Dịch Covid-19: IMF hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho 25 quốc gia nghèo
- Cập nhật: Thứ tư, 15/4/2020 | 6:49:47 Sáng
Ngày 14-4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo sẽ cung cấp các khoản viện trợ khẩn cấp cho 25 quốc gia nghèo nhất thế giới và dễ bị tổn thương nhất, trong đó phần lớn là các nước châu Phi, để giúp các nước này giảm nợ và đối phó tốt hơn với tác động của đại dịch Covid-19. Các khoản tài chính này sẽ gồm một phần chi trả các khoản nợ cho IMF trong 6 tháng và phần còn lại sẽ dành cho các nỗ lực cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ y tế.
Ngày 14-4, Italia đã ghi nhận thêm 566 ca tử vong, nâng tổng số người bị dịch Covid-19 cướp đi mạng sống lên 20.465 trường hợp trong số 159.516 bệnh nhân. Mặc dù số người tử vong và nhiễm vi rút SARS-CoV-2 vẫn ở mức cao, song tốc độ lây lan dịch bệnh tại nước này đã có dấu hiệu giảm rõ rệt. Số ca bệnh mới được báo cáo rạng sáng 14-4 nằm ở mức thấp nhất kể trong tuần qua (3.153 người).
Số bệnh nhân hồi phục tại Italia đã tăng thêm 1.224 ca, lên 35.435 người. Tổng số bệnh nhân phải điều trị tích cực là 3.260 trường hợp (giảm 83 ca). Ngoài ra, Italia hiện có 28.023 ca nhập viện và 72.333 ca cách ly tại nơi ở.
Tại Pháp, quốc gia đứng thứ ba châu Âu về số ca nhiễm bệnh (136.779 người), Tổng thống Emmanuel Macron đã công bố quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến 11-5. Phát biểu trên truyền hình, ông Macron đã nhấn mạnh, nước Pháp "đang sống trong những ngày khó khăn". Ông thừa nhận rằng Pháp "rõ ràng đã không chuẩn bị đầy đủ" cho đại dịch Covid-19. Tình trạng thiếu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế và gel rửa tay khô vẫn đang tiếp diễn.
Đánh giá tình hình vẫn rất căng thẳng ở vùng thủ đô Île-de-France và Grand-Est gần biên giới Đức, Tổng thống Macron cho rằng, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát. Vì vậy, các trường đại học sẽ không tiếp tục hoạt động cho đến mùa hè tới. Các địa điểm công cộng, nhà hàng, quán cà phê, khách sạn, rạp chiếu phim và nhà hát sẽ tiếp tục đóng cửa. Các lễ hội sẽ bị hoãn ít nhất đến giữa tháng 7.
Tại Anh, một số cố vấn khoa học cấp cao của chính phủ cảnh báo nước này có nguy cơ trở thành nước bị tác động mạnh nhất do dịch Covid-19 ở châu Âu. Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh có thể giảm 30% trong quý này vì các biện pháp phong tỏa. Có rất ít hy vọng các hạn chế sẽ sớm được dỡ bỏ
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, tình hình dịch bệnh đang trở nên tồi tệ hơn và Nga có thể huy động các nguồn lực của Bộ Quốc phòng để đối phó cuộc khủng hoảng này nếu cần.
Theo ông Putin, số người mắc bệnh nặng ngày càng tăng và chính quyền cần tính đến mọi phương án, cả những kịch bản khó khăn và bất thường nhất để linh hoạt, kịp thời điều chỉnh chiến lược và chiến thuật hành động. Tính đến thời điểm này, tổng số bệnh nhân mắc bệnh ở Nga đã lên tới 18.328 người, trong đó 148 ca tử vong.
Châu Mỹ
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, ông Robert Redfield cho biết, dịch Covid-19 tại Mỹ có thể đạt đến đỉnh điểm trong tuần này. Theo ông Redfield, việc áp dụng các biện pháp yêu cầu ở nhà, hạn chế ra đường nhằm kiềm chế sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2, mà Mỹ thực thi trong những tuần qua ở nhiều khu vực trên cả nước, đã ảnh hưởng tới nền kinh tế, song giúp kiềm chế tỷ lệ tử vong.
Ông Redfield từ chối đưa ra một mốc thời gian cụ thể cho việc nối lại các hoạt động kinh tế và nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Trong 4 ngày qua, mỗi ngày Mỹ ghi nhận thêm khoảng 2.000 ca tử vong, chủ yếu ở trong và xung quanh thành phố New York. Số ca mắc bệnh đang điều trị trong các bệnh viện ở bang này hiện cũng lên tới 18.825 ca.
Tuần này, Quốc hội Mỹ sẽ phối hợp để đưa ra các biện pháp mới nhằm giảm nhẹ tác động của dịch. Phe Dân chủ muốn tăng tiền cho các nỗ lực chống dịch bệnh khác như hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, tài trợ cho việc nhanh chóng xét nghiệm trên toàn quốc và mua các thiết bị bảo hộ y tế cá nhân.
Châu Á
Phiên tòa xét xử cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak với các cáo buộc tham nhũng và rửa tiền liên quan đến Quỹ đầu tư Nhà nước 1Malaysia (1MDB) tiếp tục bị hoãn lại. Phó Công tố Ahmad Akram Gharib cho biết, phiên tòa dự kiến được nối ngày 29-4 sau khi Chính phủ Malaysia quyết định kéo dài Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) đến hết ngày 28-4.
Đây là lần thứ hai phiên tòa bị hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Với tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay, chưa biết liệu phiên tòa có diễn ra đúng với dự kiến hay không.
Trong khi đó, các ngành sản xuất và dịch vụ quan trọng tại Ấn Độ đã cảnh báo nguy cơ bất ổn xã hội nếu Thủ tướng Narendra Modi không đưa ra các điều khoản nhượng bộ khi gia hạn lệnh phong tỏa 3 tuần đối với quốc gia 1,3 tỷ dân này. Lệnh phong tỏa 3 tuần sẽ kết thúc vào đêm 14-4.
Tuy nhiên, một số bộ trưởng cấp bang cho biết, họ đang lập kế hoạch gia hạn lệnh phong tỏa thêm ít nhất 2 tuần nữa. Hiện Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa đưa ra bất kỳ kế hoạch mới nào. Truyền thông dự đoán chính phủ nước này có thể sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp.
Các tin khác
Chất thải nhựa trên các dòng sông và đại dương thường liên tục nhả các hóa chất vào nước. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn chưa biết số lượng các chất đó lớn như thế nào và trong đó thì những hợp chất nào phát thải mạnh nhất.
Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng sóng nhiệt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài ong đất - một trong những loài thụ phấn quan trọng bậc nhất trong tự nhiên.
Trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, dữ liệu thống kê đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là những dữ liệu chất lượng cao, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả.
Nền tảng của chiến lược đạt mục tiêu carbon âm tính của Bhutan - quốc gia ở phía Đông dãy Himalaya - là chính sách bảo tồn rừng nghiêm ngặt. Hiến pháp Bhutan quy định rằng ít nhất 60% diện tích đất phải được rừng bao phủ...