COVID-19 tạo ra thách thức mới cho vấn đề rác thải nhựa trong đại dương
- Cập nhật: Thứ ba, 5/5/2020 | 3:09:48 Chiều
Khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đã khiến số lượng sản phẩm làm từ nhựa như khẩu trang y tế, găng tay, trang thiết bị bảo vệ, túi đựng xác trên toàn cầu tăng vọt.
Theo CNN, tất cả các sản phẩm trên đều cần thiết trong đại dịch. Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường lo ngại đại dịch COVID-19 đang gây ra một số thách thức nghiêm trọng cho nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa.
"Chúng ta biết ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề toàn cầu. Nó tồn tại trước khi đại dịch xuất hiện. Chúng ta cần phải cẩn trọng về việc sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào sau đại dịch”, ông Nick Mallos làm việc tại tổ chức phi chính phủ Ocean Conservancy cho hay.
Gánh nặng thiết bị bảo hộ cá nhân
Khủng hoảng COVID-19 đã làm bùng lên cuộc chạy đua sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) giữa các quốc gia khi chính phủ các nước nhanh chóng tăng cường dự trữ khẩu trang, găng tay, tấm che giọt bắn và áo bảo hộ. Nhiều nước khuyến khích hoặc yêu cầu công dân đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng.
Mặc dù những động thái này an toàn khi nhìn từ góc độ bảo vệ sức khỏe cộng đồng, song một thực tế không thể phủ nhận là các loại rác thải này ảnh hưởng trực tiếp đối với môi trường xung quanh.
"Ngay bên ngoài nhà tôi là những chiếc khẩu trang và găng tay thải ra sau khi sử dụng. Hai ngày hôm nay, trời đều mưa tại Washington DC. Chính vì vậy, những loại rác thải này nhanh chóng bị cuốn trôi xuống cống và đổ ra sông Anacostica, tại vịnh Chesapeake và cuối cùng là Đại Tây Dương”, ông John Hocevar – Giám đốc chiến dịch đại dương thuộc tổ chức phi lợi nhuận Greenpeace USA – chia sẻ. PPE trở thành một mối đe dọa mới cho các đại dương.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Sinh học Biển ở Anh năm 2019, sản lượng nhựa toàn cầu tăng gấp 4 lần trong 40 năm qua. Theo tính toán của các tác giả nghiên cứu, nếu như xu hướng này tiếp tục, đến năm 2050, quá trình sản xuất nhựa sẽ gây ra 15% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đưa ra so sánh, tổng lượng khí thải của tất cả các loại phương tiện vận chuyển trên thế giới hiện chiếm 15%. Trong khi đó, theo một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí khoa học Nature Communications, mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa bị đổ ra biển.
Tuy nhiên, PPE đặt ra những thách thức khác biệt hơn. "Cấu trúc của PPE khiến chúng trở nên nguy hiểm đối với các loại sinh vật biển. Rùa biển có thể nhầm găng tay là sứa hoặc một loại thức ăn nào đó. Dây đeo khẩu trang cũng tiềm tàng những mối nguy lớn”, ông Hocevar cho hay.
Thời gian trôi qua, những sản phẩm trên mặc dù phân hủy nhưng vẫn tạo ra lượng lớn vi nhựa vào biển, không khí hay thức ăn. Không chỉ vậy, trong quá trình sản xuất các sản phẩm nhựa, các công ty thường thêm vào các loại hóa chất.
"Chúng ta biết nhiều nơi trên thế giới không có khả năng xử lý rác thải nhựa. Điều nay có hại cho sức khỏe con người, có hại cho môi trường và đại dương”, ông Hocevar nêu thực tế.
Bước lùi trong nỗ lực giảm thải rác nhựa
Trong khi vấn đề từ việc sản xuất PPE có thể dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường khi các sản phẩm xuất hiện trên đường phố và ống nước thải thì một nguyên nhân khác có vai trò thầm lặng hơn.
Giới chức các nước đã tạm ngừng hoặc thu hồi một số lệnh cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần, coi đây là một biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.
Tại Anh, quy định tính thêm phí đối với túi nilon tạm thời không có hiệu lực. Một số bang tại Mỹ như Maine cũng tạm ngừng lệnh cấm sử dụng túi nilon. Các nhà bán lẻ, trong đó có chuỗi cửa hàng Starbuck, cấm các sản phẩm tái sử dụng.
"Tất cả các biện pháp trên đều thông báo chỉ có hiệu lực tạm thời, nhưng chúng sẽ kéo dài bao lâu? Khi COVID-19 ập tới, dường như cách thức nhìn nhận đối với nhựa dùng một lần có sự thay đổi”, ông Grzegorz Peszko – một nhà kinh tế học làm việc tại Ngân hàng Thế giới – bày tỏ trong một bài viết trên blog cá nhân hồi tháng trước.
Tháng Ba, Hiệp hội Ngành nhựa đã gửi một bức thư cho Bộ Y tế Mỹ, yêu cầu cơ quan này "đưa ra thông báo chính thức về những lợi ích cho sức khỏe con người khi sử dụng đồ nhựa dùng một lần”. Đại dịch đang "buộc nhiều người Mỹ, các cơ sở kinh doanh và quan chức chính phủ nhận ra đồ nhựa dùng một lần là sự lựa chọn an toàn nhất”, tổ chức nhấn mạnh.
"Thật đáng buồn khi các nhà sản xuất lợi dụng sự lo lắng và hoang mang của người dân trong mùa dịch để bán sản phẩm. Chúng ta đang bị bão hòa với những tin tức hàng ngày về đại dịch… Rất nhiều dòng thông tin có thể bị bỏ qua. Điều đó có thể không phải là một hành động gây ảnh hưởng lớn trong thời điểm hiện tại, song nó sẽ trở nên nguy hiểm hơn sau này”, ông Mallos kết luận.
Theo HỒNG HẠNH/Báo Tin tức
Các tin khác
Chất thải nhựa trên các dòng sông và đại dương thường liên tục nhả các hóa chất vào nước. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn chưa biết số lượng các chất đó lớn như thế nào và trong đó thì những hợp chất nào phát thải mạnh nhất.
Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng sóng nhiệt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài ong đất - một trong những loài thụ phấn quan trọng bậc nhất trong tự nhiên.
Trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, dữ liệu thống kê đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là những dữ liệu chất lượng cao, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả.
Nền tảng của chiến lược đạt mục tiêu carbon âm tính của Bhutan - quốc gia ở phía Đông dãy Himalaya - là chính sách bảo tồn rừng nghiêm ngặt. Hiến pháp Bhutan quy định rằng ít nhất 60% diện tích đất phải được rừng bao phủ...