WHO: virus SARS-CoV-2 có thể không bao giờ biến mất

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/5/2020 | 10:44:19 Sáng

Chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, virus SARS-CoV-2 gây Covid-19 có thể sẽ luôn tồn tại trong cuộc sống con người như virus HIV gây AIDS.

Ông Ryan (bên trái) và ông Ghebreyesus tại cuộc họp báo ngày 13-5. (Ảnh: Reuters)

Tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 13-5, Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế của WHO, ông Mike Ryan cho biết, virus SARS-CoV-2 có nguy cơ trở thành một chủng virus tồn tại song song với các cộng đồng và có thể không bao giờ biến mất.

"Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là chúng ta nên thực tế và không ai có thể dự đoán khi nào dịch bệnh này biến mất”, ông Ryan nói thêm. Ông đồng thời lưu ý, thế giới vẫn cần nỗ lực rất nhiều ngay cả khi vaccine ngừa Covid-19 ra đời.

Thế giới đang nghiên cứu hơn 100 loại vaccine ngừa Covid-19, trong đó một số loại đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, việc tìm kiếm các loại vaccine ngăn ngừa hiệu quả virus SARS-CoV-2 gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện, rủi ro do Covid-19 gây ra ở cấp độ quốc gia, vùng và toàn cầu vẫn ở mức cao. Ông Ryan cho rằng, để hạ mức rủi ro, thế giới cần "kiểm soát một cách đáng kể” virus SARS-CoV-2. Cũng tại cuộc họp này, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hối thúc tất cả mọi người nên góp sức ngăn chặn đại dịch Covid-19.

Nhiều chính phủ trên thế giới đang tìm đáp án cho bài toán vừa mở lại nền kinh tế, vừa ngăn chặn virus SARS-CoV-2. Ngày 13-5, Liên hiệp châu Âu (EU) bắt đầu thúc đẩy việc dần mở lại biên giới nội khối để khôi phục ngành du lịch. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo, EU cần hết sức cẩn trọng để tránh xảy ra các đợt bùng phát mới. Theo ông Ryan, mở lại biên giới trên đất liền ít rủi ro hơn nới lỏng hoạt động di chuyển bằng đường hàng không.

Theo trang Worldometers, tính đến sáng 14-5, thế giới đã ghi nhận 4.427.543 ca bệnh, trong đó hơn 298 nghìn người đã tử vong và 1.657.735 người đã phục hồi.
 
Nguồn: Báo Nhân dân
Theo Reuters
  •  
Các tin khác

Chất thải nhựa trên các dòng sông và đại dương thường liên tục nhả các hóa chất vào nước. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn chưa biết số lượng các chất đó lớn như thế nào và trong đó thì những hợp chất nào phát thải mạnh nhất.

Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng sóng nhiệt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài ong đất - một trong những loài thụ phấn quan trọng bậc nhất trong tự nhiên.

Trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, dữ liệu thống kê đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là những dữ liệu chất lượng cao, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả.

Nền tảng của chiến lược đạt mục tiêu carbon âm tính của Bhutan - quốc gia ở phía Đông dãy Himalaya - là chính sách bảo tồn rừng nghiêm ngặt. Hiến pháp Bhutan quy định rằng ít nhất 60% diện tích đất phải được rừng bao phủ...