Hội nghị Đại dương LHQ 2022 thúc đẩy bảo tồn các đại dương

  • Cập nhật: Thứ bảy, 2/7/2022 | 9:10:18 Sáng

Phát biểu tại cuộc họp ngày 1/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng các quốc gia cần đặt ra các mục tiêu tham vọng về đa dạng sinh học, đặc biệt trong tiến trình thúc đẩy bảo tồn các đại dương.

Hoi nghi Dai duong LHQ 2022 thuc day bao ton cac dai duong hinh anh 1
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Nguồn: France 24)

Hội nghị Đại dươngLiên hợp quốc lần thứ 2, diễn ra tại thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha), với sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia, nhà hoạch định chính sách và chuyên gia đến từ 140 quốc gia, đã bế mạc ngày 1/7 sau gần một tuần làm việc.

Pháp và Costa Rica đã cùng ứng cử đăng cai hội nghị tiếp theo, dự kiến diễn ra vào năm 2025.

Phát biểu tại cuộc họp toàn thể ngày 1/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng các quốc gia cần đặt ra các mục tiêu tham vọng về đa dạng sinh học, đặc biệt trong tiến trình thúc đẩy bảo tồn các đại dương. Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập hợp sức mạnh cộng đồng quốc tế ứng phó với các vấn đề môi trường.

Mặc dù đây không phải là một hội nghị chính thức để đưa ra các chính sách toàn cầu, nhưng cuộc thảo luận và sáng kiến của các bên tham gia sẽ thúc đẩy xây dựng những chương trình nghị sự mạnh mẽ về đại dương tại hai hội nghị thượng đỉnh quan trọng vào cuối năm nay: Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 27) tại Ai Cập vào tháng 11 và Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP 15) tại Canada trong tháng 12.

 

Trọng tâm của dự thảo hiệp ước COP15 là đặt ra điều khoản về việc dành 30% diện tích đất liền và đại dương trên hành tinh làm các khu bảo tồn. Hiện nay, chỉ khoảng 8% diện tích đại dương nằm trong diện bảo tồn.

Bao phủ khoảng 70% diện tích bề mặt Trái Đất, các đại dương giúp giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với sự sống trên đất liền, song phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng. Các đại dương hấp thụ khoảng 25% khí thải CO2 khiến nước biển bị acid hóa, đe dọa các chuỗi thức ăn trong lòng đại dương đồng thời làm giảm khả năng hấp thụ carbon của các đại dương.

Ngoài ra, các đại dương cũng hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa từ tình trạng ấm lên toàn cầu, do đó các đợt sóng nhiệt xuất hiện ngày càng nhiều trong lòng đại dương, khiến nhiều rạn san hô quý chết đi và gia tăng những vùng biển chết thiếu oxy.

 

Trong các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc, chủ đề đại dương cho đến gần đây vẫn ít được nhắc đến, dù tình trạng ấm lên toàn cầu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng biển và đại dương.

Trao đổi với báo giới, bà Sabine Roux de Mezieux, Chủ tịch Fondation de la Mer - tổ chức được thành lập nhằm mục đích nghiên cứu và bảo tồn đại dương - cho biết phải trải qua 21 lần hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, đại dương mới trở thành một phần của chương trình nghị sự của các hội nghị của Liên hợp quốc./.


Nguồn TTXVN

  •  
Các tin khác

Chất thải nhựa trên các dòng sông và đại dương thường liên tục nhả các hóa chất vào nước. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn chưa biết số lượng các chất đó lớn như thế nào và trong đó thì những hợp chất nào phát thải mạnh nhất.

Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng sóng nhiệt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài ong đất - một trong những loài thụ phấn quan trọng bậc nhất trong tự nhiên.

Trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, dữ liệu thống kê đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là những dữ liệu chất lượng cao, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả.

Nền tảng của chiến lược đạt mục tiêu carbon âm tính của Bhutan - quốc gia ở phía Đông dãy Himalaya - là chính sách bảo tồn rừng nghiêm ngặt. Hiến pháp Bhutan quy định rằng ít nhất 60% diện tích đất phải được rừng bao phủ...