Tìm cách ‘xanh hoá’ việc quản lý chất thải rắn và vệ sinh môi trường

  • Cập nhật: Thứ bảy, 17/8/2024 | 11:53:53 Sáng

Sáng 15/8, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm với chủ đề "Quản lý chất thải rắn xanh và vệ sinh môi trường xanh" nhằm hướng tới phát triển đô thị xanh và bền vững.

Toạ đàm thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại diện doanh nghiệp. Sự kiện được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) và Hiệp hội Môi trường Đô thị và KCN Việt Nam.


Toàn cảnh toạ đàm

Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Văn Đức - Tổng Giám đốc Urenco, nhấn mạnh: Chất thải rắn sinh hoạt đang trở thành một vấn đề phức tạp trên toàn cầu. Theo dự báo, lượng chất thải rắn sinh hoạt có thể tăng từ 1,3 tỷ tấn vào năm 2012 lên 2,2 tỷ tấn vào năm 2025. Tại Việt Nam, tốc độ gia tăng chất thải rắn sinh hoạt đang ở mức đáng lo ngại, với khối lượng phát sinh dự kiến đạt gần 92.000 tấn/ngày vào năm 2030, gây áp lực lớn lên công tác thu gom, xử lý và ngân sách của Thủ đô.

Bà Sarah Remmei - Chuyên gia Quy hoạch đô thị và môi trường, chia sẻ: 85% lượng chất thải rắn trên thế giới hiện nay được đưa thẳng ra bãi rác mà không qua xử lý, điều này tạo ra thách thức lớn cho việc quản lý chất thải hiệu quả và bền vững. Tại Việt Nam, cần đẩy mạnh cải cách chính sách và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc xử lý và tái chế chất thải theo hướng thân thiện với môi trường.

PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng cho rằng việc nghiên cứu và ứng dụng hạ tầng xanh trong quá trình phát triển đô thị bền vững là cần thiết, và cần có sự chung tay từ các cấp chính quyền và toàn xã hội. Tuy nhiên, hiện nay vẫn thiếu một khái niệm thống nhất về đô thị xanh và hạ tầng xanh trong đô thị.

Trong bối cảnh đó, các cuộc tọa đàm về hạ tầng xanh đã hệ thống hóa cơ sở lý luận và đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm kiến tạo các đô thị xanh qua nhiều giải pháp công nghệ và quản lý. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng cần phải có chiến lược toàn diện, bao gồm các giải pháp kỹ thuật, chính sách quản lý, và nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc phát triển hạ tầng xanh cho các khu công nghiệp và đô thị.

Tại toạ đàm, ThS Vương Thu Hoài - Viện Quy hoạch môi trường, hạ tầng đô thị và nông thôn, cũng nêu lên những thách thức lớn liên quan đến ô nhiễm rác thải nhựa tại các đô thị du lịch, và đề xuất giải pháp tách dòng chất thải nhựa khỏi chất thải rắn thông thường, đồng thời xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn với công nghệ phù hợp để bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.

Các sáng kiến và giải pháp đề xuất tại toạ đàm lần này được kỳ vọng sẽ sớm được triển khai trong thực tế, góp phần tạo ra một môi trường đô thị xanh, sạch và bền vững hơn cho tương lai.

ĐAN VY
  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.