Bỏ nhà đi ở thuê vì nhà máy gây ô nhiễm
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/6/2013 | 8:23:28 Sáng
Tồn tại giữa khu dân cư từ 15 năm nay, nhà máy gạch men thuộc Công ty Cổ phần Gạch men sứ TT-Huế trở thành “điểm đen” về ô nhiễm trong cả tỉnh. Môi trường sống bị bức tử, người dân phải bỏ nhà đi ở thuê, trong khi nhà máy vẫn bình chân như vại một cách khó hiểu.
Mới đầu sáng, đường vào tổ dân phố 11 phường Phú Bài (thị xã Hương Thủy, TT-Huế) vắng vẻ khác thường. Vùng dân cư với gần 100 hộ gia đình sinh sống bị bao trùm bởi mùi hôi nồng nặc của hóa chất và tiếng ồn chát chúa phát ra từ nhà máy.
Vừa mở cửa tiếp chuyện, bà Nguyễn Thị Tới hỏi thẳng: “Các anh là cán bộ môi trường ở tỉnh à. Có hơn chục đoàn kiểm tra về đây rồi. Họ đến hỏi đủ thứ chuyện, lấy mẫu nước đi phân tích, đo tiếng ồn, kiểm tra khói bụi rồi quay đi, ô nhiễm đâu lại vào đấy”. Bà Tới và chồng là ông Hồ Đình Quảng ngày ngày cố thủ trong ngôi nhà cấp bốn đóng kín cửa, còn con cháu đã dọn hết đi nơi khác vì không chịu nổi ô nhiễm.
Căn nhà ông Ngô Hối ở bên cạnh khép hờ cửa. Gặp chúng tôi, vị lão thành cách mạng trên 80 tuổi này bật khóc: “Không sớm thì muộn, dân vùng này cũng chết bệnh vì khí độc, nước thải của nhà máy thôi”. Cách nơi ở của ông Hối khoảng 100 mét, gần chục ngôi nhà xây cũng đóng chặt cửa, cỏ dại mọc khắp lối vào.
Thanh tra Bộ TN&MT từng phạt hơn 170 triệu đồng, Phòng TN&MT thị xã cũng vừa xử lý hành chính về vi phạm môi trường, nhưng công ty này vẫn phớt lờ các quy định xả thải, coi thường sức khỏe người dân ông Phan Bồng, Phó phòng TN&MT thị xã Hương Thủy (TT – Huế) |
Từ lâu, những ngôi nhà này không có người lui tới. “Đây là nhà anh Phú, kia là hộ chị Đông. Họ bỏ nhà dọn đi nơi khác ở rồi. Cả đời vất vả chắt bóp làm được nhà cửa như thế mà đành bỏ của chạy lấy người”, ông Hồ Đình Quảng đi theo sau giải thích.
Vừa lúc quay về tổ dân phố có công chuyện, chị Đông ca cẩm, vì sống cạnh nhà máy ô nhiễm lâu ngày, ba đứa con nhỏ của chị mắc nhiều bệnh về hô hấp, chảy mủ lỗ tai, cả nhà phải dời đi nơi khác. Nhà máy xả thải thẳng ra bên ngoài còn làm nguồn nước tự nhiên xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng.
“Nguồn nước ao hồ, kênh mương quanh nhà máy chuyển màu đen đặc như dầu thải động cơ. Nước giếng cũng bị nhiễm hóa chất độc hại. Từ nhiều tháng nay, gia đình tôi phải mua nước máy nơi khác về dùng”, ông Đoàn Văn Long kể. Ông Long cũng bỏ luôn ngôi nhà nhỏ cạnh nhà máy gạch men để dọn về ở với con cái.
Theo người dân phường Phú Bài, Cty CP Gạch men sứ TT-Huế gây ô nhiễm môi trường dai dẳng từ nhiều năm nay. Mức độ càng trở nên trầm trọng từ hai tháng lại đây, sau khi hệ thống thải khí và nước xả bẩn bị vỡ, mất kiểm soát.
Nước thải nhà máy xả ra kênh thoát nước mặt của phường Phú Bài làm chết hàng tạ cá tự nhiên. Cá chết nhiều đến mức bít luôn cả cống thoát. Vịt lội vào nước bẩn do nhà máy xả thải cũng lăn ra chết hàng loạt.
Bèo tây cũng không sống nổi. Nước bẩn lan xa cả chục cây số, về tận phường Thủy Lương bên dưới. Dân phường từng nhiều lần kéo đến nhà máy gây chuyện, chính quyền đứng ra can thiệp, nhưng lãnh đạo nhà máy cứ đánh bài “lỳ”.
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.