Xử lý chất thải chăn nuôi bằng đệm lót sinh học - Hiệu ích nhân đôi

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/6/2013 | 11:46:21 Sáng

Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đã áp dụng thành công mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng đệm lót sinh học, giúp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí và ít dịch bệnh, mở ra hướng phát triển chăn nuôi bền vững.

Trước đây, hầu hết chất thải chăn nuôi ở huyện Lâm Thao đều xả thẳng ra môi trường xung quanh làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và đời sống người dân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan bệnh dịch cho người và vật nuôi. 

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Trạm khuyến nông huyện Lâm Thao, triển khai ứng dụng thành công mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng chất độn chuồng sinh học tại các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn. Theo cán bộ khuyến nông huyện Lâm Thao, chi phí cho xử lý môi trường theo phương pháp này rất thấp, sử dụng được lâu năm, nguyên liệu sử dụng chủ yếu là các phục phẩm nông nghiệp như trấu, cám cưa, vỏ lạc, lõi ngô nghiền để làm chất độn chuồng, kết hợp với phun chế phẩm sinh học lên bề mặt nền đệm lót để tạo thành chất men vi sinh giúp phân giải phân, nước tiểu, làm giảm mùi hôi thối, ruồi muỗi.

Đặc biệt, chất độn chuồng này còn tạo ra một loại protein có lợi, trở thành thức ăn sinh thái rất tốt cho vật nuôi. Vì trong quá trình phân giải, các chất dinh dưỡng trong phân vật nuôi sẽ chuyển hóa thành protein vi sinh vật có lợi. Khi vật nuôi dũi chất độn chuồng sẽ nhai nuốt nguồn protein này. Các vi sinh vật có lợi sẽ thúc đẩy quá trình tiêu hóa của vật nuôi được tốt hơn, nhờ đó mà hiệu quả sử dụng thức ăn của vật nuôi tăng, phân bớt hôi ngay từ lúc vật nuôi thải ra ngoài. 

Theo các nhà chuyên môn, chế phẩm vi sinh vật đang được sử dụng rộng rãi để làm đệm lót lên men là chế phẩm vi sinh ACTIVE CLEANER. Phun chế phẩm vi sinh lên chất độn chuồng trong các tháng mùa đông, xuân, thu đều tốt, lợn tăng cân nhanh hơn, lượng thức ăn sử dụng ít hơn so với nuôi nền chuồng bằng xi măng. Hơn nữa lợn nuôi không phải sản sinh nhiệt để chống rét trong những ngày rét… 

Hiện nay, các nhà chuyên môn cũng đang nghiên cứu cải tiến chuồng nuôi để trong 2 - 3 tháng hè nóng nực, hạn chế được nhiệt độ trong chuồng như phun tưới nước mát lên mái chuồng, trồng dây leo lên mái, tạo sân chơi… để hoàn chỉnh quy trình nuôi trong cả 12 tháng, phát huy những ưu điểm của đệm lót sinh thái trong nuôi lợn. Nếu hoàn chỉnh quy trình sẽ tránh được nhược điểm khi nắng nóng, đây là điều kiện tốt để tái đàn, tái chăn nuôi tại các hộ gia đình, bảo đảm hiệu quả bền vững, không bị ô nhiễm không khí, nguồn nước, giảm thiểu dịch bệnh, giảm thiểu hóa chất phòng bệnh và thuốc trị bệnh, nhất là bệnh phổi và bệnh đường ruột cho đàn lợn nuôi quanh năm. 

Qua thử nghiệm mô hình cho thấy đã giúp giảm tới 60% sức lao động (do việc không phải dọn phân lợn), tiết kiệm tới 80% nước vệ sinh chuồng trại và 10% thức ăn. Đặc biệt áp dụng biện pháp này, chuồng trại chăn nuôi không có chất thải ra môi trường và không có mùi hôi thối, tỷ lệ sống của vật nuôi đều đạt 100%, hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi thông thường khoảng 40.000 đồng/con/3 tháng nuôi; đồng thời nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh tật và nâng cao chất lượng thịt của vật nuôi. 

Từ mô hình triển khai thành công tại huyện Lâm Thao đã khẳng định việc áp dụng biện pháp xử lý chất thảichăn nuôi bằng đệm lót sinh học đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Không chỉ giúp người chăn nuôi giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, mà còn giúp tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Mô hình chăn nuôi không chất thải rất cần được nhân rộng ra nhiều địa phương, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn.

(TTXVN)
  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.