Trung Quốc sẽ xả nước từ các đập để khắc phục hạn hán sông Mekong

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/3/2020 | 1:04:33 Chiều

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh có cảnh báo cho rằng việc xây dựng các đập để khai thác thủy điện trên sông Mekong sẽ định hình lại nền kinh tế của 5 quốc gia thuộc lưu vực sông, thúc đẩy lạm phát dài hạn và phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trung Quốc ngày 20/2 cho biết họ đang giúp các nước láng giềng hạ lưu đối phó với hạn hán kéo dài bằng cách xả thêm nước từ các đập ở thượng nguồn sông Mekong, đồng thời sẽ xem xét chia sẻ thông tin về thủy văn để hỗ trợ thêm trong tương lai.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh một báo cáo kinh tế mới dự báo rằng việc xây dựng các đập để khai thác thủy điện trên sông Mekong sẽ định hình lại nền kinh tế của 5 quốc gia thuộc lưu vực sông, thúc đẩy lạm phát dài hạn và phụ thuộc vào Trung Quốc.
Hạn hán trong năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp và thủy sản ở Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Việt Nam. Nhiều người đổ lỗi cho 11 con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong (đoạn sông mà Trung Quốc gọi là Lan Thương), cũng như biến đổi khí hậu.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, mưa ít là nguyên nhân chính gây khô hạn và Trung Quốc cũng đang phải chịu đựng điều đó.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. (Ảnh: China Daily)
 "Trung Quốc đã vượt qua khó khăn của riêng mình và gia tăng dòng chảy của sông Lan Thương để giúp các nước thuộc lưu vực sông Mekong đối phó với khô hạn”, - ông Vương phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Mekong - Lan Thương lần thứ 5.
"Chúng tôi cũng đồng ý tăng cường hợp tác như vậy trong khuôn khổ LMC để đảm bảo sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên nước”, - ông cho biết thêm.
Trước đó cùng ngày, một báo cáo mới do Fitch Solutions Macro Research thực hiện cho biết, việc xây dựng đập thủy điện trên sông Mekong đã làm thay đổi sinh kế và sẽ có tác động sâu sắc trong thập kỷ tới.
Báo cáo trích dẫn các nghiên cứu của Ủy ban sông Mekong đưa ra dự báo về thiệt hại nặng nề trong các hoạt động khai thác thủy sản và trồng trọt, buộc các quốc gia phải nhập khẩu thêm lương thực.
Điều này khiến các quốc gia này gặp phải các nguy cơ lớn hơn do giá lương thực nước ngoài cao hơn trong thời gian thiếu hụt, và sự mất giá tiền tệ trong thời gian dài do lạm phát cơ bản cao hơn so với các đối tác thương mại của họ, - theo báo cáo.
Các nền kinh tế này ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc để nhập khẩu thực phẩm thiết yếu để bù đắp sự thiếu hụt trong dài hạn, khiến các quốc gia này thậm chí còn dễ bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc hơn, - báo cáo cho biết.
Nguồn tin: vtc.vn
  •  
Các tin khác

Chất thải nhựa trên các dòng sông và đại dương thường liên tục nhả các hóa chất vào nước. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn chưa biết số lượng các chất đó lớn như thế nào và trong đó thì những hợp chất nào phát thải mạnh nhất.

Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng sóng nhiệt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài ong đất - một trong những loài thụ phấn quan trọng bậc nhất trong tự nhiên.

Trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, dữ liệu thống kê đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là những dữ liệu chất lượng cao, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả.

Nền tảng của chiến lược đạt mục tiêu carbon âm tính của Bhutan - quốc gia ở phía Đông dãy Himalaya - là chính sách bảo tồn rừng nghiêm ngặt. Hiến pháp Bhutan quy định rằng ít nhất 60% diện tích đất phải được rừng bao phủ...