Tiếp tục triển khai chương trình 'Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa'
- Cập nhật: Thứ ba, 6/9/2022 | 10:34:44 Sáng
Quảng Ninh tiếp tục triển khai chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa,” trong đó tập trung nhiệm vụ chống rác thải nhựa trong hoạt động du lịch trên vịnh.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý vịnh Hạ Long Phạm Đình Huỳnh cho hay để bảo vệ cảnh quan môi trường và các giá trị di sản, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, Ban Quản lý vịnh đã đề xuất và được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đồng thuận tiếp tục triển khai chương trình "vịnh Hạ Long không rác thải nhựa,” trong đó tập trung nhiệm vụ chống rác thải nhựa trong hoạt động du lịch trên vịnh.
Các tổ chức, cá nhân đang có hoạt động du lịch, dịch vụ trên vịnh cam kết không sử dụng, mua bán các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần; thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường khi tham gia hoạt động du lịch, dịch vụ tại khu vực Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Các chủ tàu du lịch tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến cho du khách không mang sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần xuống tàu và sử dụng trong quá trình tham quan vịnh Hạ Long; có biện pháp từ chối vận chuyển đối với các trường hợp khách cố tình không chấp hành quy định này.
Chi hội Tàu du lịch, các doanh nghiệp cảng, bến tàu du lịch... chú trọng tuyên truyền và yêu cầu các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh dịch vụ trong phạm vi cảng, bến không bán các sản phẩm nhựa dùng 1 lần cho khách tham quan vịnh Hạ Long.
Các công ty lữ hành, hướng dẫn viên du lịch thông báo trực tiếp quy định không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần ngay từ khi khách du lịch đặt tour và trong quá trình tham quan, du lịch trên vịnh...
Trước đó, từ ngày 1/9/2019, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã triển khai thử nghiệm chương trình giảm thiểu rác thải nhựa tại khu vực vịnh với nội dung "Không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trong các hoạt động dịch vụ, du lịch trên vịnh Hạ Long.”
Thay cho việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, các đơn vị kinh doanh trên vịnh sẽ dùng đồ bằng giấy, thủy tinh, vật liệu sinh học thân thiện với môi trường, dễ phân hủy.
Việc làm này góp phần làm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của rác thải nhựa đối với cảnh quan và môi trường vịnh Hạ Long, giúp môi trường du lịch phục vụ du khách thêm xanh sạch đẹp.
Đến nay, sau 3 năm triển khai, chương trình đã thu hút được 204 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch; 15 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ Kayak, đò chèo tay và 51 doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản ký cam kết không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trong hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh.
Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã hợp đồng với hai doanh nghiệp tổ chức thu gom rác thải trên vịnh. Đã có gần 30 tàu của các ngư dân tham gia vớt hàng tấn rác thải, trong đó phần nhiều rác thải nhựa là chai, túi nylon.
Qua đó, đã giảm được 90% rác thải nhựa dùng 1 lần phải thu gom tại các điểm tham quan trên vịnh và giảm 94% lượng phao xốp trên các công trình nổi của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch trên vịnh.
Tuy nhiên hiện nay, trên vịnh Hạ Long vẫn xuất hiện rác thải trôi nổi, phần lớn là chai nhựa, túi nylon, phao xốp...
Những loại rác này được xác định hầu hết có nguồn gốc từ khu vực ven bờ và các vùng lân cận trôi dạt vào vịnh.
Phó Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long Phạm Đình Huỳnh cho rằng để xử lý hiệu quả nguồn rác thải nhựa trên vịnh cần sự chung tay từ người dân, doanh nghiệp và chính quyền các địa phương lân cận vùng Di sản này./.
Nguồn TTXVN
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.