Vĩnh Phúc: Cần xử lý triệt để các bãi rác thải trong khu dân cư
- Cập nhật: Thứ hai, 14/7/2014 | 9:16:29 Sáng
Thời gian gần đây, cử tri nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc liên tiếp phản ánh tình trạng rác thải sinh hoạt, chất thải từ các cơ sở sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp không được thu gom, xử lý đúng quy định mà lại được đổ tràn lan gần khu dân cư tập trung. Các loại chất thải lâu ngày gặp trời nắng bốc mùi nồng nặc. Có nơi rác chất thành đống, tràn lên cả mặt đường, chắn lối đi, khiến người dân bức xúc.
Một số trục đường và các khu đất bãi không canh tác ở gần các thôn, xóm thuộc xã Đồng Văn và xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc là địa điểm thường được các phương tiện vận chuyển chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại, phế thải khó phân hủy đến đổ trái phép. Ở hai xã trên, mỗi ngày có hàng trăm chuyến ô tô chở phế liệu về. Các phế liệu đưa về đây được phân loại. Đối với những phế liệu là phi kim loại như cao su, nhựa, ghế ô tô cũ hoặc hỏng, thùng sơn hay mạ quá hạn sử dụng, bao bì hỏng..., người thu gom sẽ đem bỏ. Điều đáng nói là việc tập kết phế liệu gia tăng đồng nghĩa với việc 2 xã Đồng Văn, Tề Lỗ trở thành bãi chứa các loại rác thải nguy hại khổng lồ;
Thôn Đồng Lạc, xã Đồng Văn, tiếp giáp với thôn Giã Bàng, xã Tề Lỗ có con đường dân sinh mới xây dựng đi qua cánh đồng dài khoảng 1 km, rộng trên dưới 15 m là trục đường bị ô nhiễm nặng. Con đường này cách biệt khu dân cư nên những người buôn bán phế liệu chọn đây là nơi đập ti vi cũ, phá máy tính hỏng, đốt phá dây cáp bọc nhựa để lấy kim loại hoặc dùng nhiệt để hủy các chi tiết của phương tiện cơ giới và linh kiện xe ô tô các loại. Ngay từ phía đầu của con đường này là nơi tiêu hủy vật liệu, thu gom kim loại và bãi rác cận kề rộng khoảng 1.000 m2. Rác ở đây thường được đổ trộm vào ban đêm. Do rác thải khó phân hủy tràn xuống đồng ruộng, ao, hồ của người dân nên họ đã tự xử lý rác bằng cách đốt hủy. Đáng tiêc, cách xử lý không đúng quy trình này gây tình trạng ô nhiễm nặng, khói bụi, tạp khí có hại phát tán trên diện rộng vào khu dân cư.
Xã Đồng Văn cần kề với xã Tề Lỗ của huyện Yên Lạc được coi là địa bàn buôn bán phế liệu, tháo dỡ ô tô, xe máy, các loại xe cơ giới lớn nhất miền Bắc. Không những rác thải mà ở đây còn có lượng dầu thải rất lớn. Lượng dầu thải không được thu gom đang gây nguy cơ ô nhiễm mặt nước ao hồ, nước ngầm nặng nề trên diện rộng.
Bãi rác tập trung tại thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch rộng khoảng 1.000 m2, được quy hoạch là nơi tập kết rác của hơn chục khu dân cư thuộc thị trấn và một chợ trung tâm của huyện. Bãi rác này có tường cao bao xung quanh nhưng lại gần bệnh viện đa khoa huyện Lập Thạch. Dù bãi rác đã được xây dựng theo quy hoạch và có khoang chứa rác, xử lý rác nhưng do đã xuống cấp nên rác ở đây được xử lý bằng cách đốt hủy tại bãi, gây ô nhiễm môi trường.
Trước tình trạng rác thải nông thôn trên địa bàn Vĩnh Phúc ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở các xã có các làng nghề phát triển mạnh, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng thí điểm mô hình thu gom và xử lý rác thải. Trước hết, mô hình được triển khai tại xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc với quy trình thu gom, xử lý rác thải được thực hiện như sau: Rác thải sinh hoạt hộ gia đình được thu gom vận chuyển tập kết tại bãi phân loại rác; tiếp theo là phơi rác, khi đủ điều kiện sẽ tiến hành đốt rác, tro vụn của rác sau khi đốt được chôn lấp hay bón cho cây trồng. Công nghệ dùng để đốt rác là công nghệ của Nhật Bản, thiết bị sản xuất tại Thái Lan, nhãn hiệu SANKYO, mang tên NFi - 05, công suất đốt lớn nhất 10 tấn rác/ngày đêm, có khả năng đốt liên tục hoặc có thể ủ giữ nhiệt khoảng thời gian 1 - 1,5 ngày để chờ rác, rất phù hợp với khu dân cư khoảng 15.000 - 20.000 người.
Đến hết năm 2014, tỉnhVĩnh Phúc sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng mới 3 lò đốt rác NFI 05 mới tại thị trấn Lập Thạch, Tây Thiên (Tam Đảo) và xã Yên Phương (Yên Lạc); đồng thời nghiên cứu, nhân rộng mô hình trên cùng với lựa chọn công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp với các vùng nông thôn trên địa bàn để hướng tới bảo vệ môi trường sinh thái hiệu quả.
Nhiều ý kiến nêu lên tại các phiên họp của UBND tỉnh hoặc HĐND các cấp, huyện cho rằng: Vĩnh Phúc cần sớm quy hoạch bãi rác lớn để thu gom chất thải trên phạm vi toàn tỉnh. Tỉnh cũng cần đầu tư công nghệ thiết bị xử lý rác tập trung hiệu quả, lâu dài. Thế nhưng, khi các cơ quan chức năng của tỉnh đặt vấn đề quy hoạch bãi rác quy mô lớn ở một số địa phương, phần lớn người dân các địa phương lại e ngại vì sợ bãi rác thải có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống.
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.