Malaysia - Singapore: căng thẳng về cấp nước

  • Cập nhật: Thứ bảy, 8/12/2018 | 9:16:03 Sáng

(Tapchicapthoatnuoc.vn)- Quan hệ giữa Malaysia và Singapore vẫn tồn tại căng thẳng, đặc biệt sau khi ông Mohathir Mohamad lên nắm quyền. Malaysia bắt đầu lưu ý Singapore rằng họ sống nhờ đường ống cấp nước từ Malaysia.

Malaysia là nhà cung cấp nước duy nhất cho Singapore. Năm 1962, hai nước đã ký một thỏa thuận tương ứng, hết hạn vào năm 2061. Theo đó, hàng ngày Singapore nhận 250 triệu lít nước thô từ sông Johor ở Malaysia với giá 0,01 USA/ 1000 gallon. Trong khi đó, vào tháng 8/2018, ông Mahathir Mohamad đã tuyên bố Malaysia bán nước uống cho Singapore với giá quá thấp, theo đó nên cân nhắc tăng lên không ít hơn 10 lần. Bình luận về vấn đề này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết, Singapore hiểu được lý do Chính phủ Malaysia muốn sửa đổi chính sách của chính quyền trước đây. Đồng thời, thủ tướng Singapore gọi thỏa thuận về nước năm 1962 là "bất khả xâm phạm".

Malaysia đã thông báo với Singapore về ý định đến cuối năm 2019 sẽ kiểm soát trở lại không phận Johor mà nước này đã bàn giao cho Singapore vào năm 1974. Nguyên nhân việc Malaysia muốn kiểm soát không phận Johor, theo Bộ trưởng Bộ Vận tải Malaysia Anthony Loke, là do Singapore đã đưa vào hoạt động một hệ thống hạ cánh mới tại Seletar - sân bay nhỏ dành cho máy bay cánh quạt và máy bay thương mại, sử dụng một đường bay qua không phận Malaysia mà không có sự cho phép của nước này. Đường bay này sẽ khiến Malaysia phải giới hạn chiều cao các công trình xây dựng và ảnh hưởng tới hoạt động của tàu bè tại bang Johor, miền Nam bán đảo Malaysia, sát Singapore; ngoài ra đường bay sẽ tạo ra các vấn đề về ô nhiễm và tiếng ồn. Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Anthony Loke nói: "Chúng tôi cảm thấy bây giờ đã đến lúc chúng tôi phải giành lại quyền kiểm soát không phận của mình và chúng tôi có khả năng làm điều này".

Phản ứng trước tuyên bố trên, Bộ Vận tải Singapore, cho biết nước này "tôn trọng chủ quyền của Malaysia". Singapore cũng bày tỏ sự lo ngại trước động thái mở rộng ranh giới cảng Johor Bahru của Malaysia xâm phạm lãnh hải nước này ngoài khơi Tuas. Bộ Vận tải Singapore còn cáo buộc tàu của Cơ quan Thực thi vùng biển cùng Bộ Các vấn đề biển Malaysia nhiều lần đi vào vùng biển này trong hai tuần qua. Tại một cuộc họp báo Bộ trưởng Bộ Vận tải Singapore Hứa Văn Viễn tuyên bố: "hành động phía Malaysia đã vi phạm chủ quyền Singapore cũng như luật pháp quốc tế".

Theo các nhà quan sát, trong giai đoạn ông Mahathir Mohamad làm Thủ tướng lần thứ nhất (1981- 2003), Malaysia và Singapore đã có những tranh chấp nghiêm trọng về biên giới trên không và trên biển. Ví dụ năm 1998, Thủ tướng Malaysia đã cấm máy bay quân sự Singapore vào không phận của nước này do các vấn đề về môi trường và tiếng ồn. Trước đó, vào năm 1980, đã có tranh chấp xung quanh hòn đảo Pedra Branca không có người ở, với diện tích nhỏ hơn sân bóng đá, nhưng có tầm quan trọng chiến lược rất lớn. Cuộc tranh cãi đã tiếp tục trong thời gian nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Mohathir Mohamad. Trong năm 2008, Tòa án quốc tế Liên hợp quốc đã phán quyết rằng Pedra Branca thuộc chủ quyền của Singapore.

Malaysia và Singapore hiện cũng đang phân chia hải phận và không phận trong bối cảnh Malaysia phải điều tra vụ bê bối tham nhũng liên quan tới Quỹ 1MDB. Báo điện tử The Coverage của Malaysia đã đưa tin rằng, cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã đạt thỏa thuận với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long để các ngân hàng Singapore hỗ trợ tài chính Quỹ 1MDB. Sau đó thông tin này được in lại trên mạng xã hội Singapore. Thủ tướng Singapore đã đệ đơn kiện các nhà cung cấp thông tin giả./.

Theo Toquoc.vn

  •  
Các tin khác

Chất thải nhựa trên các dòng sông và đại dương thường liên tục nhả các hóa chất vào nước. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn chưa biết số lượng các chất đó lớn như thế nào và trong đó thì những hợp chất nào phát thải mạnh nhất.

Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng sóng nhiệt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài ong đất - một trong những loài thụ phấn quan trọng bậc nhất trong tự nhiên.

Trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, dữ liệu thống kê đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là những dữ liệu chất lượng cao, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả.

Nền tảng của chiến lược đạt mục tiêu carbon âm tính của Bhutan - quốc gia ở phía Đông dãy Himalaya - là chính sách bảo tồn rừng nghiêm ngặt. Hiến pháp Bhutan quy định rằng ít nhất 60% diện tích đất phải được rừng bao phủ...