi trả các khoản nợ khí hậu cho các nước đang phát triển thông qua việc cung cấp tiền, công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật để giúp thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển.
“Tài chính cho khí hậu phải là ngân sách do chính phủ các nước phát triển cung cấp chứ không phải tài trợ của các tổ chức tư nhân”, bà nói.
Bà khẳng định nhiều nước phát triển cho rằng họ đầu tư tiền, công nghệ, thiết bị giúp các nước đang phát triển giảm thiểu và ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu là hết trách nhiệm. Trong khi đó, họ không hề thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng giảm phát thải khí và giảm tiêu tụ tài nguyên thiên nhiên. Điều này là hoàn toàn bất công đối với các nước đang phát triển.
Nợ khí hậu bao gồm nợ thích ứng và nợ phát thải khí. Nợ thích ứng bao gồm các khoản đền bù mà các nước phát triển nợ các nước nghèo do những tác động của biển đổi khí hậu do họ gây nên. Trong khi đó, nợ phát thải ám chỉ khoản chi trả mà các nước phát triển phải trả cho việc chia sẻ không gian không khí với các nước khác do lượng phát thải khí họ gây ra.
Theo báo cáo Khủng hoảng nợ khí hậu do tổ chức Phong trào phát triển thế giới công bố năm 2009, Anh quốc nợ phía Nam lục địa, nơi có những nước nghèo nhất thế giới, hơn 600 tỷ bảng Anh.
Việc chi trả cho các khoản nợ khí hậu hiện nay mới tập trung vào khâu thích ứng với tác động của Biến đổi khí hậu gây ra chứ chưa chú trọng đến việc giảm thiểu thông qua các mô hình đầu tư phát triển bền vững.
Theo Sáng kiến chính sách khí hậu công bố năm 2011, 93 tỷ USD trong số 97 tỷ USD đã được chi dung cho các biện pháp giảm thiểu, chỉ một phần nhỏ các khoản đầu tư dành cho các nỗ lực thích ứng.
Vốn tài trợ được hòa ngân sách
TS. Lê Văn Minh, Văn phòng Điều phối Hỗ trợ Ứng phó Biến đổi Khí hậu, cho biết tháng 12 năm 2008, chính phủ Việt Nam phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (NTP-RCC) với tổng ngân sách 1.965 tỷ đồng cho giai đoạn 2009-2015. Ưu tiên của chương trình bao gồm: Xây dựng các kịch bản BĐKH và mực nước biển dâng, xây dựng các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, nâng cao năng lực truyền thông.
Theo số liệu do văn phòng thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia – Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp, ngân sách cho năm 2010 và 2011 của NTP-RCC lần lượt là 141,7 tỷ và 216 tỷ đồng (tương đương khoảng 7 triệu và 10 triệu USD).
Các đối tác phát triển đã tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua việc thành lập Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) vào đầu năm 2009, với tổ chức JICA (Nhật Bản) và AFD của Pháp là những nhà tài trợ đầu tiên, sau đó các đối tác phát triển khác tham gia gồm có Ngân hàng thế giới, Australia, Canada, và Hàn Quốc. Tổng ngân sách SP-RCC dành cho năm 2010 là 140 triệu USD, năm 2011 là 220 triệu USD, cho năm 2012 là 260 triệu USD.
Mọi đồng vốn ODA vào Việt Nam đều được hòa vào cùng ngân sách nhà nước và được sử dụng theo Luật Ngân sách. Bộ tài chính sẽ xem xét các đề xuất và quyết định mức đầu tư cho từng dự án. Năm 2013 dự kiến sẽ đầu tư cho 13 dự án về BĐKH với tổng kinh phí khoảng 42 triệu USD.
Thảo Nguyên (Dantri Ngày 13/6/2013)
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.