Các nhà ngoại giao kêu gọi lãnh đạo thế giới bảo vệ đại dương và đất đai

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/2/2020 | 3:44:13 Chiều

Trong một tuyên bố mới được 23 nhà ngoại giao (bao gồm cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright và cựu ngoại trưởng Anh Sir Malcolm Rifkind) ký và được phát hành thông qua think-tank phi lợi nhuận Viện Aspen, các nhà lãnh đạo thế giới được khuyến khích ủng hộ dự thảo thỏa thuận của Liên hợp quốc để bảo vệ gần 1/3 đại dương và đất đai trên thế giới.

Tuyên bố cảnh báo con người liên tục hủy diệt tự nhiên và đe dọa sự tồn tại của chính loài người, do đó, các nhà lãnh đạo cần dừng chân "trên bờ vực” hủy hoại sinh thái không thể đảo ngược để bảo vệ hành tinh.

Tuần tới các chính phủ sẽ bắt đầu đàm phán cho một thỏa thuận của Liên hợp quốc về tự nhiên tương tự Thỏa thuận chung Paris, trong đó, nhóm ngoại trưởng cho rằng hiện tượng các đại dương nóng lên nhanh chóng phải là trọng tâm của các nỗ lực bảo tồn để tương xứng với tầm quan trọng của chúng trong việc sản xuất oxy và thực phẩm cho hàng tỷ người.
Kết quả hình ảnh cho after amazon fire
Rừng Amazon cháy dữ dội trong năm 2019. (Ảnh: Victor Moriyama/AFP/Getty Images)
Hội nghị chính thức diễn ra tại Rome, Italia do địa điểm Côn Minh, Trung Quốc theo dự kiến ban đầu đang đối phó với dịch Covid-19.

Dự thảo hiện tại cam kết các quốc gia bảo vệ 30 % hành tinh, đưa ra các biện pháp kiểm soát đối với các loài xâm lấn và giảm 50% ô nhiễm từ chất thải nhựa và chất dinh dưỡng dư thừa.

"Sự mất mát và suy thoái thiên nhiên gây nguy hiểm cho sức khỏe, sinh kế, an toàn và thịnh vượng của con người, đồng thời gây hại bất tương xứng cho các cộng đồng nghèo nhất cũng như làm giảm khả năng chúng ta đạt được nhiều mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Chúng ta phải vượt lên trên chính trị và ý thức hệ để đoàn kết cộng đồng toàn cầu cho nhiệm vụ cấp bách bảo vệ hành tinh và lối sống của chúng ta”, theo bản tuyên bố.

Các cựu ngoại trưởng nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng khí hậu cùng việc "khai thác vô độ” tài nguyên thiên nhiên và suy thoái hệ sinh thái là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc tế cũng như tương lai con cháu chúng ta.

"Con người ở ngay trên bờ vực của sự mất mát đa dạng sinh học không thể đảo ngược và một cuộc khủng hoảng khí hậu đe dọa đến tương lai con cháu chúng ta và các thế hệ sắp tới. Thế giới phải hành động quyết liệt, và phải hành động ngay bây giờ”, tuyên bố nêu rõ.

Các nhóm bản địa, các nhà khoa học và giới lãnh đạo doanh nghiệp đều đưa ra ý kiến trước hội nghị ở Rome.

"Môi trường biển đáng được quan tâm đặc biệt vì chiếm tới 70% hành tinh của chúng ta và ngay cả những người sống ở sâu trong đất liền cũng phụ thuộc vào đại dương – nơi tạo ra một nửa lượng oxy chúng ta thở, là nguồn protein chính cho hơn 3 tỷ người và duy trì khí hậu cho chúng ta sống”.

"Ngoài việc bảo vệ 30% đại dương, chúng tôi cũng kêu gọi các quốc gia trên thế giới quản lý toàn bộ lãnh hải riêng một cách bền vững, công bằng và tích hợp liên ngành. Sự kết hợp giữa bảo vệ và quản lý bền vững này sẽ đảm bảo sức khỏe và năng suất của đại dương toàn cầu mà tất cả chúng ta đều phụ thuộc”.

Tháng trước, tân lãnh đạo đa dạng sinh học của Liên hợp quốc đã cảnh báo loài người sẽ phải "từ bỏ” trái đất nếu trong năm nay các nhà lãnh đạo thế giới không thể đạt được thỏa thuận để ngăn chặn sự tuyệt chủng hàng loạt động vật hoang dã cũng như vấn nạn phá hủy hệ sinh thái hỗ trợ sự sống.

Khi được hỏi về hậu quả của việc không hành động, quyền thư ký điều hành Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học Elizabeth Maruma Mrema nói: "Rủi ro sẽ rất lớn. Một là chúng ta sẽ không nghe theo khoa học và bằng chứng được đưa ra. Bởi vì chúng ta không nghe theo, điều đó có nghĩa là cộng đồng toàn cầu sẽ nói: Hãy để đa dạng sinh học tiếp tục mất, hãy để mọi người tiếp tục chết, hãy tiếp tục suy thoái, tiếp tục phá rừng, tiếp tục ô nhiễm và chúng ta không còn là một cộng đồng quốc tế để cứu lấy hành tinh”.

"Tôi hy vọng rằng đó không phải là điều bất kỳ ai trong chúng ta muốn”.

Nhật Anh (Theo Guardian)
Nguồn: BVR&MT
  •  
Các tin khác

Chất thải nhựa trên các dòng sông và đại dương thường liên tục nhả các hóa chất vào nước. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn chưa biết số lượng các chất đó lớn như thế nào và trong đó thì những hợp chất nào phát thải mạnh nhất.

Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng sóng nhiệt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài ong đất - một trong những loài thụ phấn quan trọng bậc nhất trong tự nhiên.

Trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, dữ liệu thống kê đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là những dữ liệu chất lượng cao, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả.

Nền tảng của chiến lược đạt mục tiêu carbon âm tính của Bhutan - quốc gia ở phía Đông dãy Himalaya - là chính sách bảo tồn rừng nghiêm ngặt. Hiến pháp Bhutan quy định rằng ít nhất 60% diện tích đất phải được rừng bao phủ...