Đồng Nai: Bãi rác “tấn công” vào trường mầm non

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/8/2013 | 9:56:49 Sáng

Mỗi ngày bãi rác tạm tại ấp 7, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai tiếp nhận khoảng 70 tấn rác thải. Do nằm sát khu dân cư và chỉ cách Trường mầm non Tân Thành chưa đến 300m, nên hơn 2 năm qua, bãi rác này đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến học tập, sức khỏe của nhiều học sinh và người dân.

Mỗi ngày bãi rác tạm tại ấp 7, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai tiếp nhận khoảng 70 tấn rác thải. Do nằm sát khu dân cư và chỉ cách Trường mầm non Tân Thành chưa đến 300m, nên hơn 2 năm qua, bãi rác này đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến học tập, sức khỏe của nhiều học sinh và người dân.

Những năm trước, dù cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng Trường mầm non Tân Thành (trường công lập) luôn tiếp nhận trên 100 học sinh mầm non của ấp 7 và ấp suối Cả (xã Bàu Cạn). Năm nay, trường vừa xây mới và sửa chữa 4 phòng học, thế nhưng, theo phản ánh của người dân trong vùng thì họ sẽ không gửi con ở trường này nữa, mà cho đi học trường tư. Sở dĩ có tình trạng này là dân lo con học ở trường Tân Thành sẽ bị bệnh tật do ô nhiễm môi trường.

Chị Nguyễn Thị Thanh - một hộ dân ở ấp 7 than thở: Từ đầu năm 2011, chúng tôi chẳng hiểu vì sao nơi đây trở thành chỗ tập kết rác của toàn huyện. Hàng ngày, xe tải lớn, nhỏ ầm ào đưa rác về vùng này đổ. Giờ đỡ rồi chứ trước đây, ngày cũng như đêm họ đốt rác, khói phủ kín cả một vùng trời. Tôi có con 4 tuổi học ở trường Tân Thành, cứ nói đến đi học là nó khóc, năn nỉ xin bố mẹ cho ở nhà vì đến trường cháu sợ ngửi mùi khói, mùi hôi.

Do ảnh hưởng của khói bụi, nên con em họ thường xuyên bị ho, viêm họng, buồn nôn…. Vì lo cho sức khỏe của các cháu, nên năm học này, nhiều gia đình ở ấp 7 và ấp Suối Cả chuyển con em đến học ở trường tư tại xã Cù Bị, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Học trường Tân Thành cả năm đóng chưa đến 600.000 đồng, học trường tư thì từng đó chỉ đủ đóng 1 tháng, ngoài ra còn phải đi xa khoảng 10km.
 
Trường mầm non Tân Thành không có học sinh vì ô nhiễm, đó là một nguy cơ có thật. Cô Nguyễn Thị Hoa - Hiệu Trưởng trường này cho biết: "Từ ngày có bãi rác, ruồi, muỗi bắt đầu “tấn công” trường, để khắc phục tình trạng này, trong giờ học, giáo viên phải dùng lưới để bịt kín các ô cửa sổ, buổi trưa, khi học sinh đi ngủ, nhà trường phải dùng loại màn to để che chắn ruồi, nhặng. Vì ô nhiễm, nên năm học 2012-2013, trường chúng tôi nhiều lần phải cho học sinh nghỉ học, nhiều phụ huynh đã xin chuyển trường cho con."

Theo những người dân sống quanh bãi rác tạm, thời gian gần đây, tình trạng đốt rác vào ban ngày đã được hạn chế, tuy nhiên mức độ ô nhiễm không vì thế mà chấm dứt. Hàng ngày, rác vẫn tiếp tục được tập kết về đây rồi đổ tràn lan giữa bãi đất mới san ủi và cả trên mặt đường. Rác cứ thế chất cao, phơi giữa nắng mưa, bốc mùi hôi thối. Do là bãi rác tạm, nên nơi đây vẫn áp dụng “công nghệ” xử lý rác thải bằng cách đốt, khói bụi thì để mặc gió cuốn đi.

Ông Nguyễn Văn Nam - một hộ dân ở ấp 7 chia sẻ: "Trường Tân Thành cách bãi rác vài trăm mét, ô nhiễm nặng là chắc chắn. Chúng tôi ở cách bãi rác gần 800 mét, nhưng nhiều khi mùi hôi vẫn nồng nặc, nhiều người mắc các bệnh về đường hô hấp. Đây là khu vực đồi cao, đầu nguồn của một số con suối chảy ra các ấp của xã Bàu Cạn, xã Long Phước..., nên nguồn nước ô nhiễm từ bãi rác này sẽ còn chảy đi nhiều nơi khác."

Bãi rác tại xã Bàu Cạn, theo quy hoạch từ năm 2005, là bãi xử lý rác tập trung với diện tích 100ha. Tuy nhiên, do dự án chậm triển khai, nên đầu năm 2011, bãi rác sinh hoạt Liên Kim Sơn (gần thị trấn Long Thành) quá tải, không còn chỗ để chứa rác cho thị trấn Long Thành, người ta mới “chữa cháy” bằng cách san lấp tạm một vùng rộng khoảng 3ha (trong diện tích trên) để đổ rác.

Ông Nguyễn Văn Hải - Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Long Thành cho biết: Dự án xây dựng bãi rác ở xã Bàu Cạn đã được giao cho Công ty Phúc Thiên Long và Công ty Tân Thiên Nhiên xây dựng (Tân Thiên Nhiên xây khu xử lý chất thải nguy hại với diện tích 10ha, Phúc Thiên Long xây dựng khu xử lý chất thải sinh hoạt, diện tích hơn 90ha). Mọi thủ tục pháp lý đã được thực hiện xong, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà đến thời điểm này, Công ty Phúc Thiên Long vẫn chưa triển khai xây dựng bãi rác dù huyện đã có nhiều văn bản hối thúc đơn vị này. Thiếu chỗ tập kết, xử lý, nên rác thải trên địa bàn huyện Long Thành trong thời gian tới vẫn tiếp tục phải đổ vào bãi rác tạm.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phun xịt thuốc khử mùi, rắc vôi quanh bãi rác. Huyện cũng không biết bao giờ Công ty Phúc Thiên Long sẽ xây dựng bãi rác. Mong rằng lãnh đạo tỉnh Đồng Nai sẽ có chỉ đạo để doanh nghiệp này triển khai dự án sớm.

Trong lúc chờ đợi doanh nghiệp xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt, bãi rác tạm vẫn tiếp tục phình to. Năm học mới đang đến gần, thầy trò Trường mầm non Tân Thành lại phải sống chung với rác và ô nhiễm. Họ vẫn không biết tình trạng trên bao giờ mới chấm dứt./.

Công Phong (TTXVN)
  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.